Được thông báo cấp bằng THCS: Hàng trăm học viên múa đã hết lo?

TPO - Học viện Múa Việt Nam vừa thông báo cấp bằng tốt nghiệp THCS cho học sinh các khóa nhập học từ năm 2012 đến nay.

Theo thông báo này, Học viện Múa Việt Nam (HVMVN) cho biết thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT, Bộ VHTTDL về việc cấp bằng THCS cho học sinh tại trường CĐ Múa Việt Nam (nay là HVMVN), nên HV thông báo tới các phụ huynh và học sinh về việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét cấp bằng THCS.

Đối tượng là học sinh các khóa nhập học từ 2012 đến nay.

Hồ sơ bao gồm đơn đề nghị xét cấp bằng THCS, học bạ THCS (bản gốc), 2 ảnh 4x6cm và 2 ảnh 3x4cm. Thời gian nhận hồ sơ là trước 12h ngày 10/4. Sau thời hạn trên, nếu học sinh không đến nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định, HVMVN không chịu trách nhiệm.

Đánh giá cao thông báo của Học viện Múa Việt Nam, tuy nhiên nhiều phụ huynh băn khoăn khi cho rằng trong văn bản quyết định của nhà trường còn có một vấn đề quan trọng khiến cho việc thực hiện cấp bằng có thể trở nên bất khả thi.

Đó là, Học viện Múa ra thông báo dành cho các khóa đã ra trường đến nộp lại hồ sơ để nhận bằng nhưng chỉ cho thời gian từ cuối ngày 8/4 tới nửa buổi sáng 10/4/2021.

"Các bạn đã ra trường nhiều người làm việc ở xa, sinh sống ở tỉnh lẻ, cập nhật thông tin chậm, đường xá xa xôi thì sẽ không kịp trở tay với thời hạn nộp hồ sơ sít sao như vậy. Đây là một sự thách đố", một phụ huynh nói.

Vẫn chưa đủ bằng cấp

Ngay cả khi có bằng THCS thì các học sinh này vẫn chưa đủ điều kiện để có bằng THPT, bởi lẽ, theo Điều 34 luật Giáo dục năm 2019 nêu rõ, học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Và giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế, do HVMVN không liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để dạy chương trình giáo dục thường xuyên cho học sinh nên học sinh của Học viện không được học 7 môn văn hóa theo quy định của Luật mà chỉ học 4 môn văn hóa. Vì thế, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông của các em chỉ có giá trị khi các em theo học giáo dục nghề nghiệp.

Còn nếu những học sinh này muốn thi hoặc xét tuyển ĐH phải học bù kiến thức những môn còn lại từ năm lớp 10 đến lớp 12 để dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT như vậy mới được cấp bằng THPT.