Dù chậm cũng phải cứu doanh nghiệp

TPO - Sáng 12-6, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường năm 2012. Nhiều đại biểu cho rằng, phải cứu doanh nghiệp dù chậm.

Tập trung cho ý kiến về chính sách giảm, miễn thuế tại Điều 1 của dự thảo nghị quyết: giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); miễn thuế khoán thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân (TNCN), đại biểu cho rằng, cần phải cứu doanh nghiệp cho dù chậm.

Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, Chính phủ cần phải kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của mình trong việc chỉ đạo, điều hành nền kinh tế.

Giảm ngân sách 9.000 tỷ đồng

Tờ trình của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nêu hai phương án giảm, miễn thuế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2012.

Thứ nhất, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (không trong các lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp được xếp hạng một, hạng đặc biệt thuộc Tập đoàn kinh tế, tổng công ty) và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội;

Thứ hai, miễn thuế khoán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011.

Gói giải pháp nêu trên sẽ tác động tài chính đến sản xuất kinh doanh của nền kinh tế khoảng 29.000 tỷ đồng. Trong đó, các giải pháp gia hạn thời hạn nộp thuế sẽ để lại cho doanh nghiệp tiền vốn ước khoảng 16.000 tỷ đồng; Các giải pháp miễn giảm thuế giúp doanh nghiệp giảm chi phí và các giải pháp tài chính khác có giá trị khoảng 13.000 tỷ đồng.

Gói giải pháp này làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2012 khoảng 9.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương khoảng 3.000 - 3.600 tỷ đồng và ngân sách địa phương khoảng 5.400 - 6.000 tỷ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số thành viên Ủy ban Tài chính Ngân sách đồng tình với việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, phạm vi giảm còn hẹp, chưa đảm bảo công bằng giữa các lĩnh vực khác nhau….

Theo ông Hiển, khó khăn chủ yếu của doanh nghiệp hiện nay là tiếp cận tín dụng, lãi suất cao, hàng tồn kho lớn…

Không để doanh nghiệp tiếp tục "chết"

 Ưu điểm của Chính phủ là đã ra được gói giải pháp để giúp đỡ doanh nghiệp và hỗ trợ thị trường. Nhưng khuyết điểm là gói cứu trợ của chúng ta chậm 

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, nhiều doanh nghiệp đã, đang và sắp chết. Điều đó cho thấy nền kinh tế của ta đang suy giảm một cách nghiêm trọng.

Để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6%, vào cuối năm 2012 việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh hỗ trợ thị trường là cần thiết và cấp bách.

Với khoảng 29 nghìn tỷ đồng, dù không lớn nhưng sẽ có tác động tích cực nhất định. Tuy nhiên, cử tri cho rằng, Chính phủ cần phải kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của mình trong việc chỉ đạo, điều hành nền kinh tế.

Ưu điểm của Chính phủ là đã ra được gói giải pháp để giúp đỡ doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường. Nhưng khuyết điểm là gói cứu trợ của chúng ta chậm. Tuy nhiên, chậm còn hơn không. Nền kinh tế cũng như cơ thể của con người. Nếu bị hắt hơi, xổ mũi chỉ cần uống thuốc là khỏi ngay. Còn để đến khi người đã chết hoặc ốm nặng mới đổ xô vào để cứu thì người chết không bao giờ sống lại được và ốm nặng thì chậm được phục hồi – Đại biểu Thuyền phân tích.

Băn khoăn bởi gói giải pháp này chỉ có ý nghĩa khích lệ, còn tác động chưa thật sự nhiều, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) nói: “Để hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả, phải hiểu doanh nghiệp đối diện với những khó khăn gì. Với quá trình sản xuất cũng như tái mở rộng sản xuất phải tác động đúng nơi, đúng lúc mới mang lại hiệu quả”

Đại biểu Trương Thị Ánh (TP HCM) cho rằng, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 sẽ tạo động lực để doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

Đồng thời, việc miễn thuế khoán giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2012 đối với hộ, cá nhân như đề nghị của Chính phủ trong lúc này sẽ có tác động tốt đối với nền kinh tế.

Theo Viết