F0 gia tăng, nhà trường và sinh viên đều rối

TP - Trường lùi lịch học vì số lượng F0 gia tăng khiến sinh viên ngoại tỉnh khóc ròng vì đã đặt cọc tiền nhà trọ. Còn những sinh viên học trực tiếp bị mắc COVID-19 cũng như ngồi trên lửa.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều trường đại học (ĐH) đã điều chỉnh kế hoạch học tập trung, trong đó có một số trường tạm hoãn lịch học trực tiếp. Sinh viên năm thứ 2, thứ 3 (các khóa chưa đi học tập trung) của trường ĐH Thương mại, số sinh viên F0 là 920 em. Sau 3 ngày học tập tại trường, số sinh viên năm thứ nhất (K57) mắc COVID-19 phát sinh là 129 em.

Với tình hình các ca F0 liên tục tăng, dự kiến khi toàn bộ sinh viên quay trở lại học trực tiếp, số lượng sinh viên là F0 sẽ rất lớn, trường ĐH dự báo lúc đó sẽ rất khó khăn trong công tác điều trị và phòng chống dịch.

Do đó, trường ĐH Thương mại đã khảo sát, lấy ý kiến sinh viên chính quy khóa 55, 56 (năm thứ 2, 3) về nhu cầu quay trở lại trường học trực tiếp (dự kiến trước đó là ngày 7/3).

Kết quả, 75% sinh viên tham gia khảo sát đồng ý phương án tiếp tục học trực tuyến. Với kết quả trên, Ban giám hiệu trường ĐH Thương mại quyết định tạm dừng thực hiện kế hoạch dạy học trực tiếp đối với các khóa còn lại từ ngày 7/3; tiếp tục triển khai kế hoạch giảng dạy theo hình thức trực tuyến đến ngày 21/3.

Ngay sau khi nhận được tin nhà trường sẽ lùi lịch học trực tiếp, một số sinh viên trường ĐH Thương Mại cảm thấy bức xúc. Sinh viên cho rằng trường nên có một quyết định dứt khoát học trực tuyến hoặc trực tiếp đến hết kỳ để những người ngoại tỉnh chủ động về chỗ ở.

Bạn P.T.H chia sẻ, một hay hai tuần nữa tình hình dịch bệnh chưa thể thay đổi. Trường thông báo nửa vời như hiện nay sinh viên đã đóng tiền cọc nhà trọ rồi không biết xử lý thế nào. Vì trước đó, trường thông báo ngày 7/3 sinh viên năm thứ 2, 3 chính quy và một số loại hình đào tạo khác sẽ đi học trực tiếp nên rất nhiều sinh viên đã lên Hà Nội tìm phòng trọ.

Sinh viên năm thứ nhất, hôm qua, 28/2 lần đầu được đến trường ĐH. Ảnh: Nguyễn Thương

Theo sinh viên, chuyện trường phải “quay xe” do dịch COVID-19 không phải lần đầu tiên. Sinh viên N.T.O cho biết từ đợt 30/4/2021, em đã giữ trọ đến tận tháng 1 vừa rồi mới trả nhà. Tính ra tiền trọ 7-8 tháng cũng xấp xỉ học phí 1 kỳ. Trường ra thông báo mới như này sinh viên thật sự rất hoang mang về vấn đề nên giữ hay trả nhà trọ.

“Chúng em rất mong nhà trường có phương án lịch lên trường cụ thể nhất để sinh viên yên tâm hơn”, N.T.O nêu mong muốn.

Không chỉ sinh viên trường ĐH Thương mại mà sinh viên Học viện Ngoại giao, sinh viên các trường ĐH lùi lịch học đều tỏ ra băn khoăn với những quyết định chạy theo dịch bệnh của các trường. Các em cho rằng, sinh viên khác với phổ thông, phần lớn không sinh sống tại địa bàn Hà Nội nên rất khó khăn về nơi ăn chốn ở.

Hơn nữa, bên cạnh việc học tại trường, sinh viên cũng có các kế hoạch liên quan đến làm thêm, học các khóa học ngoại khóa hoặc các hoạt động khác nên rất cần thời gian biểu ổn định.

Nhà trường cũng bị động

Bốn ngày nay, N.V.T, sinh viên năm thứ nhất trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải đã trải qua những ngày là F0 bị hành như chết đi sống lại. Em chia sẻ đang ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” mà giờ chỉ nói 3 câu đã thấy đứt hơi.

Tại trường ĐH Hà Nội, từ ngày 1/3, sinh viên được lựa chọn học trực tiếp tại trường hoặc học trực tuyến theo từng buổi học. Sinh viên đến trường học trực tiếp thực hiện khai thông tin về chỗ ngồi theo quy định của nhà trường. Đồng thời việc kiểm tra giữa học phần được thực hiện theo hình thức trực tuyến.

Sau 2 tuần đi học, T không biết mình đã nhiễm virus từ nguồn nào. Quê ở Tuyên Quang, không có bố mẹ, T được anh trai chăm sóc. Nhưng điều em lo lắng hơn là khi đi học trực tiếp, nghỉ học là cắt đứt luôn các môn đang theo học. Kỳ này đăng ký nhiều môn chỉ 2-3 tín chỉ nên T đã nghỉ học mất mấy môn.

Trong thời gian này, em chưa nhận được thông báo của trường là sẽ bị trừ điểm chuyên cần hay sẽ phải học lại, thi lại vì theo quy chế, chỉ được nghỉ không quá 20% tín chỉ/môn.

Tương tự, N.L.T trường ĐH Thương mại cũng chia sẻ lớp có hơn 100 sinh viên nhưng sau một tuần đến trường, chỉ còn 22 người đi học trực tiếp, hơn 80 người còn lại mắc COVID-19 hoặc là F1 phải nghỉ học. Nhưng L.T không thấy trường thông báo học trực tuyến, trực tiếp bù mà chỉ được thông báo sinh viên tự học trong tài liệu giáo trình. Có môn học, đọc giáo trình L.T không hiểu hết khối lượng kiến thức chuyển tải nên em rất lo khi thi hết môn.

Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Văn Lâm, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải cho biết, với sinh viên là F0, có thể cách ly tại trường hoặc tại nhà tùy nhu cầu.

Trong thời gian sinh viên nghỉ vì mắc COVID-19, nhà trường sẽ tổ chức dạy bù kiến thức các môn học khi sinh viên trở lại trường và không tính đó là học lại, thi lại để sinh viên yên tâm.