Phải sửa xong tàu trong tháng 8
Tâm điểm của hội nghị là vụ hàng loạt tàu cá vỏ thép của ngư dân Bình Định bị hư hỏng, gỉ sét, khiến Thủ tướng phải chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc làm rõ thời gian qua.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đăng đàn cho biết, địa phương có 279 hồ sơ đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo Nghị định 67. Đến nay, Bình Định đã đóng 58 tàu, trong đó 47 tàu vỏ thép, 6 tàu composite, còn lại là tàu gỗ.
Tuy nhiên, theo ông Châu, số tàu Bình Định do 9 cơ sở đóng, nhưng chỉ những tàu đóng tại 2 Cty TNHH MTV Nam Triệu (thuộc Bộ Công an, tại Hải Phòng) và Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) là bị hư hỏng, gỉ sét, từ vỏ tàu, thân tàu, máy chính, máy phụ, máy dò, định vị…đều có vấn đề.
Ông Châu cho biết, lúc đầu, 2 cơ sở đóng tàu nói trên còn đôi co, đưa ra yêu cầu làm khó ngư dân. Tuy nhiên, sau khi tỉnh làm quyết liệt, thành lập tổ thẩm định độc lập “khám” hết toàn bộ vỏ tàu, máy tàu, thiết bị… hai cơ sở đóng tàu mới thừa nhận phần sai.
Theo ông Châu, đến nay, toàn bộ tàu hư hỏng của Bình Định đã được 2 cơ sở đóng tàu trên kéo lên bờ sửa chữa, khắc phục. “Trước đây họ sơn 1-2 lớp, nay sơn đúng 5 lớp; thay máy mới chính hãng, các thiết bị... như một con tàu mới. Tổ kiểm tra của tỉnh cũng có mặt thường xuyên và yêu cầu phải hoàn thiện trong tháng 8 này để ngư dân có tàu vươn khơi”- ông Châu nói.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng thông tin: Với 5 tàu của Cty Đại Nguyên Dương, tỉnh sẽ lấy mẫu để kiểm tra, nếu đảm bảo chất lượng, nhưng thép không đúng trong hợp đồng, cơ sở đóng tàu phải bù phần chênh lệch cho ngư dân (thép Trung Quốc thay cho thép Hàn Quốc/Nhật Bản); còn nếu thép không đảm chất lượng, phải thay mới hoàn toàn.
“Đồng thời, trong thời gian tàu nằm bờ, tỉnh đã làm việc với 2 công ty đóng tàu, bàn bạc để đền bù, hỗ trợ cho người dân một khoản kinh phí. Hiện Sở NN&PTNT đang tính toán cụ thể mức chi trả cho ngư dân”- ông Châu nói.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an vào cuộc điều tra, làm rõ vấn đề trên.
Về trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm, ông Tám nói: “Lẽ ra, chúng tôi phải xử lý trong tháng 7, tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, cần thận trọng, nên Tổng cục Thủy sản đã thành lập Tổ giám sát về kỹ thuật với Trung tâm đăng kiểm cho khách quan. Tổ giám sát vẫn đang triển khai, và trong tháng 8 này chúng tôi sẽ xử lý. Những cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ phải xử lý nghiêm, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, không bao che, dung túng”.
Theo rà soát của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 40 tàu cá vỏ thép của ngư dân bị hư hỏng.
Quy rõ trách nhiệm từng đơn vị liên quan
Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch Kiên Giang cho biết, Nghị định 67 đóng mới tàu cá, Kiên Giang được chỉ tiêu 175 chiếc, hiện tỉnh phê duyệt 79 chiếc, trong đó 23 chủ phương tiện xin rút, vì thủ tục rờm rà, khi vay, các chi phí cộng vào cao hơn việc ngư dân tự làm.
Ngoài ra, trong Nghị định 67, loại tàu giã cào không khuyến khích (tàu đánh bắt ven bờ) nhưng hiện ở Kiên Giang có 4.500 tàu giã cào công suất lớn 300-400 CV, nếu cấm , phải có lộ trình, để ngư dân chuyển đổi.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, tàu cá chất lượng hay không là do nhà máy đóng tàu. Phó Thủ tướng yêu cầu, trước mắt, phải tập trung khắc phục những tàu cá bị hư hỏng vừa qua, không để người dân bỏ tiền để lấy một sản phẩm không an toàn. Bộ NN&PTNT quy hoạch lại tàu cá, cùng với việc điều tra nguồn lợi thủy sản, gắn với chiến lược phát triển thủy sản bền vững; quy định rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan quá trình đóng đàu.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tập trung hoàn thiên sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Nghị định 67 để ban hành trong quý 4/2017, thực hiện từ đầu năm 2018 tới.
“Không thể bắt ngư dân ra tận nơi giám sát, giống như khi mua ô tô, xe máy… người dân có đến nhà máy mà giám sát không, nên cơ sở đóng tàu sai phải đền bù và bị xử lý nghiêm theo quy định”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng