Duyên - nợ trần gian

TP - Những phận người trong lũ ám ảnh tôi đến giờ. Với họ, sự thịnh nộ của ông trời có lẽ không thấm vào đâu so với những gì đang chịu trên cõi trần này.

Trưa 25/10, vài ngày sau trận lũ, Vũ Quang, huyện miền núi Hà Tĩnh, trời trong xanh, nắng vàng chạy dọc con sông Ngàn Sâu, bình yên như chưa từng xảy ra chuyện. Dấu ấn cơn lũ là những vạt cây cỏ bên sông chưa kịp gượng dậy, vẫn bạt về hướng nước chảy. Nhìn ngấn nước đọng lại trên dãy tre mới thấy con sông này dữ dằn thế nào những ngày qua. Tuy không còn bị chia cắt nhưng phải thạo đường mới vào được trụ sở xã, huyện. Trên đường đi từ Hà Nội vào, người liên lạc của gia đình Á hậu Huyền My liên tục thông báo thay đổi kế hoạch vận chuyển hàng của các nhà hảo tâm đóng góp đang được đưa vào Vũ Quang. Một bài toán khó đặt ra cho anh em cán bộ Đoàn Hà Tĩnh và đại diện báo Tiền Phong trực chiến, điều tiết cứu trợ ở địa bàn: Một xe container 50 tấn chở gạo, mỳ và các nhu yếu phẩm của gia đình Huyền My sẽ vào Vũ Quang bằng cách nào? Quốc lộ thênh thang cũng ngán tải trọng xe này chứ chưa nói đường làng với mấy cái cầu “không mang nổi người gánh thóc nặng”! Xe container ở TP Vinh lúc 12h, dự kiến vào Vũ Quang lúc 14h. Cuộc họp chớp nhoáng diễn ra ngay tại trụ sở huyện, gồm đại diện báo Tiền Phong, Phó bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh Phan Kỳ, Bí thư Huyện Đoàn Vũ Quang Lê Sỹ Nam và lãnh đạo huyện Vũ Quang. Dưới sự tính toán thông minh, thạo việc của anh em cán bộ Đoàn, kế hoạch đưa xe container vào huyện được chốt, các xe tải nhỏ cũng huy động vận chuyển hàng về các xã ngay trong đêm kịp sớm mai trao tận tay bà con. Kế hoạch chi tiết vạch ra và mọi người hài lòng. Ra khỏi phòng họp một cán bộ Đoàn phấn chấn: “Trong chiến tranh chống Mỹ, dưới mưa bom bão đạn, cha ông ta còn xẻ cả Trường Sơn được, chừng này thì ăn thua gì…”.

Bà Nguyệt  - mẹ anh Ất (trái).

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ

Tiền mặt và các nhu yếu phẩm sau 2 ngày đã đến tận tay bà con như nguyện vọng của mẹ con Á hậu Huyền My. Sẽ chẳng ai day dứt nhiều đến vậy nếu không gặp những cảnh đời tận khổ không phải vì bão lũ.

Trước khi đến Vũ Quang, chúng tôi có kế hoạch cùng các nhà hảo tâm trao tiền mặt tại nhà các hộ cần trợ giúp nhất.

Gia đình Huyền My gồm 5 người cùng đi nên chủ tịch xã Đức Hương, bí thư Huyện Đoàn Vũ Quang, một số cán bộ xã phải huy động xe máy chở chúng tôi đến từng nhà. Các hộ đều ở xã Đức Hương.

Đường vào nhà bà Đặng Thị Nguyệt, ở thôn Hương Phố, xã Đức Hương còn nhão nhoẹt bùn đất và nước đọng thành vũng. Lối vào cây cỏ mọc um tùm, thiếu tay người chăm sóc, giếng cũng đầy rêu, nhìn hoang phế. Đập ngay mắt chúng tôi là người đàn ông có ánh mắt dữ dằn đang bị nhốt trong lồng dây thép gai. Thi thoảng anh thò đầu ra nhìn rồi lại lùi vào góc tối. Đó là con trai bà Nguyệt, bị bệnh tâm thần. Chủ tịch xã Đức Hương Lê Văn Lợi nói, trận lũ lịch sử năm 2010, một người con trai bà Nguyệt (là thương binh) bị lũ cuốn trôi trong lúc cứu người bị nạn. Mỗi năm lũ về, có đoàn cứu trợ đến bà lại ngồi bậc cửa nhớ con. Giờ cũng nguôi ngoai đôi chút. Còn anh này, bị tâm thần nặng. Đã mấy lần phóng hoả đốt nhà, đánh mẹ. Nguy hiểm nên mới đành phải nhốt. “Anh này được nhận trợ cấp mức cao nhất 140.000 đồng/tháng, bà Nguyệt được trợ cấp nuôi dưỡng con tâm thần 180.000 đồng/tháng. Hai mẹ con trông vào mỗi khoản này thôi. Đức Hương là xã nghèo nên chỉ hỗ trợ vật chất mẹ con bà một số dịp quan trọng. Thương lắm nhưng còn nhiều người khổ, phải san sẻ thôi”. Ngôi nhà nhỏ ngăn đôi, một nửa bà Nguyệt ở, một nửa là thế giới riêng của con trai. Vách ngăn làm gỗ chắc chắn, chỉ chừa một cái lỗ đủ để bà Nguyệt đưa thức ăn cho con. Anh đưa mắt qua cái lỗ nhỏ nhìn tôi rồi xin rượu, thuốc lá. Anh vẫn nhớ tên mình là Ất, năm nay hơn 40 tuổi. “Nó cứ gào thét, chửi bới mẹ suốt đêm. Chẳng khi nào được một giấc yên”, bà Nguyệt vừa nhìn con vừa xót xa nói. Tôi nghĩ đến cảnh trong đêm sâu thăm thẳm, nghe tiếng thét xé lòng của con và không  hiểu bà Nguyệt nghĩ gì, ru mình ngủ bằng cách nào?

