Đưa cổ vật từ chợ làng ra thị trường

TP - Lần đầu tiên ở Việt Nam, một cơ sở giám định cổ vật đã ra đời dưới sự công nhận của cơ quan nhà nước về văn hóa và di sản. PV Tiền Phong Chủ nhật trò chuyện cùng ông Đào Phan Long - Giám đốc Công ty TNHH Dấu Xưa, Chủ tịch Hội Cổ vật Thăng Long - Hà Nội.

> Chợ quê làng đồ
> 'Kho cổ vật 500 năm' vẫn nằm dưới đáy biển

Ông mất gần 2 năm chuẩn bị, Công ty mới được ra đời. Tại sao lại khó khăn như vậy?

Đây là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam đủ điều kiện để giám định cổ vật: điều kiện về đội ngũ chuyên gia, kinh nghiệm và thiết bị. Linh hồn của Công ty Dấu Xưa là một hội đồng chuyên gia 5 – 7 người có trình độ đại học, đã công tác tối thiểu 5 năm, có kinh nghiệm, uy tín về lĩnh vực cổ vật.

Những người này được cơ quan nhà nước về lĩnh vực văn hóa (Sở VHTTDL Hà Nội và Cục Di sản văn hóa - Bộ VHTTDL) công nhận đủ chuyên môn, đủ điều kiện để giám định cổ vật. Xưa nay chưa có trường lớp dạy về cổ vật. Người chơi cổ vật học hỏi lẫn nhau, học từ sách vở và kinh nghiệm của những người chung sở thích. Do đó, để lập ra công ty Dấu Xưa với ngành nghề kinh doanh đặc biệt, chúng tôi cũng phải mò mẫm.

Bối cảnh hiện nay, thành lập một công ty không khó. Nhưng nếu lập công ty chỉ để kiếm tiền mà không có chuyên môn, dân làng đồ tẩy chay ngay. Cái mừng của tôi là tập hợp được nhiều chuyên gia. Anh em trong giới thừa nhận công ty.

Cho nên, trong tương lai, Dấu Xưa sẽ tạo không khí minh bạch cho những người chơi cổ vật. Chứ như bây giờ, như một chuyên gia bảo tàng đã phát biểu, có ông đại gia xây nhà 5 tầng để toàn chứa đồ cổ giả của Trung Quốc, khổ lắm. Mặt khác, từ đây sẽ tiến tới chơi đồ cổ công khai và tiến tới đấu giá.

Trưng bày cổ vật ở Ninh Bình. Ảnh: N. Trường.

Thiết bị để Dấu Xưa đi giám định là những gì?

Nếu cần đến các phương pháp C14, hóa chất, thì tôi đi thuê, vì những thiết bị ấy không phục vụ tôi hàng ngày. Còn lại là những dụng cụ thông thường, chúng tôi phải có: đèn, kính lúp, máy ảnh, máy soi... Đặc biệt là kiến thức của chuyên gia giám định.

Như vậy, mô hình của công ty sẽ rất gọn nhẹ?

Rất gọn. Một hai tuần sẽ có một lô đồ cần giám định, lúc đó hội đồng được tập hợp để đến nơi cần giám định. Món đồ dưới 50 triệu đồng thì phí giám định từ 600 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Từ 50 - 100 triệu thì mức giá là 1 - 1,5 triệu đồng. Trên 100 triệu thì gía giám định được thỏa thuận. Giá cả mỗi lần giám định còn phụ thuộc số lượng đồ. Cả một lô đồ thì gía giám định sẽ rẻ hơn một món đồ. Hội viên của hội cổ vật thì lại được ưu tiên về giá.

Sau khi giám định, công ty sẽ cấp chứng nhận như thế nào?

Một chứng chỉ, trong đó ghi tên món đồ, mô tả kỹ, xuất xứ, chất liệu, hiện trạng, niên đại, chủ sở hữu, thành viên giám định, ảnh chụp hiện vật dám vào chứng chỉ rồi đóng dấu giáp lai.

Trong quá trình giám định, nếu các chuyên gia phát hiện món đồ đó là hiện vật bị đánh cắp từ một di tích, di sản thì sao?

Điều lệ của chúng tôi nói rõ đồ mà chủ nhân thuê giám định phải là của người đó, chứ không phải của ai khác. Với cá nhân phải chặt chẽ như vậy. Còn nếu các bảo tàng nhà nước hay các cơ quan khoa học hình sự nhờ thì chúng tôi sẽ làm, vì đó là pháp nhân.

Vừa rồi, một số cơ quan đã bàn thảo việc khuyến khích người chơi cổ vật gửi đồ vào các bảo tàng nhà nước để phục vụ triển lãm. Ông nhận xét gì về ý tưởng này?

Mục đích của việc này rất tốt, nhưng cần một quá trình. Người có cổ vật được tôn vinh đã đành, nhưng họ cũng cần các bảo tàng có điều khoản cam kết trong trường hợp làm mất hay làm hỏng cổ vật của họ.Việc khuyến khích cũng nên cụ thể, ví dụ một khoản phí bảo quản hàng năm cho chủ sở hữu. Các nước đều đã làm thế, nên đây không phải là sáng kiến của ai cả. Chúng ta đi sau, chúng ta phải học tập, nhưng phải Việt Nam hóa.

Ông là người đi đầu trong việc vận động thành lập Hội cổ vật, ra báo Cổ vật tinh hoa, và bây giờ lại đi đầu trong việc lập một cơ sở giám định cổ vật. Có lẽ ông sẽ lại đi đầu để lập một sàn đấu giá cổ vật trong tương lai gần?

Tôi nghĩ ở đâu đó có cơ quan nhà nước nào đó đứng ra làm, nhưng phải làm sao đấu giá cho đều đặn và hữu hiệu. Đây là xu hướng tất yếu, để có một thị trường đồ cổ công khai và cổ vật được pháp luật bảo vệ. Làm như thế thì mới giữ đồ cổ ở lại trong nước, và kéo dòng đồ cổ Việt Nam từ nước ngoài chảy về. Tôi thì tôi chưa dám. Hàng hóa đặc biệt không thể đùa với nó được.

Ông vừa nhắc đến tình trạng chảy máu cổ vật. Dường như rất khó ngăn chặn?

Đồ cổ gắn với du lịch. Người ta du lịch nước mình, người ta muốn mua một món đồ mang dấu ấn văn hóa Việt Nam. Mình cho phép hay không, cho phép ở mức độ nào, niên đại nào, dạng cổ vật nào...? Còn những món đồ ở Việt Nam nhưng được mua từ nước ngoài thì thoải mái mang đi, ví dụ như vậy. Tôi muốn nói đến việc quản lý, phải rõ ràng. Bây giờ vẫn lờ mờ quá. Thành ra, nhiều người bỏ cả đống ngoại tệ mua đồ cổ ngoại về, đồ trong nước thì chê...

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Hội đồng chuyên gia giám định cổ vật của Cty Dấu Xưa gồm: TS Vũ Quốc Hiền- chủ tịch, PGS.TS Tạ Ngọc Liễn, PGS.TS Nguyễn Công Việt, kỹ sư Đào Phan Long, Ths Phạm Thúy Hợp, kỹ sư Cao Xuân Bình. Tùy theo nội dung, chất liệu của hiện vật cần giám định, Công ty sẽ mời thêm các chuyên gia cổ vật của các chất liệu ấy cùng tham gia hội đồng. Phương pháp giám định là lấy ý kiến chuyên gia kết hợp các phương pháp khoa học tự nhiên để đưa ra kết luận như thông lệ quốc tế.

Di Du

Theo Báo giấy