> Đứa trẻ Mỹ Lai - Kỳ 2: Sống sót
Chiếc quần dài đầu tiên
Ngày 30-4-1975, quê hương giải phóng. Hòa bình trở lại, tất cả dân quê tôi vui mừng như hội. Chị Mỹ, em Hà cùng ngoại tôi không biết lúc đó nghĩ gì. Còn tôi, như kẻ mất hồn. Tôi đến rất nhiều nhà, những ai có người thân đi tập kết hay chiến dịch trở về, dù đã biết ba mình 6 năm rồi khuất núi, nhưng trong tôi ngày ấy mơ tưởng ba vẫn còn, biết đâu tin xưa không thực, trong bao người trở lại từ các chiến trường khốc liệt biết đâu có ba.
Tôi đứng khá xa và nhỏ lệ khi nhìn ông Hộ ôm Hồng bạn tôi ngày trở lại sau bao năm xa cách. Hồng là con trai của ông. Chú Phan Thế Mạnh, bạn cùng đơn vị của ba tôi vỗ về an ủi: Ba của con hy sinh rất anh dũng, bị Mỹ bắn chết khi đang làm công tác cứu thương cho đồng đội.
Cũng năm ấy tôi vào lớp 6, được chuyển cấp, từ Sơn Hội lên Sơn Thành học cấp 2. Niềm vui sướng và mong mỏi từ lâu của tôi. Nhưng ngay ngày đầu tiên nhập học, tôi bị đuổi ra khỏi lớp: “Trò Đức vô kỷ luật, không mặc quần dài khi đi học”. Tôi khóc thật nhiều và tủi thân lắm.
Tôi có quần dài đâu mà mặc? Dì Tám thấy vậy chạy về nhà lục tìm trong tủ của người dượng quá cố từ năm 1973, may quá trong tủ còn tìm được một chiếc quần kaki dài màu đen. Dì Tám đưa cho dì Út sửa lại bằng tay để tôi mặc đi học. Chiếc quần dài đầu đời của tôi có được là vậy.
Cô giáo người thị xã Quảng Ngãi đã đuổi tôi trong tiết học thứ ba sau đó đã bật khóc, khi biết lý do “vô kỷ luật” của tôi...
Lãng quên
Đầu năm 1970, sau khi nhận tin ba mất khoảng 3 tuần, có hai du kích từ Sơn Mỹ đến nhà ngoại vào ban đêm. Một người chị em tôi quen lắm, con của ông bà Bốn Tương ở gần nhà tôi bên thôn Mỹ Lai. Họ nói với ngoại rằng muốn dẫn ba chị em tôi trở lại Sơn Mỹ, rồi đưa chúng tôi ra Bắc học để sau này phục vụ công tác lên án giặc Mỹ. Ngoại lắc đầu. Bà nói với họ rằng bà không muốn mất luôn ba đứa cháu thân yêu, vì thời gian này Sơn Mỹ hoặc miền Bắc chiến tranh đều khốc liệt lắm.
Đó là lần đầu tiên và duy nhất mà chị em chúng tôi đón nhận được sự quan tâm. Từ bấy đến giờ hơn 40 năm, chúng tôi không có lời hỏi thăm nào nữa, dù chỉ là một lần dự lễ tưởng niệm ngày 16-3 bi thương. Tên mẹ của chúng tôi cũng bị khắc sai trên bia trong đại sảnh nhà trưng bày, mới sửa lại tháng 6-2009 qua bao nhiêu lần khó khăn khiếu nại. Ngay hai anh em tôi trong bức ảnh cũng bị người ta cho rằng đã chết...
Khi nhìn tấm hình người mẹ yêu thương của tôi, bà Nguyễn Thị Tẩu nằm chết, miệng còn ngậm vành nón, chắc hẳn bao tên sát nhân sẽ nhận ra, tên lính nào đã nã súng bắn bà? Hoặc Ronald Haeberle sẽ biết điều đó và ắt hẳn họ sẽ kinh ngạc hơn, khi biết bà mẹ Nguyễn Thị Tẩu kia đã cứu được hai đứa con trong giây phút cuối đời, điều không phải ai cũng làm được. Và càng kinh ngạc hơn, chỉ ở Tháp Canh, dưới đống xác người, có ba đứa bé 9 tuổi, 7 tuổi và 14 tháng còn sống và sống đến hôm nay.
