> Những kẻ đồng hành
> Mưa ngang
Con phố dốc, ngắn và hẹp, nước chảy như suối ngay trên lòng đường. Mụ chân đất, quần xắn quá gối, tay cầm dao, tay cầm ô, một mình bòm bõm trên con đường mưa.Thi thoảng có thằng xe máy rẹt qua, nước văng cả vào mồm mụ. Đến chợ, cái chợ như tụt xuống dưới lòng đất chừng hai chục bậc đá mòn vẹt. Ngày dưng, chợ vắng, mưa lại càng làm cho vắng. Quán cơm nhà nó nằm góc chợ, chỗ căng bùng nhùng mấy tấm bạt chắp vá. Kia rồi, nó đang quay lưng lại mụ, liến thoắng gì đó.
E hèm! Mụ hắng giọng, cụp ô, róc nước, để con dao lên mép bàn, ngay sát bát phở của gã Mông đang ăn dở. Ả kia quay lại, mặt nó tối sầm như mây đen vừa kéo thêm về đày ải cái vắng vẻ buổi giao thời. Nếu nói về dao, về vũ khí, thì nó sẵn hơn mụ. Con dao thái thịt mỡ sáng loáng, bóng nhờn, con rựa chặt xương, cả hai nằm trên cái thớt nghiến to bằng cái mẹt. Chưa kể xiên, dùi, búa, củi gộc và xoong chảo. Mụ thầm cân nhắc lực lượng và cầm con dao lên thế thủ. Mụ câng cấc hỏi.
- Lão Phính đâu?
- Chi pâu.
Ái chà, lại còn cậy tiếng Mông để đối đáp với bà hả?
- Lão Phính đâu?
Ả kia chả vừa.
- Tôi chả giấu chồng chị dưới gầm giường hay trong cạp quần tôi được.
Mụ ngó nghiêng. Thằng già này hoặc đi gánh nước, hoặc bị nó sai vặt đi đâu đó thôi, cứ đứng ở đây đợi. Ở nhà, mụ chắc mẩm, mưa gió thế này, quán vắng khách, kiểu gì anh ả cũng kéo bạt mà hú hí với nhau. Ai ngờ nó vẫn móc đâu ra vài gã Mông đang đủng đỉnh câu giờ với bát phở trương phình. Bình thường, mụ mặc kệ, chả thèm ghen. Nhưng nó lại dám đánh tiếng thách thức mụ, kích động mụ. Rằng giỏi thì đẻ đi, không đẻ được thì để người khác đẻ cho, loại gái độc.
Mưa càng ngày càng mau, càng to hạt. Cả khu chợ dậy lên mùi xào xáo, nướng nấu. Cái mũi của mụ cứ hếch lên, hít cho đẫy những mùi thơm đang tấn công cơn đói của những ai vô tình hay cố ý đi qua cái góc ẩm thực này. Mùi măng chua xào lòng gà cấm có lẫn vào đâu được, mùi đậu phụ sốt cà chua và thịt ba chỉ, mùi trứng rán hành, mùi cá suối nướng tẩm thảo quả…mùi nào rõ mùi ấy. Thế này, bố đứa nào chịu được. Cái cơn ghen tuông, bức bối lặn đâu mất, chỉ thấy cơn thèm ăn, thèm uống ngoi lên từ dạ dầy, đến thực quản và lấp đầy khoang miệng. Mụ tạm tha cho nó, đủng đỉnh đi ra hàng cơm phía ngoài, ghếch mông, ý tứ ngồi cũng mất phần ba cái ghế băng dài. Cái ghế cập kênh, giơ hai cái chân còn lại lên, chới với. Mụ ngượng nghịu đứng dậy. Chủ quán là lão già có cái đầu hói bóng nhoáng, đôn đáo.
- Ấy chết, chị cứ ngồi xuống, ngồi vào giữa ấy cho chắc.
Mụ liếc xéo qua đôi mắt lươn ti hí của lão mà đưa đẩy.
- Em thôi, chắc gì đấy đã bằng đây.
Lão chủ quán gật gật, che chắn ngay.
- Thì nịnh em tí cho sướng thôi. Chứ em còn mỡ màng lắm.
