Thị trường chứng khoán đang trải qua những chuỗi ngày ảm đạm khi VN-Index giảm hơn 4% và HNX-Index mất gần 3% so với cuối tháng 2. Việc VN-Index mất hơn 25 điểm trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng trên 20 điểm, theo các chuyên gia, chủ yếu do đợt xả hàng của khối ngoại khi khối này có tới 12 phiên bán ròng trên sàn TP HCM. Tổng giá trị bán ròng từ đầu tháng tại HoSE đạt 265 tỷ đồng, sau khi mua ròng ba tháng trước đó.
Diễn biến này không gây nhiều bất ngờ cho thị trường khi đây là giai đoạn các quỹ ETF hoàn tất hoạt động mua bán tái cơ cấu danh mục, sau lần xem xét gần nhất. Trong thời gian này (16 - 19/3), khối ngoại bán ròng gần 220 tỷ đồng, chiếm 83% tổng lượng bán ròng trên thị trường trong hơn 3 tuần.
Tuy nhiên, thông tin khiến nhà đầu tư "thấp thỏm" hơn là liệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có tăng lãi suất trong thời gian tới hay không. Câu trả lời đã có khi cơ quan này quyết định chưa tiến hành ngay việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong tháng 4, nhưng nhiều dự báo cho thấy không sớm thì muộn, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ điều chỉnh trong năm nay.
Trao đổi với VnExpress, chuyên gia nghiên cứu cao cấp Đỗ Bảo Ngọc của Công ty chứng khoán MBS nhận định việc FED dự kiến tăng lãi suất sẽ khiến chi phí vốn tại Mỹ tăng và giá trị đồng USD tăng lên đáng kể so với các đồng tiền khác, tác động tới dòng vốn đầu tư vào các nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam. "Dòng tiền này sẽ rút khỏi các thị trường tài chính nêu trên và trở về chính quốc, khiến dòng tiền đầu tư gián tiếp tại các thị trường tài chính này suy giảm", ông Bảo cho hay.
Quỹ ETF VNM là một quỹ đầu tư niêm yết tại Mỹ, hoạt động của quỹ này phần nào phản ánh sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Khi nhà đầu tư tại thị trường này rút vốn khỏi ETF VNM thì quỹ buộc phải bán ra cổ phiếu trong danh mục. Hiện 77,5% danh mục của ETF VNM là cổ phiếu Việt Nam và đều là các cổ phiếu lớn có tác động nhiều tới các chỉ số.
"Trong một tuần gần đây tôi nhận thấy quỹ ETF VNM đã bị rút hơn 1,8 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương giá trị khoảng 31,7 triệu USD (gần 600 tỷ đồng), và là nguyên nhân chính khiến thị trường suy giảm liên tiếp trong thời gian này", vị chuyên gia của MBS phản ánh.
Chung quan điểm, chuyên viên Nguyễn Duy Thanh Phương của Công ty Chứng khoán FPTS cho biết dưới tác động của đồng USD mạnh lên, trong ngắn hạn, một số nhà đầu tư có thể bán cổ phiếu để thu tiền về đầu tư tại Mỹ. Tuy nhiên, vị này cho rằng hành vi này chỉ diễn trong trong ngắn hạn bởi đầu tư ở Việt Nam vẫn hiệu quả hơn so với chính nước sở tại.
"Nhà đầu tư bán cổ phiếu sẽ đem tiền về đầu tư ở nước họ, lãi suất bên Mỹ hiện tại là 0%, nếu tháng 6 tăng lên 0,5% thì vẫn thấp, trong khi đầu tư ở thị trường chứng khoán Việt Nam thì một năm chỉ số có thể tăng 10%, kể cả bù trừ việc tỷ giá tăng 2% năm nay thì vẫn là hiệu quả hơn rất nhiều", ông Phương chia sẻ.
Ông Dominic Mellor - chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng nêu quan điểm việc FED tăng lãi suất chắc chắn tác động lên thị trường toàn cầu, đặc biệt khi những năm vừa qua một dòng vốn lớn đã đổ vào thị trường châu Á, song thị trường Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng nhiều như các thị trường mới nổi khác trong khu vực.
"Theo cá nhân tôi, luồng vốn đầu tư gián tiếp đã bỏ qua Việt Nam và đổ vào các thị trường khác vì thị trường chứng khoán trong nước vẫn chưa đủ sức hấp dẫn. Việt Nam hưởng lợi chủ yếu từ các nguồn vốn đầu tư trực tiếp, mang tính chất dài hạn. Do đó, chính sách này của Mỹ sẽ ít tác động tới Việt Nam hơn các nước trong khu vực", vị này phát biểu.
Tuy vậy, các thành viên thị trường vẫn dự báo động thái rút vốn của khối ngoại thời gian tới rất khó lường, trong khi nhà đầu tư trong nước vẫn bị chi phối nhiều bởi yếu tố tâm lý thì đây sẽ là một trong những rủi ro chính của thị trường chứng khoán năm 2015.
Cùng với những dự kiến tăng lãi suất của FED thì việc EU tiếp tục duy trì lãi suất âm với đồng euro và chính thức công bố gói QE trị giá 1.100 tỷ euro khiến giá đồng tiền chung trong khu vực giảm mạnh, và càng khiến cho đồng USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền khác. Tại Việt Nam, tỷ giá USD liên tục tăng mạnh trên cả thị trường liên ngân hàng và thị trường tự do cũng phần nào tạo ra các tác động đến thị trường chứng khoán.
Theo ông Đỗ Ngọc Bảo, tỷ giá tăng mạnh là một trong những nguyên nhân khiến khối ngoại rút vốn, vì khi tỷ giá tăng và được dự báo còn có thể tăng cao hơn trong thời gian tới, việc quy đổi khoản đầu tư cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài sang đồng USD sẽ mất nhiều hơn tiền đồng hơn, đó là chưa kể những biến động của thị trường theo hướng rủi ro hơn.
"Thực tế này cũng phần nào tác động đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài và kích thích hoạt động rút vốn trong ngắn hạn. Trong bối cảnh thị trường suy giảm dòng tiền ngắn hạn như hiện nay thì các tác động tâm lý này cũng khiến thị trường thêm phần ảm đạm", vị chuyên gia của MBS phân tích.
Song, đại diện ADB cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ không nới lỏng chính sách tiền tệ quá mạnh trong thời gian tới, và tỷ giá, nếu có điều chỉnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát của nhà điều hành là 2%. "Việt Nam đang cạnh tranh với các nước khác trong khu vực về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, và tỷ giá là một trong những yếu tố then chốt cùng với chi phí lao động, môi trường kinh doanh", ông Mellor nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều kỳ vọng các tác động của khối ngoại sẽ cân bằng hơn khi gói QE của Châu Âu phát huy tác dụng, dòng vốn từ thị trường này cũng có thể tăng đầu tư tại các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam, bù đắp cho sự suy giảm từ một bộ phận dòng vốn từ thị trường Mỹ.