Ngẫu hứng
Giữa tháng Năm, loạt ảnh chụp “ngẫu hứng” các em bé phải mặc quần áo bảo hộ của người lớn khi di chuyển giữa các khu cách ly tại Điện Biên khiến dư luận xôn xao. Nghệ sĩ Lê Huy (giảng viên ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) lập tức nảy ra ý tưởng dùng những hình ảnh đó làm thành bộ ba tượng Khiêm tốn, Thật thà, Dũng cảm. Những ngày cuối tháng Sáu này, anh vẫn đang trau chuốt những công đoạn cuối cùng cho tượng Dũng cảm. Khiêm tốn và Thật thà có vẻ như sẽ vĩnh viễn dừng lại ở dạng phác thảo đất sét, vì tác giả thấy một tượng là đủ tính biểu tượng cho một giai đoạn đáng nhớ của đất nước và của mỗi người.
Để có thành quả là những bức tượng đồng với kích thước nằm gọn trong lòng bàn tay, đầu tiên, Huy phải làm các phác thảo bằng đất. Rồi dùng máy in 3D tái tạo dưới dạng sáp. Từ tượng sáp tạo khuôn thạch cao chịu nhiệt. Nung tất cả lên, sáp chảy ra để lại khoảng trống, mới rót đồng vào. Sau mỗi công đoạn, khi tượng “biến chất”, Huy lại phải chỉnh sửa lại các nét.
Tượng Dũng cảm sẽ được đúc thành tối đa 20 bản, thực ra mới là dự án ngẫu hứng mà họa sĩ gọi là “nghịch chơi”. Anh còn có ý tưởng làm một vệt tác phẩm dài hơi nói về COVID, nhưng vẫn phải chờ hết năm để có các số liệu tổng kết tình hình đại dịch. Vì tạo hình tác phẩm sẽ dựa trên các con số này.
Khác với các ngành biểu diễn, giãn cách hay đại dịch không ảnh hưởng mấy đến công việc của những nghệ sĩ như Huy. “Từ năm ngoái đến giờ ngày nào tôi cũng đến xưởng làm việc, dù giãn cách hay không. Bộ Nhàn ngưu hay hay Ngựa hoa mai tôi đều làm trong giai đoạn giãn cách từ Tết năm ngoái”. Chưa kể Huy còn có một cửa hàng chuyên bán gốm Nhật và các đồ thủ công mỹ nghệ khác nên không lo ảnh hưởng thu nhập.
Mặc dù thích làm tượng nhưng Huy vẫn khẳng định mình là nhà thiết kế theo đúng ngành Đồ họa mà anh học. Nghĩa là tất cả đều bắt đầu từ thiết kế và tiếp đến là lựa chọn chất liệu.
Bạo lực mềm
Nhìn tranh của Nguyễn Quốc Dũng, người xem dễ giật mình một chút. Vì các nhân vật trong tranh anh có kiểu khỏa thân hoàn tự nhiên, không hề ý thức rằng hình ảnh “nhạy cảm” của mình đang được ghi lại.
Các thành viên gia đình khi ở trọ trong những căn hộ một phòng tất sẽ có nhiều lúc phải khỏa thân trước mặt nhau. Vậy nên có cảnh như mẹ che khăn tắm cho bố thay quần trước mặt con gái nhỏ… Những cảnh đó Dũng ít nhiều chứng kiến tại khu nhà trọ mà anh từng sống nhiều năm khi còn là sinh viên và lúc mới ra trường. Còn nhiều cảnh nữa do anh tưởng tượng ra trên nền thực tế đó.
Tức là nhân vật trong loạt tranh “Phòng trọ” không phải “chính chủ” mà là người mẫu, được vẽ riêng và lắp vào khung cảnh phòng trọ. Tông màu hơi lòe loẹt của những bức tranh cũng có ý mô phỏng phong cách “nhà quê lên tỉnh”. Anh cho hay: “Người thành phố thường thiết kế nội thất theo ý đồ, kiệm màu, sang trọng còn người ở quê ra không kén chọn đồ đạc, họ dùng những gì có sẵn, rẻ tiền, hàng chợ để tiết kiệm”. Nét hồn nhiên của thân hình căng tràn sức sống và sự sặc sỡ đầy năng lượng của các bức tranh tạm thời đánh lạc hướng người xem khỏi cảnh nghèo xung quanh.