Mụ hởi lòng hởi dạ, luồn con dao xuống dưới gầm bàn rồi làm ra vẻ sành sỏi. “Làm chai rượu và cái đĩa tổng hợp đã nhỉ? Phở thì ăn sau cho nóng. Mưa gió thế này cũng chẳng mó được việc gì”.
Chủ quán, tay thoăn thoắt, mồm liến láu, mắt đảo như lắc bi. Chạm con dao dưới gầm bàn cũng hơi chợn, nhưng với bản lĩnh của lão già ngoài sáu mươi từng giang hồ ngang dọc, cũng thấy thường thôi. Chỉ sợ rượu vào, cơn ghen của mụ lại cuồng lên thì có đứa chết. Đàn bà là thế, hoặc không bao giờ chạm vào rượu, hoặc là phải say bí tỉ, chứ cứ nhồi nhội, nghi ngơ là rách việc. Tính tiền trước cho chắc ăn.
Lão già khôn gớm, mụ thầm nghĩ và moi trong túi quần ra cái túi thổ cẩm con. Mụ kéo khóa, lôi ra tờ một trăm để lên bàn và cẩn thận lau bát, đũa. Tổng hợp là mấy miếng xương sườn xào chua ngọt, mấy miếng nội tạng luộc, vài miếng đậu phụ rán và dăm cọng hành chần tái. Thế cũng quá ổn.
Mụ rót rượu ra cái cốc thủy tinh không to, không nhỏ, rót cắn cạp, bưng lên miệng tợp một phát hết non nửa. Cũng khà đến nơi đến chốn. Cái kiểu ẩm thực của mụ, đàn ông phố chợ này trả lại tiền. Mụ có tiền, là người có tiền thì ăn uống phải mạnh bạo chứ. Việc gì phải xấu hổ.
Cái chai nhựa thứ nhất lăn xuống gầm bàn, mụ dáo dác tìm cái điếu cày. Mụ nhồi thuốc, đánh lửa, châm đóm, rít thật lực. Mắt lim dim, khói tít mù, đầu ngả nghiêng. Phê… “Ơ kìa, quán hết rượu rồi hay sao? Chậm quá”. Mụ buông điếu cày là vớ lấy chai rượu mới, rót tràn ra cả mặt bàn. Chủ quán xót ruột. Mụ hiểu ý móc túi rút thêm năm chục. “Tiền rượu đấy, chưa gì đã…mà ông anh cũng làm vài chén đi, làm chó gì có khách mà lo”. Hết chai thứ hai, nhẵn cái đĩa tổng hợp, mụ chẹp chẹp cái miệng cạp dậm gọi. “Phở, phở gà nhé”.
Chưa đầy ba phút, bát phở kiệt cả cái lẫn nước. Mụ lảo đảo đứng dậy. Trước khi đi, mụ không quên cúi xuống, nhặt con dao. Mụ đi thẳng vào quán con tình địch to gan, lớn mật. Nó đứng dựa lưng vào cột quán nhìn mưa, phía dưới cái tạp dề của nó là cái bụng phồng phồng. Mụ khua con dao trước mặt nó. “Tao giết mày, đồ lăng loàn cướp chồng người khác”. Nó ưỡn ngực thách thức. “Đấy, chị có giỏi thì giết cả mẹ lẫn con tôi đi”. Mụ khựng lại, con dao rơi xuống đất. Thật thế sao? Nó chửa thật rồi sao? Người ta đồn đại thế mà hóa thật sao? Đời khốn nạn. Lão Phính nhà mụ thật khốn nạn, mấy mươi năm không làm cho mụ chửa được mà mới thì thụt với nó hôm nào giờ đã chửa. Chân tay mụ rã rời, nước mắt mụ ứa ra. Nỗi hờn tủi cứ dâng lên, dâng lên…
Mụ quên cả nhặt con dao lên, quên cả cái ô đen bên quán lão hói, lật đật trở về nhà. Mụ chống tay vào hông, giọng ngất ngưởng. “Nó chửa thật không? Hả?”. Lão Phính biết không giấu được, nhát gừng. “Ừ, chửa”.
