Đồng cảm với người hùng đóng bỉm

TP - COVID-19 làm đình trệ các hoạt động sản xuất, vận tải... Trong lĩnh vực y tế, với những bác sỹ tuyến đầu chống dịch thời COVID thì ra sao?
Nhiều nhân viên y tế tuyến đầu trong bộ đồ bảo hộ giữa thời tiết nắng nóng

Giá các bộ đồ bảo hộ chuyên dụng vẫn được coi là đắt đến nỗi các bác sĩ, nhân viên làm nhiệm vụ tại các điểm nóng dịch bệnh ở Việt Nam chỉ dám mặc mỗi ngày một bộ. Bác sĩ Ngô Đức Hùng trong cuốn Nhật ký COVID vừa phát hành mô tả một nghịch cảnh bên trong bộ đồ này: “Cái ngứa từ mũi bò ngang bò dọc, bò dần lên óc, dấm dứt khiến mắt anh hoa lên, nước mắt bắt đầu chảy ra giàn giụa. Cái khẩu trang cấu tạo nhiều lớp vải dày cộp để ngăn giọt bắn, chỉ cho phép không khí lọt qua từ từ, không thể hít sâu xuống khụt khịt mũi cho đỡ ngứa được. Càng không thể thò tay lên mà gãi, bởi tay là nơi sờ chạm đủ thứ, đưa lên mặt là điều tối kỵ trong nguyên tắc vệ sinh phòng dịch. Cởi áo ra chỉ để gãi thôi là coi như phải vứt đi thay bộ mới, mất luôn cả triệu đồng”.

Đó mới chỉ là ngứa thôi đấy. Chúng ta, những thường dân đều hãi hùng trước viễn cảnh này nhưng các y bác sĩ- chiến sĩ… siêu phàm có vẻ vẫn trụ được. Nhưng đang xuất hiện ngày càng nhiều hình ảnh nhân viên y tế mệt lả, phát ngất vì sốc nhiệt, mất nước. Nhiều người bị bỏng toàn bộ da lưng vì chính mồ hôi của mình liên tục túa ra và không thoát đi đâu được.

Không ít người mệt đến nỗi khi cởi bộ đồ “nuôi ong” (e rằng còn kín hơn) kia ra thì họ cũng không nuốt nổi bát cơm, chỉ uống nước và tranh thủ chợp mắt vài tiếng rồi lại xỏ vào một bộ đồ như thế, tiếp tục làm việc.

Ở Yên Bái, một bác sĩ nghĩ ra cách để tiếp nước cho các bác sĩ trong khi làm nhiệm vụ. Chai nước sẽ đựng vào túi đeo bên hông, miệng chai chúc xuống nối với hệ thống dây nhựa truyền nước thẳng vào miệng người dùng qua khe khẩu trang gần tai. Có một chiếc van để điều khiển đóng mở đường nước. Nhưng các nhân viên tuyến đầu còn sợ uống nước bởi đã vào ắt phải có ra. Vì thế mà nhiều người phải đóng bỉm. Vâng, thử thách lại được đẩy lên thêm một nấc nữa.

Tất nhiên họ phải khai triển một sức mạnh tiềm ẩn đặc biệt mới có thể chống chọi với cái nóng, dính, ngứa, rát… khủng khiếp bên trong bộ đồ kia. Nếu được mặc quần áo bình thường, sự vất vả của lực lượng tuyến đầu chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều.

Mới đây, một tờ báo đặt vấn đề có cần thiết phải tiếp tục để lực lượng tuyến đầu trong trang phục bảo hộ. Báo dẫn lời PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, không nhất thiết buộc mọi nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ khi chống dịch, nhất là khi họ đi lấy mẫu xét nghiệm trong không gian thoáng, ngoài trời.

“Cơ bản họ cần đảm bảo che được mũi, mồm, miệng. Cần được trang bị khẩu trang N95, đeo kính che giọt bắn, đội mũ, đi găng tay đồng thời đảm bảo khử khuẩn thường xuyên. Như vậy, nhân viên y tế có thể tránh được những ảnh hưởng về sức khỏe không đáng có nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống lây nhiễm”, ông Nga nêu ý kiến.

Các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cũng gợi ý một combo bảo hộ mới bao gồm khẩu trang N95, kính che mặt, găng tay và tạp dề khi làm việc ngoài trời nắng nóng. Sức khỏe của lực lượng y bác sĩ lúc này là cực kỳ quan trọng. Hy vọng một giải pháp về đồ bảo hộ chính thức sẽ sớm được nghiên cứu, đưa ra, để các bác sĩ tuyến đầu đảm bảo sức khỏe, yên tâm chống dịch, không cần đóng bỉm mà vẫn an toàn.