> Gặp khó từ bờ
> Chủ tài sản “chết đứng” trên đống tài sản
> Tàu biển thành tàu 'ma', người đóng tàu lay lắt
Phải đóng tàu lớn thôi !
"Hiếm có thuyền trưởng nào làm ăn liều và táo bạo như Sang" – chị Lê Thị Hạnh – Chủ tịch Hội Nông dân phường Thuận Phước (Hải Châu) nói về Lê Văn Sang – thuyền trưởng tàu hậu cần nghề cá Hoàng Sa ĐNa 90444 có 1.200 mã lực.
Cách đây mấy tháng, con tàu khủng hạ thủy, ngoài lãnh đạo Sở NN&PTNT Đà Nẵng còn có cả đại diện của Bộ về thăm, xem đây là dấu mốc mới trong quá trình hiện đại hóa nghề cá. Thế nhưng, Sang vẫn chưa dừng lại...
30 năm làm dịch vụ nghề cá ở Hoàng Sa, cơ ngơi của đại gia đình 3 thế hệ Lê Diệp – Lê Mến – Lê Văn Sang giờ bề thế và hoành tráng ở phường Thuận Phước.
Chỉ sau 6 tháng hạ thủy ĐNa 90444, trong đầu Sang đã manh nha ý tưởng táo bạo hơn rất nhiều: đóng tàu hậu cần 2.000CV. Nói là làm, anh bắt tay vào phác thảo dự án, kênh huy động vốn, kiểm lại nguồn tiền và ra tối hậu thư cho chính mình: chậm nhất cuối năm 2013 khởi công. Đây sẽ là con tàu lớn nhất nước của một ngư dân từng tung hoành ngang dọc ở Hoàng Sa.
Ông Lê Mến, bố của Sang trầm ngâm: Dự định đóng tàu 1.200CV đã hoảng, đóng xong, làm ăn được thấy tạm yên lòng. Giờ nó lại nổi sướng lên đòi đóng tàu lớn nhất nước, nghe mà hãi. Nhưng nó quyết rồi thì biết làm sao.
Nhớ hồi sang âu thuyền Thọ Quang chứng kiến đóng tàu 1.200CV, thấy cơ man gỗ, sắt thép, rồi thân con tàu hình thành, sừng sững một vóc dáng như người khổng lồ giữa bao kẻ tí hon.
Nhưng giờ đây, mới chỉ nghe qua phác thảo của Sang về con tàu 2.000CV, với đầy đủ phần cứng lẫn phần mềm, đủ thấy đại gia 8X này không hề đùa chút nào.
Với những người chưa bao giờ đi biển, có lẽ những tính toán thường nhật sẽ khiến họ chùn bước, nhưng anh thử tính xem, con tàu của mình ở trong bờ mang tiếng là khủng này nọ, nhưng giữa mênh mông đại dương chẳng khác nào chiếc lá tre. Phải đóng tàu lớn thôi anh ạ .
"Về cơ bản, tàu 2.000CV sẽ là một phiên bản của ĐNa 90444 phóng to lên, lắp thêm một máy đẩy 800CV, cho phép chạy với công suất cực đại. Điều quan trọng nhất là tải trọng lớn gấp nhiều lần so với tàu cũ, hầm chứa hải sản lớn và nhiều gấp đôi. Ngoài ra, khoang lái cũng như nội thất dự kiến được thiết kế, đầu tư hiện đại. Nó sẽ ngốn một khoản tiền rất lớn, nhiều tỷ đồng, nhưng em không tiếc" - Sang bộc bạch.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, mới manh nha con tàu lớn được hơn 6 tháng, giờ lại làm thêm tàu khủng hơn nhiều, chả lẽ không sợ ? Lê Văn Sang chắc chắn: "Với những người chưa bao giờ đi biển, có lẽ những tính toán thường nhật sẽ khiến họ chùn bước, nhưng anh thử tính xem, con tàu của mình ở trong bờ mang tiếng là khủng này nọ, nhưng giữa mênh mông đại dương chẳng khác nào chiếc lá tre. Phải đóng tàu lớn thôi anh a".
Cụ Lê Diệp – ông nội Sang, nói đỡ: Mấy người cứ bảo nó liều, tôi thấy không đâu. Tính Sang thế nào tôi biết, làm cái gì cũng chắc chắn, từ nhỏ đến lớn, nên ít khi sai lầm. Nó tính toán kỹ rồi mới mạnh dạn đưa ra ý tưởng cho gia đình đó. Tôi ủng hộ ngay.
90 tuổi, ông Diệp quắc thước tráng kiện, nói oang oang, rằng thuở xưa khi gia đình chọn nghề hậu cần biển, mua bán cá phọt phẹt trong bờ cũng tạm đủ đắp qua ngày.