Mụ phệt xuống hè, dựa lưng vào cái cột, thở dốc. Mưa có vẻ mau hơn. Trong nhà, một bà già, già mốc già meo như cái gốc lê đang lần tay vào trong người gãi sồn sột. Mụ thấy người ngứa ngáy râm ran, thi thoảng nhoi nhói như ong đốt. Tự nhiên mụ thấy thèm được đi đâu đó một chuyến. Ít nhất là ra khỏi cái nhà này, ra khỏi cái tiếng gãi lưng sồn sột của mẹ chồng như gãi ghẻ. Từ bữa nghe phong thanh thằng con giai mình làm chửa được đứa chủ quán bún phở, cụ tự hào lắm. Hết đùn đẩy nhau, đứa nào biết đẻ hay không giờ đã rõ. Cụ càng khỏe gãi. Hay là về quê? Dễ đến chục năm rồi mụ chưa biết mặt quê.
Độ ấy, vừa xuống bến xe, bọn xe ôm nhao nhao xí phần. Có dăm cây số, đã mặc cả trước là mười lăm ngàn. Xuống xe, không có tiền lẻ, đưa nó cả hai mươi ngàn, nó đút tiền vào túi áo, nổ máy định đi. Mụ giật lại. “Không trả tôi năm nghìn thừa hả?”. Nó trợn mắt nhìn mụ. “Ơ hay, có năm nghìn, bà to như con voi ấy, lại còn đòi”. Nó cười hô hố. Quê đấy. Về đến ngõ, bọn trẻ con nhếch nhác ùa ra đến cả tá. Chúng hò ầm lên. “Tây, Tây về làng chúng bay ơi”. Con em gái út chạy ra, ngó chán mới dám đưa tay sờ vào cái áo rét không độ của mụ, sờ mái tóc xoăn tít, vàng suộm của mụ. Rồi nó tru lên. “Đúng là bá Ngọ nhà mình rồi các con ơi”.
Lúc ngồi trên phản ăn cơm. Lâu lắm mới ngồi phản, hai cái vế của mụ to như hai cây chuối hột, chả khoanh được, mà có khoanh được cũng hết bố nó nửa cái phản, còn ai ngồi được nữa. Mâm cơm được chuyển xuống chiếu, mụ chọn cái cột mà dựa, bữa ăn phải xoay sở, đổi tư thế mấy lần. Đứa em út nhà mụ cầm tinh con chuột, bé tí, gầy tong, răng chìa ra mà ăn khỏe đáo để. Nó vừa nhai vừa bảo. “Tết xong em lên để bá vỗ béo cho em nhá”. Thằng chồng lườm vợ. “Con vợ em có sán hay sao ấy, ăn như đúc dế mà đếch béo được”. Mụ ăn qua ăn quýt, ra điều, đây ăn rông rài thế đấy, mà vẫn cứ béo ục, béo tròn, chả hiểu làm sao. Cái áo khoác dài ba lớp của mụ cởi ra treo trên cột, bọn trẻ lấy sào chòi xuống đắp làm chăn, rú lên “nóng quá”. Bốn đứa đắp cái áo còn rộng. Con em mụ, giỏi được bốn chục cân cả dép mà đẻ bốn con, đứa nào đứa ấy như cái nắm cơm, nhìn sướng cả mắt. Chẳng ai dám hỏi chuyện sinh nở của mụ, sợ mụ buồn. Quê đấy. Hay là về quê một chuyến. Cho lão Phính đi tàu một lần cho biết.
Lão Phính chồng mụ là người Mông vùng này. Phính có nghĩa là phở. Người Mông, thật lạ, hiếm có người không biết thích bún phở. Vào tuổi mười tám, khi theo một người bà con họ xa lên đây bán muối bán mắm, mụ đã to quá cỡ quá khổ rồi. Trai Kinh thấy mụ là sợ. Cả khi mụ tậu được mảnh vườn trĩu chịt hoa trái và cất được ba gian nhà gỗ thì bọn họ vẫn sợ. Mụ chưa bao giờ leo lên cái cân để xem mình nặng cỡ nào cả. Chỉ biết bọn thanh niên con trai giễu mụ thế này. “Lấy em, anh đỡ tốn khoản tiền mua đệm.”. Cuối cùng, vào cái tuổi ba mươi, người ta con bồng con bế hết cả thì mụ mới có người đến hỏi. Đó là Phính, chồng mụ. Phính nhỏ người nhưng được cái khỏe mạnh, chăm chỉ. Lấy Phính, mụ được ở luôn nhà của mình. Vì cái trận mưa lớn năm ấy, nhà Phính bị lũ quét mất, Phính lại nghèo nên mãi không có tiền cưới vợ Mông. Lấy vợ là người đa số, chả mất gì lại có sẵn nhà ở và đưa cả mẹ đẻ về sống cùng. Ba người lớn không có mống trẻ con, buồn như mọt gặm hòm rỗng. Thi thoảng lão Phính có đón bọn cháu họ lên chơi, chúng chỉ ăn, chỉ phá cho xơ xác vườn quả rồi lại cút về nhà chúng, nịnh thế nào chúng cũng chả ở.