Vì một vài lý do khách quan nên tôi viết những dòng hồi ký này. Đôi lúc nó cũng là thông điệp đến tay một vài người trong số 130 lính Mỹ và những “lãnh đạo, chỉ huy” của những Ernnest Medina, William Calley, Oran K. Henderson, Samuel W. Koster, Eugene Kotouc... mà 4 tiếng đồng hồ sáng 16-3-1968 từng xả súng sát hại 504 dân lành vô tội quê tôi, gây nên bao thảm cảnh tang thương cho gia đình của họ, bao đứa trẻ mồ côi phải gánh chịu một cuộc đời bất hạnh, bao người già không còn nơi nương tựa.
Vậy mà hơn 40 năm rồi, họ vẫn lẩn tránh, chưa lần nào trở lại “làng hồng” (Pinkville), họ vẫn lẩn tránh chính họ và những gì tang thương nhất mà họ đã gây ra. Nhưng chắc rằng họ sẽ phải nói với con cháu họ nếu đang trong quân ngũ rằng: Đừng bao giờ lập lại “vụ thảm sát Mỹ Lai” ở bất cứ nơi nào trên quả đất này.
Việt Nam và quốc tế, hàng ngàn nhà báo, các đoàn làm phim, thậm chí Pinkville và Oliver Stone cũng chỉ làm việc với ban lãnh đạo nhà chứng tích hoặc thông dịch viên. Bức tường nhà chứng tích không cao lắm, nhưng nó đủ ngăn cách hai bề mặt của cuộc đời. Số phận dường như vẫn nghiệt ngã và bất hạnh với những người còn sống sót?
Qua đây, tôi xin cám ơn ông Ronald Haeberle. Ông đã chụp được tấm hình mẹ tôi, bà Nguyễn Thị Tẩu, dù dân Sơn Mỹ vẫn còn trăn trở rất nhiều về những tấm hình của ông, như hai tấm hình của 4 đứa bé này, 2 đứa bé nào bị lính Mỹ bắn tan xác sau khi ông chụp hình? Tấm hình màu ông chụp 2 đứa bé nằm trên đường, có phải ông chụp từ trên trực thăng? Sau đó không lâu ông vẫn dùng máy này chụp hình bà Nguyễn Thị Tẩu, người đàn bà chết miệng còn ngậm chiếc nón lá kia?
Thực tế nếu không có những tấm hình của ông, vụ thảm sát Sơn Mỹ sáng 16-3-1968 ấy khó có thể làm sáng tỏ được, cho dù Hugh Thompson, Lawrence Colburn, và Ron Ridenhour, Seymour Hersh và William R. Peers có cố gắng đến đâu, nhưng thiếu bao tấm hình tang thương kia thì Chính phủ Mỹ vẫn không chấp nhận đó là vụ thảm sát (Massacre).
Tôi - Trần Văn Đức, nạn nhân sống sót ở Mỹ Lai sáng 16-3-1968, xin đại diện cho một số bà con sống sót ở Mỹ Lai mà tôi được phép thay mặt, gửi tới ông lời cám ơn chân thành nhất, mãi mãi tri ân và xin chúc ông cùng gia đình dồi dào sức khỏe, vạn an...!
Vĩ thanh
“Cậu bé nhân chứng Mỹ Lai” Trần Văn Đức đã chủ động tìm kiếm và liên lạc để gặp được Lawrence Colburn, người xạ thủ trên chiếc trực thăng thuộc đại đội Charlie, người đã bất lực khi cố cứu mẹ Đức.
Theo lời kể của Lawrence Colburn, khi ấy ông và phi công trực thăng Hugh Thompson bay trên đống xác người. Phát hiện một phụ nữ bị thương nặng (chính là bà Chín Tẩu, mẹ của Đức), họ định quay lại để đưa bà đi cấp cứu, thì một lính Mỹ đã bắn vào đầu bà... Và sau này là hai cuộc gặp của Đức với Ronald Haeberle, tác giả những bức ảnh Mỹ Lai nổi tiếng, cũng là người chứng kiến cái chết của mẹ anh.
Trong nhiều thư gửi về cho tôi, Đức tiết lộ anh từng chủ động tìm kiếm thông tin bắt liên lạc với hi vọng gặp được những người lính trong đại đội Charlie ngày ấy, đặc biệt là người lính bắn chết mẹ anh. Tuy nhiên, mọi cố gắng đến nay vẫn chưa nhận được tín hiệu khả quan nào.
“Anh có tin là một ngày nào đấy sẽ gặp được người bắn chết mẹ mình ?”, tôi hỏi. Đức bảo: “Tin chứ, cũng gần nửa thế kỷ rồi, tôi tìm gặp không phải để trút hận thù. Tôi đang cố gắng và hi vọng sẽ có được cuộc “hội ngộ” đặc biệt này”.
Đó mới là cuộc “hội ngộ” có một không hai trong lịch sử, và tôi cũng như Đức đang ngóng trông, hi vọng (Trương Duy Nhất).