Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, đến nay tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 2 toàn tỉnh đã đạt 83,9%. Những ngày qua, tỷ lệ mắc COVID-19 vẫn tăng cao với gần 900 ca mỗi ngày, tuy nhiên số ca bệnh nặng và tử vong giảm. Với chủ trương giảm dần bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung và tổ chức cách ly F0, F1 tại nhà, vai trò của trạm y tế lưu động là rất quan trọng.
Sở Y tế Đồng Nai cho biết, tính đến ngày 12/11, tỉnh đã thành lập 124 trạm y tế lưu động trong 170 phường, xã và 2 trạm y tế lưu động tại KCN Long Khánh, KCN Xuân Lộc. Theo kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, Đồng Nai yêu cầu mỗi KCN thành lập ít nhất 1 trạm y tế lưu động phục vụ người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong KCN. Tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn để thiết lập thêm các trạm y tế, đảm bảo mỗi trạm y tế lưu động phụ trách từ 500 - 1.000 trường hợp F0 cần được cách ly trong KCN, cụm công nghiệp.
Mỗi trạm y tế lưu động trong KCN phải có tối thiểu 1 nhân viên biên chế thuộc trung tâm y tế hoặc trạm y tế phụ trách trưởng trạm. Còn lại là nhân viên y tế của các công ty trong KCN, số lượng tối thiểu 5 người hoặc nhiều hơn tùy theo quy mô, số lượng công nhân tham gia sản xuất tại KCN.
Tuy nhiên đến nay, trong số 31 KCN ở Đồng Nai mới chỉ có 2 KCN thành lập được trạm y tế lưu động. Đại diện các KCN trong tỉnh và lãnh đạo các địa phương đều cho rằng, việc thiết lập các trạm y tế lưu động trong các KCN để đáp ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19 là tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, hiện các địa phương rất thiếu nhân lực y tế nên rất khó để hỗ trợ các KCN. Ngoài ra, các KCN cũng gặp khó về địa điểm thành lập trạm y tế lưu động và khó về kinh phí hoạt động.
Lãnh đạo các địa phương đề nghị Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh chính sách hỗ trợ lực lượng y tế cơ sở nói riêng và các lực lượng tuyến đầu chống dịch nói chung, bởi hiện nay, nhân lực y tế rất mỏng trong khi công việc quá nhiều, gây áp lực rất lớn cho nhân viên y tế. Ở nhiều nơi, nhân viên y tế xin nghỉ việc nhiều. Bên cạnh đó, Sở Y tế sớm cấp các túi thuốc để điều trị cho F0 là trẻ em, người lớn tại nhà.
Quá tải tuyến dưới
Kể từ khi TP Biên Hòa áp dụng cách ly F0, F1 tại nhà, các trạm y tế phường, xã phải gánh thêm phần việc lo cho từ 200 đến hơn 300 ca F0 cùng hàng trăm ca F1 được phát hiện mỗi ngày. Nhân viên 30 trạm y tế lưu động tại 30 phường, xã thực chất cũng chỉ là số nhân viên y tế tại trạm trên dưới 10 người và được tăng cường nhân viên y tế từ Trung tâm Y tế TP Biên Hòa. Nhiều trạm y tế đã quá tải khi phải lo cho cả ngàn trường hợp cách ly tại nhà.
Trạm Y tế phường Trảng Dài (TP Biên Hòa) đã buộc phải tạm đóng cửa trong ngày 12/11 khi nhiều nhân viên y tế mắc COVID-19, trong khi đó trăm người dân là các đối tượng F0, F1 đến trạm khai báo y tế, xin giấy xác nhận… Không ít người lo lắng khi không được tư vấn, hướng dẫn, không xin được giấy xác nhận để nộp cho công ty...
Chia sẻ khó khăn, lo lắng của người dân, ông Võ Tấn Hải - Chủ tịch UBND phường Trảng Dài cho biết, tình hình ở địa phương đã quá tải, nhân viên y tế cũng đã làm việc quá sức và nhiều người mắc COVID-19 nên phải tạm đóng cửa. Thành phố sẽ tăng cường 2 trạm y tế cho phường Trảng Dài trong những ngày tới.
Phó trưởng Ban quản lý các KCN Đồng Nai, ông Lê Văn Danh, cho hay, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng bắt buộc phải thành lập cho được các trạm y tế lưu động trong các KCN. Ông Danh đề nghị các đơn vị liên quan cùng nhau nỗ lực triển khai nhanh các trạm y tế lưu động dựa trên cơ sở vật chất sẵn có.
Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, ông Lê Quang Trung, cho biết, lực lượng nhân viên trạm y tế hiện rất mỏng, mỗi trạm chỉ có 10-12 người, trong đó chỉ có 1 bác sĩ nhưng đảm nhận rất nhiều công việc, do vậy phải lập các trạm y tế lưu động dựa trên nền tảng có sự hỗ trợ của Trung tâm Y tế, huy động sự hỗ trợ của y tế tư nhân, lực lượng y tế về hưu. Trước mắt, Sở Y tế sẽ huy động lực lượng y tế tư nhân, y tế về hưu và các lực lượng hỗ trợ khác. Theo các cơ sở y tế tư nhân, việc lực lượng y tế tư nhân tham gia hỗ trợ là cần thiết, nhưng phải có cơ chế hỗ trợ nhân viên y tế tư nhân.
Lơ là, “xả hơi”
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tăng cao, lãnh đạo các địa phương cho rằng, có 3 nguyên nhân chính. Đó là các doanh nghiệp sản xuất trở lại với số lượng công nhân đông, tiếp xúc nhiều, dẫn đến lây lan dịch bệnh; người dân có tâm lý lơ là, chủ quan, ỷ đã tiêm đủ vắc xin thì không bị nhiễm bệnh hoặc nếu nhiễm thì đã có Nhà nước lo từ cách ly, điều trị, chăm sóc… nên không thực hiện nghiêm 5K và các quy định phòng dịch. Bên cạnh đó, sau một thời gian dài căng mình chống dịch, đến nay các lực lượng đều đã mệt mỏi và có tình trạng “xả hơi” nên có những nơi, những lúc thực hiện chưa tốt các biện pháp phòng dịch.