* * *
Lão Phính lần đầu về quê vợ nên phấn khởi lắm. Lấy nhau hai chục năm, giờ mụ mới dám đưa chồng về quê trình diện. Chẳng là lão Phính thấp bé quá, lại chột một bên mắt do ngày bé nghịch lửa bị than nhảy vào. Dụi mãi thành mù. Mà ở quê, em gái mụ chót huênh hoang, rằng anh rể to cao, đẹp giai rồi. Ở đất này, dù chột, dù thấp bé nhưng lão Phính nhà mụ lại có giá lắm. Dưới chợ, quán cơm phở nào có mặt lão Phính, bà con dân tộc Mông kéo về ùn ùn. Thế nên họ tìm cách lấy lòng lão, nay bát phở, mai cốc rượu. Có đứa còn thân thiện với lão bằng cách nhờ lão gánh nước, nhặt rau, bổ củi và đánh cảm, cạo gió cho. Cái bài đánh cảm, cạo gió của người Mông tài tình lắm. Mà cái giống phải gió, cạo một lần là phải cạo mãi, nếu không đầu nặng như đeo đá không tỉnh được. Cạo thế chó nào mà bây giờ nó chửa. Lúc đầu, nghe dân chợ bàn tán mụ không tin, tận mắt thấy cái bụng nó rồi thì phải tin.
Lão Phính đứng xếp hàng mua vé. Rõ là xếp hàng mà tí cái lại có vài con mẹ láu cá ngoi lên đứng trước lão. Xếp đến dài cổ không mua được đôi vé. Mụ lôi lão ra và đứng vào đấy. Mụ đứng vừa khít cái lối vào cửa mua vé được ngăn bởi hai cái rào I nốc. Mấy bà Tây thấy mụ thì xì xồ hỏi thăm xem mụ đến từ quốc gia nào. Mụ tự hào vỗ ngực. Việt Nam… Việt Nam. Khách ngạc nhiên lắm. Mụ đi trước, sải bước dài như bà chủ. Lão Phính chạy sau, lưng đeo ba lô, tay xách cái túi to như nô bộc.
Mụ được cái dễ ngủ. Bất cứ sự di chuyển nào mà không bằng chân của mụ cũng khiến mụ buồn ngủ. Chuyến tàu đêm sớm nhất mà mụ đã dính mắt vào. Mụ nằm kín cái giường tầng một khoang sáu. Lão Phính và các kiểu đồ đạc, quà cáp ở tầng trên. Tàu chưa qua một ga, mụ đã ngáy rung cả giường. Mụ ngáy to đến nỗi, mấy cô cậu cùng khoang phải úp gối lên mặt mà cười. Lão Phính tụt xuống, vỗ mông vợ, mụ đổi tư thế nằm nghiêng. Được một lúc mụ lại ngáy, tiếng ngáy nhỏ hơn nhưng dai hơn và âm điệu khác thường. Mụ ngủ đến khoảng mười hai giờ thì mụ thức. Suốt năm tiếng đồng hồ tra tấn lỗ nhĩ người khác, mụ dường như cũng biết. Ngáy ngủ là nguyên nhân khiến mụ ngại về quê, ngại đi xa thăm thú bà con, đền chùa hay du lịch đây đó. Mụ lấy ra từ túi xách những thứ đồ ăn đêm chuẩn bị từ nhà. Một bọc xôi đỗ to. Một con gà luộc. Hai khoanh giò lụa và cơ man nào là hoa quả. Mụ mời tha mời thiết nhưng mọi người tranh thủ lúc mụ ăn để chợp mắt nên ai cũng từ chối, kể cả lão Phính. Vì thế mà một mình mụ nhóp nhép, từ từ giải quyết con gà luộc đến lúc chỉ còn bộ xương. Ăn xong một lúc là mụ lại muốn ngủ. Mỗi cơn ngủ, tư thế ngủ là một điệu ngáy. Cái giường nhà tàu chật quá khiến các kiểu ngáy của mụ lại càng phong phú. Lần này, nhờ có mỡ gà bôi trơn mà tiếng ngáy của mụ thanh thoát hơn, đỡ khàn hơn, nhưng lại to và khí thế hơn trước. Cả khoang tàu thức trắng. Ai nấy mệt rã rời.
