Vụ Đà Nẵng dọa kiện Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Đúng, sai không giải quyết được gốc

TP - Chia sẻ về việc thành phố Đà Nẵng dọa kiện Bộ Tài nguyên & Môi trường liên quan dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 trong mùa cạn, các chuyên gia cho rằng, dù ai đúng ai sai cũng không giải quyết được gốc rễ vấn đề và người dân tiếp tục chịu thiệt hại.
Đập thủy điện Đắk Mi 4

Không thể trông vào quy trình vận hành liên hồ

Theo GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vì thủy điện Đắc Mi 4 chuyển nước từ sông Vu Gia sang Thu Bồn gây tình trạng thiếu nước trầm trọng ở hạ du mà cơ quan quản lý mới nghĩ đến việc xây dựng một quy trình vận hành liên hồ chứa nhằm hài hòa giữa các lợi ích.

Tuy nhiên, trên thực tế, quy trình vận hành liên hồ chứa không thể giải quyết được các mâu thuẫn trong nhu cầu sử dụng nước giữa các bên hiện nay.

Ông cho biết, không một nhà khoa học nào có thể khẳng định một quy trình vận hành liên hồ chứa sẽ đảm bảo các yêu cầu thực tế. Nguyên nhân là bởi các thông tin dự báo hiện nay không thể đáp ứng được việc lập quy trình.

Quan trọng nữa là mỗi hồ đều thuộc một chủ đầu tư với một quy trình vận hành riêng, không dễ bắt họ phải thực hiện theo một quy trình chung, vì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích.

“Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải từng yêu cầu lãnh đạo thủy điện Đắc Mi 4 phải trả nước về Vu Gia với lưu lượng 25m3/s nhưng theo phía Đà Nẵng chưa bao giờ thủy điện Đắc Mi 4 thực hiện”, GS Hồng lấy dẫn chứng.

GS Hồng cho rằng, vấn đề vận hành điều tiết nước thuộc các chủ đầu tư nên trách nhiệm phải thuộc về Bộ Công Thương chứ không thể đổ lỗi cho Bộ Tài nguyên & Môi trường. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là cân bằng giữa các nhóm lợi ích thông qua việc xây dựng một quy trình vận hành liên hồ. Tuy nhiên, theo GS Hồng, đây cũng là nhiệm vụ bất khả thi.

Ông Nguyễn Minh Việt, Viện trưởng Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo cũng cho rằng, việc xây dựng quy trình vận hành liên hồ sau khi đã có hệ thống hồ chứa sẽ không thể đáp ứng được mong muốn của các bên liên quan.

“Lẽ ra, phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa từ lúc quy hoạch lưu vực sông. Bây giờ hệ thống hồ, đập đã có rồi, việc xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa chỉ để các bên cùng biết thực trạng và cùng nhau chấp nhận”, ông Việt nói.

Không thể xả 25 m3/s

Liên quan đề nghị của UBND thành phố Đà Nẵng: Thủy điện Đắk Mi 4 xả liên tục 25m3/s trong suốt cả mùa cạn, công văn trả lời của Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng không thể thực hiện.

Cục Quản lý Tài nguyên nước cho biết: Lượng nước trên sông Vu Gia đến Ái Nghĩa không chỉ có hồ Đắk Mi 4 mà còn có hồ A Vương và trong tương lai còn có hồ Sông Bung 4 trên dòng sông Bung, trong khi lượng nước đến hồ Đắk Mi 4 chỉ chiếm khoảng 26% so với tổng lượng nước sông Vu Gia đến Ái Nghĩa.

Do vậy, đề nghị xả nước hồ Đắk Mi 4 trong suốt mùa cạn 25m3/s không gắn với yêu cầu sử dụng nước thực tế trong từng thời gian, trường hợp cụ thể chưa phù hợp, chưa xem xét toàn diện việc bảo đảm sử dụng nước tổng hợp, hiệu quả, đa mục tiêu trên phạm vi toàn lưu vực sông, gồm cả Quảng Nam.

Trong khi đó, thực tế hồ đã được xây dựng và vận hành, trong quá trình đầu tư và xây dựng, đã được các chuyên gia, hội đồng thẩm định, các cơ quan chuyên môn, các địa phương và cơ quan quản lý đồng ý chấp thuận đầu tư xây dựng hồ Đắk Mi 4.

GS Hồng cho hay, việc cho phép xây dựng thủy điện Đắk Mi 4 chuyển nước từ sông Vu Gia sang Thu Bồn là sai lầm nghiêm trọng.

Không chỉ người dân thiếu nước mà hệ sinh thái tự nhiên cũng mất đi, các sinh vật không thể tồn tại, bây giờ nếu có xả nước định kỳ cũng không cứu vãn được.

Thế giới phản đối việc thủy điện chuyển dòng sông tại sao Việt Nam còn áp dụng.