Đông Ukraine biểu tình đòi ly khai

TP - Phong trào đòi ly khai đã lan sang các khu vực khác thuộc miền đông Ukraine. Hội đồng Nhân dân thành phố Donetsk hôm qua tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk có chủ quyền và sẽ tổ chức trưng cầu dân ý theo kiểu Crimea để quyết định việc gia nhập Liên bang Nga.
Phong trào đòi ly khai đã lan ra 3 thành phố miền đông Ukraine. Ảnh: NBC News

Được lập ra từ những người biểu tình ủng hộ Liên bang Nga, Hội đồng Nhân dân Donetsk hôm 7/4 tuyên bố sẽ gia nhập Nga, nếu người dân đồng ý trong cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra không muộn hơn ngày 11/5, hãng tin Nga Ria-Novosti đưa tin.

Một số nhà quan sát cho rằng, Donetsk (dân số khoảng 1 triệu người) khác với Crimea vì số người nói tiếng Ukraine khá nhiều, nếu tổ chức trưng cầu dân ý thì sẽ có tỷ lệ khá cao ủng hộ Ukraine thống nhất.

Ngày 6/4, lực lượng biểu tình đòi tự trị chiếm tòa nhà của lực lượng an ninh quốc gia tại thành phố Donetsk và Lugansk cùng tòa nhà chính quyền tại Kharkov. Những người biểu tình đòi chính phủ mới ở Kiev phải sửa đổi hiến pháp nhằm xây dựng một chính phủ theo mô hình liên bang, đồng thời đòi tổ chức những cuộc trưng cầu dân ý kiểu Crimea để cho phép các khu vực tự quyết định địa vị của mình. Chín cảnh sát và người biểu tình ở Lugansk bị thương khi người biểu tình ném lựu đạn, trứng và đá vào tòa nhà. Người biểu tình đổ xuống đường, vẫy cờ Nga và hô khẩu hiệu ủng hộ Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 7/4 nhắc nhở cơ quan an ninh quốc gia FSB rằng, cần đề phòng phương Tây sử dụng các tổ chức phi chính phủ để kích động bất đồng chính kiến tại Nga. Ông Putin cũng nhắc nhở FSB không được lơ là canh chừng các tay súng cực đoan thực hiện tấn công sau Thế vận hội mùa đông Sochi, đồng thời tăng cường cảnh giác để đề phòng các cuộc tấn công vào Nga.

Tại Donetsk, người biểu tình chiếm tòa nhà hội đồng khu vực, dựng rào chắn bằng lốp xe và dây điện. Cảnh sát Lugansk cho biết, kho vũ khí của thành phố đã bị người biểu tình chiếm và một đường cao tốc bị chặn. Khoảng 3.000 người được cho là đã chiếm quyền kiểm soát một chi nhánh của ngân hàng quốc gia tại Lugansk. Tuy nhiên, Ngân hàng Quốc gia Ukraine hôm 7/4 bác bỏ thông tin này.

Trong một cuộc họp nội các khẩn cấp, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatsenyuk đổ lỗi cho Nga về những vụ việc kể trên. Ông Yatsenyuk nói rằng, những hành động trên là kế hoạch “gây bất ổn” cho Ukraine và nhằm dọn đường để “đưa quân Nga vào”. Phó Thư ký Hội đồng Quốc phòng Ukraine, bà Victoria Syumar, thông báo, các quan chức liên quan đã lên đường đến Kharkov và Donetsk để “chống chủ nghĩa ly khai”.

Ngày 7/4, Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsya tuyên bố Kiev sẽ chiến tranh với Nga nếu nước này đưa quân tới miền đông Ukraine, BBC đưa tin.

Ukraine tuyên bố kiện Nga

Ngoại trưởng tạm quyền Ukraine Andriy Deshchytsia hôm 7/4 nói rằng, Ukraine đang chuẩn bị hồ sơ để kiện Nga ra một số tòa án quốc tế, hãng tin Nga Interfax đưa tin.

Ông Deshchytsia nói rằng, Ukraine có kế hoạch nộp đơn kiện lên Tòa án Nhân quyền châu Âu, Tòa án trọng tài Stockholm về các vấn đề liên quan tài sản của Ukraine ở Crimea; Tòa án Quốc tế của Liên Hợp Quốc về các thỏa thuận song phương và quốc tế với Nga; và Tòa án Hàng hải Quốc tế về những vấn đề liên quan việc chiếm giữ các tàu của Ukraine ở Crimea.

Trong khi đó, cơ quan kiểm soát vệ sinh và thực phẩm Nga vừa cấm nhập những sản phẩm sữa từ một số nhà máy ở Ukraine vì cho rằng chúng ảnh hưởng sức khỏe người dùng.

“Thông tin được chuyển tải theo cách phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, Cơ quan Hải quan liên bang và Rospotrebnadzor (Cơ quan giám sát bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quyền con người) trên lãnh thổ Nga”, Interfax trích nguồn tin từ Rospotrebnadzor.

Theo đó, các sản phẩm của 6 nhà máy sữa Ukraine sẽ không được phép nhập khẩu vào Nga. Trước đó, chính quyền Ukraine đặt ra quy định công dân Nga sang Ukraine không được ở lại quá 90 ngày trong vòng 6 tháng. Tuần trước, Nga công bố hai lần tăng giá liên tiếp đối với khí đốt bán cho Ukraine, từ mức 268,5 USD lên 485,5 USD/1.000 m3.