Ngày lên đời được con tàu 450CV, tưởng ngon nhưng cuối cùng cũng không ăn thua so với thời cuộc. Vì thế, ngay lúc cháu ông bàn đóng tàu 1.200CV, ông ủng hộ, và rồi đến hôm nay, sau 6 tháng làm ăn, lúc tỏ lúc mờ trong thời điểm kinh tế khó khăn mà Sang vẫn đòi đóng tàu lớn hơn, ông tiếp tục tin tưởng.
"Mình đi trước, thấy con cháu làm mà cứ cấm cản thì sao mà phát triển được. Huống hồ nó đóng tàu lớn để đưa xăng dầu ra Hoàng Sa, nơi mình đang khó nhọc đòi lại. Nên lắm chứ".
Giàu cho mình, giàu cho bạn
Những ngày này, Lê Văn Sang đang ở Thanh Hóa để nhận giải thưởng Lương Định Của – giải thưởng danh giá dành cho 300 thanh niên có thành tích trong lao động, sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ. Sang là ngư dân duy nhất trong số 300 thanh niên đó.
"Cuối cùng, nghề đi biển cũng được vinh danh anh ạ, có giải thưởng hẳn hoi" - Sang tự hào.
Ông Lê Mến giở cuốn sổ thu chi của gia đình, chậm rãi kể: Tính riêng con tàu ĐNa 90444 thôi nhé. Tàu du di từ 30 – 40 lao động, anh em ở miền Trung cả, mỗi lao động thu nhập không dưới 7 triệu/tháng, đó là ít. Còn bình quân, mỗi tháng phải 8 triệu. Riêng gia đình thu nhập không dưới 120 triệu/tháng, đó là con số đã tính toán sau các khoản chi.
Mỗi tuần tàu xuất bến một lần, phục vụ khoảng 10–12 tàu cá ở khơi xa Hoàng Sa, lúc nào cũng phải hoạt động hết công suất.
Sang kể, từ ngày hạ thủy tàu 1.200CV, lượng khách hàng tăng lên vùn vụt, hầu như ngư dân ở khơi xa đều mong ngóng tàu của thuyền trưởng Sang ra tiếp ứng mỗi khi có nhu cầu.
"Làm ăn cũng không hoàn toàn thuận lợi như mình tính, tàu ĐNa 90444 ra đời ngay thời buổi khủng hoảng, giá dầu tăng liên tục còn sức mua của khách giảm. Nhưng ngay sau đó, sự khẳng định về chất lượng hải sản giúp con tàu khủng tránh được chao đảo khi ra biển lớn. Đến bây giờ, cái khó duy nhất của mình là không đáp ứng nổi nhu cầu của ngư dân".
Theo Sang, chất lượng hải sản được quyết định nhờ thời gian đánh bắt trên biển và đất liền được rút ngắn, bởi vận tốc tàu 1.200CV là rất lớn. Ngoài ra, hầm hải sản được sơn phết PU hiện đại, bảo quản hải sản tươi ngon.
"Khổ một nỗi, ra tận trùng khơi, mình tiếp dầu, lấy hàng cho tàu này thì tàu kia mất phần, thành ra họ trách móc nhiều lắm. Những lúc đó, chỉ ước có nhiều tàu lớn để mau chóng tiếp dầu, đưa cá về, nhưng mình chỉ có 2 tàu, kham
sao nổi".
Ngư dân Nguyễn Văn Luận (Huế) - người lao động trên tàu ĐNa 90444, nói: 20 năm đi làm bạn thuyền đánh cá ngoài khơi xa, chưa bao giờ được ngồi cái tàu nào êm thế. Khoái nhất là chập tối xuất bến, sáng mai bình minh ló rạng giữa biển trời Tổ quốc.
Anh Lê Văn Diện lại háo hức: Ai cũng chờ ngày Sang đóng tàu 2.000CV để thử xem cảm giác nó lướt sóng giữa trùng khơi
thế nào.
Tàu ĐNa 90444 giờ đây không chỉ phục vụ ngư dân Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định... mà ngay cả nhiều tàu ở bắc miền Trung rồi tận miền Nam cũng bắt đầu gọi điện đề nghị hợp tác làm ăn, bởi thế, tính toán đóng thêm một chiếc 2.000CV của Lê Văn Sang là không thừa.
"Giàu cho mình và giàu cho bạn, làm ăn được thì lộc cùng chung hưởng. Nhưng điều em trăn trở mãi là mình phải làm gì đó để khẳng định chủ quyền. Với những ngư dân trẻ, chỉ còn cách này thôi: Đóng tàu khủng để làm chủ biển lớn" - Sang nói.