Cắt ở cột, mắc sang cây
Sau gần 3 tháng thực hiện thanh thải dây cáp đi nổi trên địa bàn thành phố Hà Nội, thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị 2014”, trong đợt 1, thành phố đã thanh thải được 23 tuyến; đợt 2 được 17 tuyến; đợt 3 sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 29/9 đến 31/12 với tổng số khoảng 50 tuyến phố.
Trong quá trình thực hiện, việc thanh thải đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân, các đơn vị liên quan, tuy nhiên nhiều tuyến phố vẫn mất mỹ quan. Ông Nguyễn Tiến Sĩ, Trưởng phòng Bưu chính - Viễn Thông (Sở TT&TT) nhận định, vẫn còn những tồn tại sau 2 đợt thanh thải như: Dây cáp bó gọn chưa đẹp, cột đèn chiếu sáng còn treo nhiều hộp kỹ thuật thấp hơn so với quy định, xảy ra một số hiện tượng cắt nhầm đường dây cáp của các đơn vị quốc phòng, an ninh gây gián đoạn thông tin liên lạc.
Ông Sĩ cho biết thêm, một số tuyến phố như Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc, Đào Duy Anh... đã tiến hành thanh thải nhưng hiện trạng vẫn như chưa làm, mất mỹ quan.
Đánh giá về thực trạng dây cáp trên địa bàn quận Ba Đình, ông Nguyễn Huy Toản, Phó phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình, cho biết: “31 tuyến phố thuộc quận đã được thanh thải nhưng thực tế trong các ngõ ngách đến giờ phút này, các đường dây hữu tuyến các nhà mạng đã bỏ, hiện vẫn ở trên cột, võng xuống, nhếch nhác và rất bẩn”.
Đồng tình với quan điểm của ông Toản, bà Bùi Ngọc Diệp, Phó phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy kiến nghị: “Phải đặt vấn đề sau khi thanh thải rồi, phải làm thế nào để các đơn vị mắc lại cho đúng quy định không rất mất công sức, tiền của. Nhiều nơi trên địa bàn cáp cứ bị cắt là mắc lại luôn. Ở quận Cầu Giấy, không cột đèn thì mắc lên cây, nhiều cây hiện nay bị “thắt cổ” khủng khiếp”.
Quyết không đánh trống bỏ dùi
“Dường như các đơn vị viễn thông chưa có khái niệm xin cấp phép. Cứ bị cắt là mắc lại luôn. Ở quận Cầu Giấy, không cột đèn thì mắc lên cây, nhiều cây hiện nay bị thắt cổ khủng khiếp”.
Bà Bùi Ngọc Diệp,
Phó phòng Quản lý
đô thị quận Cầu Giấy
Tại Hội nghị triển khai công tác thanh thải, sắp xếp các đường dây, cáp nổi mới đây, các doanh nghiệp viễn thông đã trao đổi thẳng thắn với các cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ những vướng mắc trước khi triển khai việc dọn “rác trời” trong đợt 3.
Ông Đinh Tuấn Trung, PGĐ miền Bắc Công ty Cổ phần hạ tầng viễn thông CMC cho biết: “Theo kế hoạch, cáp của CMC sẽ được kéo trước, cắt sau, nhưng khi ra hiện trường lại ngược lại, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp cũng như quyền lợi của khách hàng”.
Ông Trung còn cho biết, đơn vị đang đứng trước nguy cơ bị một công ty chứng khoán kiện do bị thiệt hại giao dịch 2 ngày lên tới 500 tỷ đồng. Đại diện của Viettel cũng nêu thêm một số ảnh hưởng của việc cắt nhầm dây cáp, thực hiện không theo quy hoạch... đối với các khách hàng là doanh nghiệp, cơ quan đơn vị nhà nước. Các đơn vị viễn thông kiến nghị với Sở TT&TT cho giãn bớt thời gian thực hiện việc thanh thải để các đơn vị này chuẩn bị kỹ càng hơn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc Sở TT&TT không đồng ý với kiến nghị của các doanh nghiệp viễn thông. Theo ông Quang, Sở TT&TT, Điện lực, Công ty chiếu sáng sẽ có kế hoạch cụ thể cho giai đoạn 3, đối với từng tuyến phố sẽ xây dựng phương án tổ chức tại khu vực để đảm bảo tiến độ. Lãnh đạo Sở TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp sắp xếp thời gian, nhân lực tập trung cùng thành phố dọn “rác trời”, đảm bảo mỹ quan đô thị.
“Việc thanh thải, sắp xếp đường dây cáp nổi là chủ trương đúng, có kế hoạch cụ thể, khoa học. Các doanh nghiệp viễn thông cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để có phương án thực hiện tối ưu nhất. Về việc cấp phép mắc lại dây, tránh đánh trống bỏ dùi, thiếu thì cấp thêm, nếu đủ số lượng cáp thì kiên quyết không cấp phép nữa” – ông Quang nói.