Mười năm mà quê thay đổi nhiều quá. Nhất là con em út, nó đã có da có thịt, cũng bớt vâu, cứ nhìn anh rể tủm tỉm cười. Lão Phính ngượng nghịu trước bầy cháu hơn hai chục đứa, đứa gọi bác, đứa gọi ông, inh cả tai. Nhưng mà lão thấy không khí ở quê vui và ấm áp quá. Nó khác xa với căn nhà lạnh lẽo mà vợ chồng lão với bà mẹ già đang ở.
Con em út cứ nhìn mụ, tỏ vẻ ngờ vực. Nó hỏi mụ đã khám vô sinh chưa. Mụ cười ha hả. “Dễ tôi lại đợi dì nhắc nhở chắc. Khám nhiều rồi, tứ phương rồi, uống đủ các loại thuốc ích mẫu, ích tử rồi. Họ bảo tôi không có bệnh gì sất”. “Hay là tại anh rể?”. Mụ khựng lại ngay. May mà kiềm chế được. Chẳng nhẽ lại phô ra cái thói trăng hoa của chồng. Xấu chàng hổ ai. Cứ thả lỏng cái lão Phính nhà mụ, có khéo, con khắp chợ rồi cũng nên. Con em út ra cái vẻ hiểu biết. “Khám vô sinh cho đàn ông bây giờ là phải khám nam khoa trong bệnh viện lớn ở thành phố cơ. Bá đừng có lo, không tốn kém đâu”. Mụ nổi tính sỹ diện. Khám thì khám, sợ gì không khám. Không khám nó lại bảo mình có của mà kiệt. Đằng nào mụ cũng muốn cho lão Phính biết mặt cái thành phố, chứ quan trọng nam khoa, bắc khoa gì. Năm chục rồi, không khéo họ còn cười cho.
* * *
Lão Phính nhà mụ bị vô sinh. Cái kết luận ấy làm mụ ngã ngồi xuống ghế, mắt hoa lên như trúng gió độc. Thế là hết hi vọng. Mấy chục năm mụ cam chịu cái tai tiếng nghiệt ngã. Gái độc không con. Nhiều lúc, muốn bước qua cái dư luận khắc nghiệt để xin ai đó một mụn con mà mụ không dám. Bây giờ, lại càng không dám. Năm chục tuổi rồi, sinh nở gì nữa. Bao nhiêu hi vọng đặt vào con mẹ hàng cơm cũng tan biến. Nó chửa với ai chứ có phải với lão Phính nhà mụ đâu? Khổ thân lão Phính, cứ trông đợi mòn mỏi. Về thôi, chơi với bời gì. Mụ chẳng còn hứng thú gì mà công viên hay bờ hồ nữa cả.
Đêm ngược tàu, mụ nằm im không ngáy. Cả đêm không ngáy bận nào. Lão Phính biết vợ không ngủ. Không biết bác sỹ nói gì với nó? Hay lão có bệnh gì nguy hiểm? Người đàn bà đã không con, hiếm muộn mà lại có bát ăn bát để thì ít khi được thông cảm lắm. Thiên hạ bảo, chết chẳng mang của đi được, cũng chẳng có ai khóc, ai hương khói. Nói không có con không đúng. Mụ từng nhận ba đứa con nuôi rồi. Nhưng cứ trơn lông đỏ da là chúng biến, sau khi cuỗm đi của bố mẹ nuôi một món. Cũng tại mụ, nuôi nấng gì khi chúng đã mười lăm, mười bảy? Chúng chỉ ngọt ngào lấy lòng để mụ chu cấp tiền cho chúng thỏa mãn thôi. Bây giờ thì mụ nản rồi. Thiên hạ muốn gán cho cái tội gì cũng được.
