Dừng bổ nhiệm mới, chức danh 'Hàm' cũ sẽ thế nào?

TPO - Bộ Nội vụ vừa đề nghị dừng việc bổ nhiệm đối với chức danh “Hàm”. Nếu tạm dừng bổ nhiệm mới thì các chức danh “Hàm” đã được bổ nhiệm sẽ ra sao?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Như đã thông tin, Bộ Nội vụ vừa gửi công văn đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan không thực hiện việc bổ nhiệm mới chức danh "Hàm" đối với cán bộ, công chức, viên chức. Vậy đối với chức danh “Hàm” cũ đã được bổ nhiệm sẽ như thế nào?

Sáng 13/12, trao đổi với PV Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, việc bổ nhiệm chức danh “Hàm” đã được đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên chất vấn và đã được ông trả lời trước Quốc hội.

Bộ trưởng Nội vụ khẳng định, luật pháp hiện nay quy định không có chức danh này. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cũng đã trả lời Quốc hội, và đề nghị ngừng việc bổ nhiệm chức danh “Hàm”, chờ khi có thông báo kết luận của Bộ Chính trị, lúc đó mới xem xét.

Theo ông Tân, đối với các trường hợp đã bổ nhiệm trước đây thì vẫn giữ nguyên và quyền lợi của người đã bổ nhiệm chức danh “Hàm” vẫn giữ nguyên, không bỏ.

“Bộ Chính trị giao cho Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu đề xuất. Tới đây Bộ Chính trị sẽ quyết định có hay không, còn những trường hợp đã bổ nhiệm rồi thì vẫn giữ nguyên”, ông Tân lý giải.

Trước đó, vấn đề bổ nhiệm chức danh “Hàm” được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra. Gần đây nhất, tại phiên chất vấn ở kỳ họp 6, Quốc hội khóa 14 diễn ra vào tháng 11 vừa qua, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Việc bổ nhiệm chức danh "Hàm" ở các cơ quan trung ương mà dư luận quan tâm từ khóa trước đã xử lý đến đâu? Nếu việc này đúng pháp luật và đảm bảo tính khoa học, hợp lý thì "Hàm" sẽ được triển khai trong thời gian tới như thế nào? Các địa phương có được áp dụng và thực hiện không?

Trả lời chất vấn của đại biểu Cao Đình Thưởng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Luật Cán bộ công chức không có quy định về “Hàm”. Nếu có ban hành nghị định hay quyết định về “Hàm” thì đây là “quyết định không có đầu”, nghĩa là không có luật quy định điều này.

Ông Tân cũng cho biết, sau kỳ họp Quốc hội, Bộ Nội vụ sẽ thông báo tới tất cả các địa phương, bộ, ngành về việc không thực hiện bổ nhiệm chức danh Hàm nữa”.

Còn tại một hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt các Nghị quyết T.Ư 6 diễn ra vào cuối năm 2017, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính cho biết, số lượng lãnh đạo, cấp phó còn chiếm tỉ lệ cao, việc bổ nhiệm cấp “Hàm” một số cơ quan T.Ư còn nhiều.

Theo ông Chính, cả nước hiện có hơn 81 nghìn lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng, chiếm 21,7% tổng số cán bộ công chức từ T.Ư đến cấp huyện. Cứ 5 cán bộ, công chức có 1 lãnh đạo cấp phó, có nơi 44/46 lãnh đạo, có cơ quan 100% cán bộ là lãnh đạo, chả có ai là chuyên viên.

Ông Chính cũng khẳng định, mặc dù “đang lạm phát cấp phó”, nhưng có nơi thậm chí còn không đủ cấp phó đi họp, cơ chế vận hành có vấn đề, chức năng nhiệm vụ có vấn đề”.

Đáng lưu ý, có vụ có 6 “Hàm” vụ trưởng, 7 “Hàm” phó vụ trưởng, có cả “Hàm” trưởng phòng, phó trưởng phòng, thậm chí có vụ 19 “Hàm” phó vụ trưởng.

“Báo cáo về cấp hàm, cấp phó có nơi không có nhưng mở danh bạ ra thì 19 Hàm vụ phó”, ông Chính cho hay.