Anh có thể chia sẻ ý tưởng hình thành “Được là chính mình”, hay còn gọi Stereowomen?
Từ năm 2006 khi hình thành vở kịch đồng tính nam Stereoman, tôi đã nghĩ tới Stereowomen.
Sở dĩ vở Stereoman có trước vì vấn đề nóng hơn, bản tính đàn ông bao giờ cũng dữ dội hơn, xã hội quan tâm hơn; còn kể cả người phụ nữ bị bạo hành, đồng tính hay sống chung với HIV/AIDS, họ cũng nhẹ nhàng, kín đáo hơn.
Sau đó, bên Nhà hát tiếp cận với Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) có nghiên cứu về 40 người nữ yêu nữ.
Dựa trên nghiên cứu đó, tôi cùng anh Viện trưởng Lê Quang Bình ngồi với nhau lên ý tưởng cho từng cảnh diễn một, từng số phận để dàn dựng Stereowomen.
Nói như vậy, kịch về đồng tính nữ bớt dữ dội hơn?
Không, nó vẫn dữ dội chứ. Nhưng mỗi hình thái dữ dội được thể hiện một cách khác nhau. Trong đồng tính nam, chúng tôi sử dụng yếu tố bảo vệ giới, nên có một số cảnh như thước phim quay chậm về đánh đấm.
Được là chính mình, tôi dùng hình ảnh sâu lắng hơn, sự dữ dội nén vào trong, không phô bày ra ngoài.
Tuy nhiên khán giả, diễn viên cảm nhận được sự dữ dội đó diễn ra thế nào với từng cá nhân trên sân khấu, bản thân câu chuyện của họ cũng chất chứa nhiều dữ dội, sự dữ dội được nén kinh khủng hơn những thứ được phô bày.
Bao nhiêu nhân vật trong nghiên cứu được đưa lên sân khấu?
Vở diễn không nói cụ thể nhân vật nào, nó như triển lãm tranh. Mỗi bức tranh là một câu chuyện, số phận khác nhau, thông điệp khác nhau. Sợi dây liên kết là những lời thoại, nhưng không phải đứng đấy mà thoại như kịch nói, cái này tôi gọi là kịch đọc.
Khi một vài đoạn thơ, một vài câu thoại nói về thông điệp của chương trình tuy trực diện nhưng ngôn từ thay đổi đi để đậm chất văn học hơn chứ không phải đứng tuyên ngôn.
Vở kịch về đề tài chưa được khai thác nhiều, lại hướng đến thay đổi nhận thức của xã hội chắc hẳn chất chứa nhiều thông điệp?
Chúng tôi nhấn mạnh một số người đồng tính cố phải sống khác bản thân họ, nhưng rồi bản năng, khao khát trong con người họ không chấp nhận sự giả dối đó.
Họ phải đi tìm bản năng, giới tính thực sự để sống đúng là mình. Như thế họ sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều, cuộc sống của họ không bị bức bách, không bị giam mình trong bóng tối nữa, bước dần ra ánh sáng.
Thứ hai, tôi muốn nói đến sự ghẻ lạnh của xã hội, ánh mắt kỳ thị coi người đồng tính, đặc biệt trong xã hội Việt Nam người ta nhìn đồng tính là bệnh hoạn, là sai lệch về tâm lý rồi chạy theo nhu cầu quái đản.
Thực ra, từ thời cổ đại đến giờ người đồng tính luôn chiếm từ 5-6% tổng dân số, thời nào cũng thế không hề lây lan hay nhân rộng. Trong vở, tôi có đưa câu thoại: Tạo hóa sinh ra chúng ta dù nam hay nữ, dù chân thật hay dối trá, dù mạnh mẽ hay mềm yếu, thì tất cả mọi người đều khao khát được yêu và hạnh phúc. Hãy là chính mình vì hạnh phúc nằm trong tay bạn.
Bên cạnh đó tác phẩm cũng nói về tình yêu, tình cảm của người đồng tính, mà tình yêu ấy cũng say đắm như thường.
Thể hiện tình yêu người đồng tính chắc hẳn không dễ dàng gì với nghệ sĩ, liệu anh có chủ đích gây sốc?
Không có gì gọi là gây sốc cả. Tình yêu vốn đẹp, tôi có trách nhiệm phải làm nó thật đẹp, vô cùng lãng mạn và tràn đầy cảm xúc. Tôi cho nghệ sĩ xem 3 bộ phim rất nổi tiếng nói về đề tài đồng tính trong đó có Núi Brokeback và Milk.
Ngoài ra, diễn viên tiếp cận với bốn cuốn sách nghiên cứu về 40 người nữ yêu nữ của iSEE, lại được trao đổi với các nhà nghiên cứu để mang lại ý niệm, hình ảnh rất cụ thể của người đồng tính.
Lựa chọn âm nhạc phù hợp với nội dung câu chuyện rất quan trọng. Có nhạc không lời, ca khúc, nhạc quốc tế. Tôi cũng sử dụng Hẹn hò của nhạc sĩ Phạm Duy.
Trong phần kết tôi sử dụng ca khúc You raise me up (Anh đỡ em dậy) kết hợp hình ảnh những cánh tay nâng đỡ nhau tạo cho nhau sức sống, niềm tin trong xã hội vẫn còn quan điểm sai lạc trong cách nhìn nhận đồng tính.
Anh có lo vở diễn gây sóng gió, liệu anh có đo được cảm xúc của cộng đồng đồng tính?
Họ rất thích, có người khóc thực sự. Bản thân họ bảo xem rất nhiều chương trình nghệ thuật nhưng chưa có chương trình nào nói về cuộc sống của họ đúng như vậy.
Có một bạn chia sẻ, bạn ấy lộ diện được hai năm thời gian đầu thực sự khủng khiếp, bây giờ cảm thấy cuộc sống rất nhẹ nhàng. Đấy là những người trong cuộc, còn những người dị tính khi ngồi xuống ghế không thể đứng lên.
Stereowomen đã phải là kết lại cho đề tài liên quan đồng tính?
Tôi muốn xây dựng Stereo là thương hiệu, trực tiếp nói đến các vấn đề phát triển ở Việt Nam, vì bản thân chữ Stereo là lập thể, đa chiều. Cho nên nó phải có sự gối đầu, chứ nếu tách ra thì cực kỳ đơn giản.
Khó nhất là duy trì, để khi nhắc tên chương trình đó thì người ta biết nó mang thông điệp xã hội nhân văn, thu hút cộng đồng và các nhà tài trợ để làm nhiều việc có ích hơn cho xã hội chứ không chỉ mỗi chức năng giải trí-hầu như bây giờ mọi người chỉ cố gắng làm giải trí.
Có những khó khăn, nhưng ngược lại có những động lực để chúng tôi đưa nhiều hơn chương trình đến với cộng đồng, một phần nhỏ giúp xã hội trở nên toàn vẹn, tình người hơn.
Được là chính mình nhận sự tài trợ của Đại sứ quán Úc, đem tới thông điệp ý nghĩa nhân Ngày thế giới chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới.