> Xe máy, xe ba gác 'hồn nhiên' lướt trên đường cao tốc trên không
Quy định 80 chạy 40km/h
Do ám ảnh bởi vụ tai nạn ô tô đâm xe máy khiến một người tử vong đêm 21-10 vừa qua nên hiện nhiều ô tô lưu thông trên ĐTC không dám đi với tốc độ được quy định tại biển báo là 80km/h.
Hơn nữa, tuyến đường chỉ cho phép ô tô lưu thông nhưng những ngày qua ngoài xe máy, ĐTC khi qua các nút giao thông như Thanh Xuân, Trung Hòa... còn có nhan nhản người đi bộ, xe ôm đứng bắt khách.
“Sợ lưu thông với tốc độ nhanh khi xảy ra va quệt không xử lý kịp nên tôi chỉ dám đi trên ĐTC với tốc độ 40 đến 50km/h, nhất là đoạn qua các nút giao thông Thanh Xuân, Trung Hòa...”, anh Nguyễn Thành Hưng, một người tham gia giao thông bằng ô tô trên ĐTC sáng qua cho biết.
Có mặt tại tuyến ĐTC sáng 22-10, PV ghi nhận, tất cả các điểm lên xuống đường trên cao từ Linh Đàm đến Mai Dịch đều có biển báo cấm xe máy đi lên, tuy nhiên tại nút Thanh Xuân, xe máy và người đi bộ cứ lên xuống nhan nhản.
Thậm chí phía trên ĐTC tại điểm lên xuống này, xe ôm còn xếp thành hàng đứng chờ xe khách đường dài đổ khách. Điều này cũng xảy ra tương tự với các điểm lên xuống tại nút giao thông Trung Hòa (trước siêu thị Big C).
Vào thời điểm từ 8h đến 9h sáng qua, do lượng xe máy và người đi bộ tại nút giao thông Thanh Xuân, Trung Hòa nhiều nên ô tô lưu thông theo chiều Linh Đàm - Mai Dịch qua đây phải nối đuôi chạy từ từ.
Sáng qua PV Tiền Phong có làm việc với lãnh đạo các đội CSGT số 7 và CSGT số 6 - CATP Hà Nội, theo lãnh đạo các đội này, họ có triển khai các tổ làm nhiệm vụ tại ĐTC, tuy nhiên thời điểm ngoài 9h có thể anh em giao ca nên vắng mặt tại một số vị trí.
Còn theo Trung tá Nguyễn Chí Công, đội trưởng Đội CSGT số 7, tất cả các vị trí lên xuống ĐTC đã có biển báo, quy định rất rõ ràng việc vẫn có xe máy, người đi bộ trên TĐC do ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao.
Hàng rào chống chói của đường trên cao chưa phù hợp
Theo phản ánh của một số lái xe thường xuyên đi lại trên ĐTC những ngày qua, họ thường xuyên bị chói mắt bởi ánh nắng khi đi vào buổi trưa và ánh đèn xe ở làn đường đối diện khi đi vào ban đêm.
Cụ thể, nhiều lái xe cho biết, do hàng rào ngăn cách giữa hai làn đường được dựng bằng những tấm tôn có màu trắng, do vậy khi ánh nắng chiếu vào các tấm tôn bắt sáng, ngoài tạo ra cảm giác khó chịu, các tấm hàng rào tôn này còn phản ánh nắng, khiến các lái xe khó nhìn.
Tương tự vào ban đêm, do các tấm hàng rào tôn được thiết kế hình lưới, nên khi ô tô bật đèn pha để lưu thông vào ban đêm sẽ gây chói cho xe đi phía làn đường đối diện.
Trung tá Hà Văn Thanh, Đội phó Đội CSGT số 7, CATP Hà Nội cũng xác nhận việc này và cho biết, để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đơn vị thi công và chủ đầu tư cần có những kiểm tra thực tế, nếu có bất hợp lý thì cần điều chỉnh lại.
Còn đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, trước khi thông xe Sở GTVT đã đi kiểm tra hiện trường tuyến ĐTC và thấy rằng, hàng rào chống chói tại dải phân cách giữa màu sắc trắng sáng, chưa phù hợp, gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông.
Sau đó Sở đã có văn bản gửi Ban quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long), Bộ GTVT với nội dung: đề nghị PMU Thăng Long khẩn trương chỉ đạo khắc phục tồn tại này để các phương tiện lưu thông trên ĐTC được an toàn, thuận lợi.
Xử lý hơn 40 trường hợp vi phạm
Chiều qua, Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết sau 3 ngày thông xe (21 đến 23-10), CSGT đã kiểm tra xử lý hơn 40 trường hợp xe máy đi lên ĐTC, tạm giữ 13 xe mô tô và 3 bộ giấy tờ, nhắc nhở 5 trường hợp. Phòng CSGT Hà Nội cho biết, trong các ngày tới CSGT tiếp tục bố trí lực lượng sử dụng xe ô tô kiểm soát, dùng loa nhắc nhở, xử lý vi phạm từ 6 giờ sáng đến 24 giờ tại tuyến ĐTC vành đai 3.