Trong đoàn từ thiện có một cô gái trẻ đẹp tên Khanh cầm một xấp phong bì, thấy ai nghèo thì biếu, không cần xướng tên, giới thiệu gì cả, nay trước hoàn cảnh bà Nguyệt chị cũng trao cho bà nhiều hơn dự kiến trước khi đến đây. Mẹ con Á hậu Huyền My cũng vậy. Có lẽ những người có mặt hiểu rằng, hậu quả bão lũ gây ra có thể khắc phục, nhưng nỗi khổ của bà Nguyệt hằn sâu tâm can không dễ gì chia sẻ, vợi bớt được, nó sẽ đeo đẳng bà hết một kiếp người. Mọi người đang quan sát anh Ất phấn khích khi nhà có đông người ghé thăm thì có ai đó trong đoàn hỏi: “Bà ơi, bà mất đi thì anh Ất sống với ai?”. Câu hỏi có vẻ đường đột nên bà Nguyệt nhìn ra xa một lúc rồi thở dài: “Nó phải ra cuộc đời mà kiếm ăn thôi. Bà không biết sống được mấy nữa. Năm nay 80 rồi…”. Các cô gái trong đoàn sụt sùi. Anh Ất sẽ ra đời kiếm ăn thế nào, chắc người mẹ già thấu hơn ai hết. Nhìn ánh mắt bà buồn trũng xuống khi trả lời câu hỏi ấy mới biết bà đau lòng, bất lực đến mức nào trước sự hạn hữu của đời người. Nếu được chọn chắc chẳng bao giờ bà chịu về với tiên tổ trước đứa con dại này? Nhưng 80 rồi, bà có thể ra đi bất kỳ lúc nào…

Mọi người rời nhà bà Nguyệt trong mạch cảm xúc chưa thể dứt thì xe dừng lại ở nhà bà Võ Thị Hạnh, 70 tuổi. Con ngõ vào nhà bà cỏ mọc, sân rêu phong như lâu không ai ở. Bà Hạnh đứng trên bậc của đợi khách cùng một người đàn ông ngồi chiếc ghế nhựa nhìn vô định. Chủ tịch xã cho biết, anh này cũng bị tâm thần, năm nay 49 tuổi. Lúc ổn chút thì ở nhà ngồi hiền như đất, buồn là đi. Bà suốt ngày ngồi canh con. Xểnh cái là đi. Có lúc anh đi bộ vào Quảng Trị. Có lúc sang cả Lào. “Suốt ngày phải đi tìm nó”, bà Hạnh nói. Chỉ việc bà đi tìm con về cũng đủ bao chuyện mệt mỏi. Bình thường thì hiền như đất, rượu vào nổi cơn điên thì mẹ chứ ai anh ấy cũng chả biết để mà tránh. Ngôi nhà bà đang ở là của người khác. Bà mong có ngôi nhà nhỏ để lo cho người con tâm thần này. Chồng bà mấy gần 20 năm nay. Hai mẹ con thui thủi với nhau cũng chừng ấy năm. Nuôi đứa con chỉ biết ăn và phá phách, làm khổ mình, mới thấy tấm lòng của người mẹ này rộng lớn đến mức nào.

Mồ côi khổ lắm ai ơi…

Chẳng giống hai anh bị tâm thần kia có mẹ già bên cạnh chăm sóc, chị Đặng Thị Hường (sinh năm 1968) sống cô đơn gần như không còn ai ruột thịt trên đời. Bố đau dạ dày mất trong nghèo khó, mẹ tai biến mất đột ngột. Hai em, một mất vì chết đuối, một mất vì tai biến. Họ đã mất cách đây mấy chục năm. Chị bị bệnh tâm thần, không chồng, không con. Căn nhà trống chỉ trơ mỗi cái giường, trên gần nóc nhà có cái chạn gác mấy thứ lỉnh kỉnh. Ngôi nhà chị ở được xây theo chương trình hỗ trợ của Chính phủ. Mấy ngày lũ nước ngập nửa nhà. Hỏi, “nước ngập thế chị tránh ở đâu”. Chị chỉ lên chạn “nằm ở đó, chờ nước rút”. “Chị ăn gì để sống mấy ngày lũ”.  “Nhai mì tôm thôi”. Bản năng sinh tồn chắc không chỉ có người khôn mới có. Hơn nữa, khôn dại trong lũ chưa biết ai hơn ai. Ơn giời, nước rút, hàng xóm chạy sang hỏi thăm lại thấy chị đứng cười. Có người trong đoàn hỏi vui “chị yêu ai chưa?”. Chị cười: “Chưa”. Một người đàn ông trong đoàn nói một cảm nhận: “Khi tôi bắt tay, chị giật mình. Có lẽ chị chưa yêu ai nên mới thế”. Chả biết thế nào được, có ai sống trên đời mà không yêu? Ta không sống trong thế giới của chị nên khó mà biết nó thế nào!

