Dự án treo ở Quảng Ngãi: 17 năm nuôi bò giữa lòng thành phố

TP - Suốt 17 năm qua, gần một nghìn người dân dù sống giữa trung tâm thành phố Quảng Ngãi vẫn được gọi là xóm “3b”: nuôi bò, trồng bắp, trồng bông, do bị “treo” trong các dự án, trong đó có dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính tỉnh Quảng Ngãi. Cùng lúc, dự án công trình đập dâng sông Trà Khúc đã ngốn cả chục tỷ đồng, nhưng 10 năm vẫn nằm trên giấy. 
Vì bị vướng quy hoạch dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính tỉnh, nên người dân không được sửa chữa nhà đã hư hỏng, xuống cấp

Treo trước nối treo sau 

Đó là cảnh khổ của gần 300 hộ dân tổ 14, phường Lê Hồng Phong (TP Quảng Ngãi) suốt 17 năm qua. Từ năm 1997, khu vực này “dính” vào dự án khu dân cư. Sau 11 năm dự án bất động, đến năm 2008, khu vực này lại dính tiếp vào dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính tỉnh Quảng Ngãi. Theo quy hoạch, trung tâm này tọa lạc tại khu đê bao II, rộng 16,5ha, quanh các trục đường Hai Bà Trưng, Chu Văn An, Tôn Đức Thắng và Phan Bội Châu. Dự kiến kinh phí xây dựng khoảng 1.565 tỷ đồng, lấy từ tiền bán các trụ sở cơ quan của tỉnh, thành phố… Thế nhưng, theo nhận định của lãnh đạo một số sở, ngành: Do không có tiền, nên có thể khẳng định dự án này khó triển khai trước năm… 2020!  

“Trong lúc chưa triển khai dự án thì phải sắp xếp, tái định cư, ổn định cuộc sống cho người dân. Không để người dân loay hoay trong khó khăn mãi được. Việc này phải làm ngay trong năm 2015”.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ

Từ lâu, tổ 14 Lê Hồng Phong được mệnh danh là “xóm 3b”, nghĩa là chỉ có nuôi bò, trồng bắp, trồng bông. Đêm đêm, điện sáng lung linh từ đường Hai Bà Trưng hắt vào xóm tối hiu hắt, bóng dáng của đô thị loại II chỉ cách nhau mấy bước chân. Phụ nữ trong xóm trở nên nổi tiếng với nghề đạp xe bán bắp dạo. Bán bắp đã trở thành nghề tại đây. Mấy thế hệ dân cư con cái lập gia đình phải dắt díu nhau đi ở thuê, vì dù nhà cửa có đó nhưng không được xây sửa, cơi nới. Các công trình thoát nước, đường sá ngập úng nghiêm trọng vào mùa mưa. 

Theo Bí thư Đảng ủy phường Lê Hồng Phong, ông Nguyễn Ngọc Nam: Gần 20 năm rồi, người dân không ai nộp thuế đất, vì họ bảo không có quyền sử dụng đất, không biết diện tích bao nhiêu thì nộp bằng cách nào.

Ngốn hơn 9 tỷ đồng vẫn nằm trên giấy

Đó là dự án công trình đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc (TP Quảng Ngãi) triển khai từ năm 2002, chủ đầu tư là Sở NN&PTNT. Dự án nhằm giữ nước, tạo mực nước dâng hợp lý cho đoạn sông Trà Khúc đi qua thành phố, để đem lại cảnh quan phục vụ du lịch, giải trí và ngăn mặn xâm nhập… Tháng 4/2004, tỉnh phê duyệt dự án với mức đầu tư gần 60,7 tỷ đồng, với thân đập làm bằng cao su. Năm 2009, dự án được điều chỉnh thành đập bê tông, với kinh phí đội lên hơn 225 tỷ đồng vốn ngân sách. Tháng 9/2010, dự án khởi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2012. Sau đó, tỉnh cho phép nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung, nâng cấp từ công trình cấp 5 lên cấp 4, từ tuyến gãy qua tuyến thẳng. Sở NN&PTNT đã thuê tư vấn lập lại thiết kế. Đến năm 2011, kinh phí tăng lên 417 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, theo thông báo kết luận (số 117, ngày 8/4/2011) của Thường vụ Tỉnh ủy: Theo quy định của Chính phủ thì dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc không thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao); Việc bố trí kinh phí từ ngân sách tỉnh chi trả cho dự án theo hình thức BT trong thời điểm hiện tại là thiếu khả thi. Ông Huỳnh Khương - Giám đốc BQL Dự án đầu tư và xây dựng thủy lợi Quảng Ngãi (Sở NN&PTNT) cho biết, chủ đầu tư đã thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Tỉnh ủy, nhưng chưa nhận được ý kiến từ phía HĐND tỉnh. Do vậy, dự án đến nay vẫn chưa thể biết có tiếp tục thực hiện hay kết thúc. 

Cũng theo ông Khương, từ năm 2002 đến nay, kinh phí triển khai dự án đã chi 9,4 tỷ đồng, trong đó, bồi thường cho dân 4,8 tỷ đồng, còn lại là chi phí cho tư vấn, lập thiết kế điều chỉnh dự án, quản lý... Nếu không thể tiếp tục thực hiện dự án thì không thể thanh lý hợp đồng với các đơn vị tham gia dự án.