* * *
Đứa hàng cơm sắp đẻ. Nó nằm ỳ ở nhà, gần như giao phó mọi việc ở quán cho chồng mụ hết. Lão Phính cũng chẳng nề hà. Có hôm còn ôm đống quần áo bẩn dơ của nó về nhà hùi hụi giặt. Lão thèm con quá rồi. Mụ biết chứ. Ấy thế, có lần lão lỡ tay đánh rơi, vỡ cái bát, nó cong tớn lên chửi. “Sau này tôi cũng chả khiến cái mặt ông nuôi nó, làm bố nó. Tôi có con tôi nuôi, ông về mà chăm cái mụ béo nhà ông”. Nó ít hơn lão Phính cả chục tuổi mà hỗn thế không biết. Nó cậy nó sắp đẻ con trai cho ông đấy mà. Nó xem bói, thầy bói bảo nó sinh quỷ tử khôi ngô, tuấn tú lắm. Lão Phính cứ hề hà qua chuyện. Bát à, chuyện nhỏ. Lão về nhà, mở hòm bưng xuống cho nó cả chục cái bát sứ Hải Dương trắng nõn. Mụ ấm ức trong lòng lắm, nhưng bỏ qua. Cốt để lão vui. Lão có vui thì cả nhà cũng mới vui được. Con của lão rồi cũng là con của mụ.
Hôm đứa hàng cơm đi đẻ. Cả anh em nhà nó đuổi lão Phính về như đuổi hủi. Nó không mượn mặt lão Phính ở bệnh viện cho vướng chân. Lão Phính về nhà, tủi thân, ôm mặt khóc rưng rức. Mụ bực mình, định sổ toẹt. Nó có phải máu mủ của ông đâu mà đòi? Nhưng lại thôi. Lòng mụ cũng héo hon từng tấc chứ vui gì.
Sáng hôm ấy trời cũng mưa, mưa rất to. Điện thoại nhà mụ đổ chuông. Lão Phính bật dậy, chạy ra nghe. Lão cuống quýt như bắt được vàng. “ Tôi đi đón con đây bà ạ”. Mụ cũng bổ dậy. “ Đón về nhà mình hả? Sao nó lại cho ông đón?”. Mụ vội vàng xỏ dép và vớ cái chăn băng lông nhỏ chạy theo chồng.
Lão Phính thập thò ở bên ngoài. Mụ mở cửa, lách vào. Sản phụ nằm nghiêng, úp mặt vào tường, lí nhí. “ Đằng nào em cũng không có sữa, anh chị mang cháu về mà bầu bạn”. Mụ run rẩy đưa tay bồng đứa bé lên. Tiếng lão Phính hỏi vọng vào. “Con trai hay con gái đấy?”. Tiếng một bà vọng ra. “Con gái, đỏ như cái mậm giềng ấy, khỏe lắm”. Mụ bế đứa trẻ sát vào lòng mình, cho nó nhận hơi ấm từ mụ. Nhìn con bé, mụ thấy cay cay sống mũi. Lão Phính xòe ô, che cho hai mẹ con khi ra đến sân.
Trên con đường mưa, lão Phính nôn nóng, kiễng chân ngó vào mặt con bé. Lão giật mình, thắc mắc. “ Sao, người ta làm thế nào mà con bé lại bị rách môi to thế?”. Mụ lườm chồng. “Ông đừng nói vậy, con nghe thấy tủi thân”. Lão Phính tay cầm ô giơ lên cao, chân líu ríu theo sát vợ con.
Sa pa mùa đông 2013
Truyện ngắn của
Tống ngọc Hân
Sống ở Sapa (Lào Cai), Tống Ngọc Hân có vẻ “chín” vốn sống về con người miền núi. Và những hiểu biết đó, cùng những quan sát rộng hơn, giúp chị có được những chi tiết bình dị, nhưng lạ. Như trong truyện ngắn dưới đây.
|
Với một người kể chuyện thiếu duyên, câu chuyện xung quanh một em bé ra đời như thế này sẽ bị giáo điều, “rởm”, hoặc tệ hơn - trở thành “hình sự hóa”. Nhưng với Tống Ngọc Hân, câu chuyện trở nên sinh động, khó đoán. Và ngay cả sau dấu chấm hết, vẫn còn những dư ba ngân lên, tiếng vọng của số phận con người. Tống Ngọc Hân đang trở thành một gương mặt đáng chú ý không chỉ của miền núi phía Bắc.