Được “mùa” bản quyền?

TP - Mới đây, khi bị phản ứng với tiết mục tham gia gameshow “đánh cắp” từ một vở kịch nổi tiếng do Thành Lộc đóng, được diễn trên sân khấu Idecaf, diễn viên hài Gia Bảo đã trình bày một cách hồn nhiên đến “ghét”: “Tôi đã chủ quan nghĩ sân khấu Idecaf-nơi tôi từng cộng tác sáu năm- là chỗ thân quen (…). Việc lấy kịch bản của nghệ sỹ khác mà không hỏi trước là tạo tiền lệ xấu”.  Điều Gia Bảo ân hận nhất là “mối quan hệ giữa tôi và chú Thành Lộc bị ảnh hưởng”. Và anh cho biết, đã xin lỗi Thành Lộc cũng như tác giả kịch bản gốc. Coi như thế là xong chuyện.

Nhưng sau những vụ lùm xùm bản quyền, các “thượng đế” ở ta hình như đã nghiêm khắc hơn với kẻ vi phạm. Họ không dễ dàng cho qua chuyện này, bởi đã chán kiểu cứ vô tư vi phạm rồi nhiệt tình xin lỗi, thông cảm. Có vị nói móc: “Cứ sao chép đi! Khi họ phát hiện thì xin lỗi, có sao đâu?”. Một khán giả khác yêu cầu thẳng thắn: “Trả tiền tác quyền đi. Nói gì nữa”. Cũng có người phê bình cháu nội Bảo Quốc kém tự trọng: “Nếu có tự trọng thì Gia Bảo xin hủy bỏ phần thi đó và rút lui khỏi gameshow luôn”.

Lại nhớ đến một Trung tâm âm nhạc lớn ở hải ngoại liên tục kêu cứu nhiều năm nay vì nạn địa lậu bùng phát ở trong nước. Nhưng kêu gọi thì cứ kêu gọi, tình hình không khả quan bao nhiêu. Một chương trình lớn vừa ra mắt, một ca khúc “hít” vừa được thu trực tiếp, đĩa chưa kịp tung ra, đã thấy nhiều người Việt trong và ngoài nước từ vô thức đến có ý thức “nhá hàng”.

Thậm chí, một ca khúc “đinh” của chương trình, được coi là “Duyên phận 2” do trung tâm  đặt hàng riêng cho ca sỹ hàng đầu của họ, vừa được danh ca này trình diễn xong đã thấy khán giả trong nước so sánh: Ở Việt Nam, cũng có ca sỹ X. trình bày “Duyên phận 2” hay lắm.“Đánh cắp” thế mới nhanh và tài. Trong dịp livestream với khán giả mới đây, “sếp” của Trung tâm ca nhạc hải ngoại bất lực gửi lại câu hỏi cho “thượng đế” trong nước: Quí vị cứ trách vì sao Như Quỳnh (ca sỹ nổi tiếng với ca khúc “Duyên phận”) bao nhiêu năm không ra album? Câu trả lời thuộc quyền của chính quí vị. Các “thượng đế” tiếp tay mua sản phẩm “lậu” có đắng lòng trước trách móc này không?

Người Việt thời nay có khái niệm mới “Xài chùa”. Cứ không mất tiền hoặc mất rất ít tiền cho việc sử dụng một sản phẩm nào đó, không ít người cảm thấy hân hoan. Nhưng “sông cạn, đá mòn” thứ gì xài mãi, không được chăm sóc cũng đến lúc úa tàn, khô héo.

Người ta luôn thắc mắc: Tại sao Việt Nam không có nhà văn đoạt giải Nobel? Tại sao âm nhạc của ta không cất cánh bay lên, cứ la đà chẳng ai biết tới? Đã bao giờ người ta đặt câu hỏi ngược lại: Biết khi nào nhà văn Việt Nam, nhạc sỹ Việt Nam… lọt vào top những nghệ sỹ kiếm tiền giỏi nhất? Mà để nghệ sĩ kiếm được tiền chính đáng thì phải bảo vệ được bản quyền. Lại vừa có tin mới về bản quyền từ lĩnh vực văn học, “Tủ sách tuổi hoa” đang bị độc giả hoài nghi về việc thỏa thuận bản quyền khi tái bản. Hình như bản quyền đang vào “mùa” trên mọi nẻo đường văn nghệ?