Mọi người trong đoàn kinh ngạc khi nhìn lên chạn nhà thấy có chiếc quan tài. Có lẽ chị Hường chuẩn bị cho việc ra đi. Quy luật mà, ai rồi cũng phải chết. Nhưng, đang sống mà chuẩn bị cho cái chết kiểu đó cũng khiến nhiều người thấy thảng thốt, trước cuộc sống tạm bợ, quá mong manh.

Chị bóc phong bì nhìn tiền, mọi người hỏi “bao nhiêu”, chị bảo “không biết”. Chị chỉ biết là tiền chứ không biết con số. Có người hỏi “sống một mình chị có buồn không”, chị nói “không, vui lắm”. Chia tay chúng tôi, chị cười cười, giơ tay vẫy vẫy. Chị không buồn, nhưng chúng tôi nặng trĩu, nhiều người bị ám ảnh về sự sống và cái chết.

Á hậu Huyền My và chị Hường.

Duyên - nợ

Trước khi chia tay, tôi động viên bà Nguyệt: “Con cũng có bà ngoại tuổi bà. Nhìn bà con thương lắm. Chúng con đến thăm và động viên bà. Có dịp sẽ gặp lại…”. Bà Nguyệt có nét mặt phúc hậu, nói như động viên lại tôi: “Nợ ở đời đó con ạ. Bà không sao mô. Có duyên bà cháu mình gặp nhau thôi. Cảm ơn các cháu, cảm ơn cháu gái xinh đẹp (Á hậu Huyền My), cảm ơn chính quyền…”.

Người phụ nữ chân lấm tay bùn dùng duyên - nợ giải thích cho những gì mình đang trải qua. Bà này vịn vào duyên - nợ trên đời để chấp nhận, cam chịu một đứa con không khôn ngoan, chỉ biết ăn, gào thét và mắng chửi mẹ mỗi đêm? Bà vịn vào duyên nợ để vượt qua nỗi đau mất chồng, mất con trong trận lũ năm 2010? Bà hiểu và cam chịu trả món nợ này cho đến lúc ra đi?

Chợt nhớ những điều răn, những chiêm nghiệm từ triết lý đạo Phật về duyên - nợ trên đời. Nghiệp quả nhân duyên giữa cha mẹ và con cái, nhà Phật cho rằng: Con cái đến với cha mẹ ở kiếp này có 4 loại, một là báo ơn, hai đòi nợ, ba trả nợ, bốn báo oán… Có lẽ bà Nguyệt, bà Hạnh mắc món nợ lớn ở kiếp trước? Thôi, cứ nghĩ vậy cho nhẹ lòng. Lại nhớ chuyện một cô gái tật nguyền oán trách cha mẹ sinh ra mình không bình thường như bạn bè. Một nhà sư dùng duyên nghiệp lý giải: “Con phải thấy hạnh phúc vì được làm con trong gia đình đầy yêu thương. Kiếp trước có lẽ họ mắc nợ con nên họ phải trả nợ ân tình đấy. Sao không thương họ…”. Có cái gì mầu nhiệm từ câu nói ấy mà cô gái sau đó chấp nhận số phận, sống tích cực hơn để rồi trở thành điển hình vượt qua số phận.

Chúng tôi có mặt ở đây, chia sẻ với bà Nguyệt, chị Hường, hẳn cũng phải có nhân duyên nào đó?

Chúng ta cho đi những thứ có vẻ thuộc về mình như là của cải chẳng hạn, nhưng hình như nó thuộc về người khác, chúng tôi phải trả? Cuộc đời vay trả thường tình. Câu chuyện từ thiện, được Á hậu Huyền My diễn đạt một cách nôm na khi được mời phát biểu: “Cảm ơn các ông bà, cô bác, anh chị, các em đã cho Huyền My cơ hội chia sẻ những lợi thế của mình…”. Huyền My có một người mẹ đẹp, thương yêu mình, có một lượng khán giả lớn ủng hộ, có nhiều cơ hội tốt trong cuộc đời… Lợi thế đó của cô cũng là một sứ mệnh. Sứ mệnh chia sẻ!

Chúng tôi những người đi chia sẻ, vừa cho đi vừa nhận về những điều ý nghĩa cho cuộc sống của mình, để rồi sống có mục đích hơn.