Đất lúa, đất rừng cũng do địa phương quản lý
Theo TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, dự thảo Luật tiếp tục tăng cường phân cấp phân quyền cho các địa phương để địa phương, trong điều kiện dân số, quỹ đất, sự phát triển của kinh tế xã hội, chủ động sáng tạo các nội dung liên quan đến sử dụng đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ thanh tra, kiểm tra giám sát theo quy định của pháp luật để đảm bảo địa phương, người dân, doanh nghiệp thực hiện đúng quy định.
Theo đại diện Tổng cục Quản lý Đất đai, so với Luật Đất đai 2013, dự thảo Luật lần này tiếp tục phân quyền mạnh mẽ hơn nữa. Ngoài việc phân quyền theo Luật Đất đai 2013, dự thảo Luật tăng quyền cho các địa phương trong vấn đề quản lý đất lúa, đất rừng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Luật Đất đai 2013 quy định với một số trường hợp chuyển đổi đất lúa, đất rừng phòng hộ cần có quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội. Đối với dự án sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên, từ 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ (với dự án không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư). Trên cơ sở đó mới được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Dự thảo Luật lần này quy định thông thoáng hơn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sau khi có Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh thông qua.
Điều 26 của dự thảo Luật quy định 18 nội dung quản lý Nhà nước về đất đai như Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai. Xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính. Điều tra, đánh giá tài nguyên đất, bảo vệ và cải tạo đất. Lập, điều chỉnh, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Điều tra xây dựng bảng giá đất, giá đất cụ thể, quản lý giá đất. Quản lý tài chính về đất đai. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất. Phát triển quỹ đất. Giải quyết tranh chấp về đất đai giải quyết khiếu nại, tố cáo… Rất nhiều các nội dung quản lý nhà nước về đất đai được giao cho địa phương thực hiện.
Quản lý tới từng thửa đất
Thời gian qua, hàng loạt quan chức các địa phương “dính chàm” liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất đai. Theo đại diện Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đi đôi với việc phân cấp thẩm quyền cho các địa phương là kiểm soát chặt chẽ, thiết lập các cơ chế quản lý của Trung ương thông qua quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, thống nhất, kiểm soát và quản lý mọi biến động của thửa đất được cập nhật theo thời gian thực từ địa phương về trung ương.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự thảo Luật Đất đai lần này dành riêng một chương (Chương XI) quy định về Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai. Trong đó quy định rõ về quản lý, khai thác và kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
70% vụ án được xét xử liên quan đến đất đai
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp. Tỷ lệ đơn thư khiếu nại vẫn chiếm tỷ lệ cao (trên 60%) trong tổng số đơn thư gửi đến cơ quan nhà nước, nhiều vụ việc kéo dài, khó giải quyết dứt điểm. Số vụ án liên quan đến đất đai chiếm trên 70% số vụ án được xét xử hàng năm.
Chia sẻ rõ hơn về quy định này, TS Nguyễn Đình Thọ cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai làm nền tảng thực hiện kiểm tra, giám sát quyền lực ở các địa phương. Khi địa phương thực hiện quy hoạch sử dụng đất, Trung ương có thể quản lý theo bản đồ địa chính tới từng thửa đất tại địa phương. Liên quan đến kinh tế tài chính đất đai thì có bản đồ giá đất từng thửa đất tại địa phương để quản lý tốt các nội dung liên quan đến giá đất, giá bồi thường, giá đấu giá, giá trúng đấu thầu, giá giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu.
TS Thọ cho hay, khi cơ sở dữ liệu đất đai hoàn thành thì công tác cải cách thủ tục hành chính được rút ngắn đồng thời trung ương quản lý thống nhất đất đai từ trung ương đến địa phương liên quan quy hoạch, chuyển đổi sử dụng đất, đặc biệt giao đất qua đấu giá, đấu thầu, bồi thường giải phóng mặt bằng cũng như giá đất cụ thể ở địa phương. Đây sẽ là công cụ để giám sát, kiểm soát quyền lực và giải quyết tranh chấp ở các địa phương.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, lâu nay, khi hỏi địa phương đất lúa còn bao nhiêu, đất rừng còn bao nhiêu, rừng phòng hộ ở đâu, khu vực đất nào tập trung phát triển thị trường, nhiều địa phương lắc đầu. Bây giờ đến lúc phải thực hiện đúng yêu cầu, nắm được từng thửa đất, cả không gian và hệ sinh thái của nó.
Theo đại diện Tổng cục Quản lý Đất đai, bên cạnh công cụ về cơ sở dữ liệu đất đai, dự thảo Luật cũng tăng cường thực hiện thẩm quyền về thanh tra, kiểm tra, về cơ chế giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tổ chức, thực thi chính sách, pháp luật ở từng cấp.
Cựu Bí thư, cựu Chủ tịch Bình Dương hầu tòa vì sai phạm quản lý đất đai
Ngày 15/8, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo Trần Văn Nam - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, Trần Văn Liêm - cựu Chủ tịch UBND tỉnh, Phạm Văn Cành - cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng 25 người khác trong vụ án sai phạm tại 43ha “đất vàng” của tỉnh này. Trước đó, ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM bị tuyên phạt 8 năm 6 tháng tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí do sai phạm trong quản lý đất đai.