Loạt tranh “Phòng trọ” (Motel room) của Nguyễn Quốc Dũng đem lại cho người xem cảm giác nhìn qua lỗ khóa. Vì các nhân vật không phải khỏa thân ngồi chờ họa sĩ vẽ mà đang trong các tư thế tự nhiên như mới tắm xong hoặc đang thay quần áo… giữa những khung cảnh đơn sơ, bề bộn và tạm bợ. Nhưng qua cách bài trí ta biết trong đó cưu mang cả một gia đình nhỏ.
Loạt tranh “Người chuyển giới” (Transgendered life) hơi khác chút. Cũng khỏa thân, cũng khung cảnh như phòng trọ nhưng nhân vật nhìn thẳng vào người xem, thể hiện rõ ý thức về bản thân, và cũng đậm màu dục tính hơn. Loạt tranh này lại được vẽ theo kiểu người thực việc thực. Tức là đúng những người chuyển giới đó trong khung cảnh sống của chính họ.
Trong thời gian lưu trú tại Sàn Art (một tổ chức nghệ thuật hỗ trợ nghệ sĩ trẻ tại TP.HCM), Dũng bắt tay vào đề tài chuyển giới. Còn “Phòng trọ” được anh đặt những nét bút đầu tiên từ khi là sinh viên, năm ngoái đem ra hoàn thiện nhân dịp giãn cách. Đề tài người yếu thế trong xã hội đến với Dũng hoàn toàn ngẫu nhiên. “Thời sinh viên tôi ở phòng trọ thấy cuộc sống thường ngày diễn ra trước mắt lặp đi lặp lại, bao gồm cuộc sống của chính tôi. Tôi muốn vẽ những gì gần với mình nhất”, anh cho hay.
Từ khóa cho cả hai loạt tác phẩm của Dũng là “bạo lực mềm” mà tầng lớp yếu thế vẫn phải trực tiếp đối mặt. “Những biến động xã hội tác động tới những người này nhiều nhất”, Dũng phân tích. “Một sự kiện giống như COVID đẩy họ vào tình thế đã khó càng thêm khó. Còn người chuyển giới vốn ít được xã hội quan tâm, họ giống như vô danh, luôn gặp trục trặc về giấy tờ”…
Loạt tranh “Phòng trọ” dù sao cũng tươi sáng hơn hẳn “Chuyển giới”. Nhưng ở cả hai loạt tranh, đều không thấy sự đau khổ, bi lụy hay giận dữ- vốn là những kết quả trực tiếp của việc đối đầu với bạo lực hay bất công xã hội. “Tôi không vẽ trực tiếp nỗi vất vả, thiệt thòi của họ”, Dũng khẳng định. “Những cái đó, một bức ảnh hay phóng sự tài liệu sẽ mô tả tốt hơn. Trong quá trình đi thực tế, trao đổi, nói chuyện, tôi nhận thấy người chuyển giới rất mạnh mẽ, quyết liệt làm bằng được được điều họ muốn. Nên tôi muốn diễn tả sức sống, nội lực của họ. “Phòng trọ” cũng vậy, mặc cho cuộc sống khó khăn, những lao động nhập cư luôn lạc quan và mơ ước về tương lai tốt đẹp. Chính mơ ước đó giúp họ vượt qua khó khăn của hiện tại”.
Loạt tranh “Người chuyển giới” từng trưng bày tại Singapore năm 2018. Triển lãm “Phòng trọ” sau thời gian trì hoãn vì COVID-19 cũng sẽ khai mạc 10/7 tại phòng tranh Hatch Art Project- Singapore.