Đối phó 20 điểm nguy cơ úng ngập

TP - Các kịch bản, phương án chống ngập cho Hà Nội được đưa ra để sẵn sàng đối phó tình huống xấu nhất khi mà thời tiết năm nay được dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, dễ gây ngập úng.

> Hà Nội còn trên 20 điểm úng ngập

Ngập lụt trong mùa mưa tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Tú.

Trên 20 điểm có khả năng ngập

Theo ông Lưu Văn Hải, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT, năm nay Trạm bơm Yên Sở vận hành với công suất 90m3/s, 18 trạm bơm cục bộ sẵn sàng hoạt động 24/24h theo công suất thiết kế, nên với những trận mưa hơn 50mm, các trục chính của thành phố cơ bản không có điểm úng ngập. Tuy nhiên, với những trận mưa lớn hơn 100 mm, trên một số tuyến phố nội đô, có khoảng 21 điểm có khả năng bị úng ngập.

Đại diện Cty Thoát nước Hà Nội cho rằng,hầu hết điểm dự báo úng ngập thuộc dự án thoát nước giai đoạn II đang được triển khai và số còn lại chưa triển khai được, vì vướng giải phóng mặt bằng.

“Hệ thống sông, kênh mương, cống thoát nước của thành phố dù được cải tạo, trong đó một số hạng mục thuộc dự án thoát nước giai đoạn II hoàn thành đã phát huy hiệu quả, nhưng nỗi lo về tình trạng úng ngập vẫn thường trực.

Việc nội thành mở rộng, tốc độ đô thị hoá tăng nhanh, nhưng việc khớp nối hạ tầng kỹ thuật của các dự án đô thị mới với khu vực lân cận còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ không đảm bảo khả năng tiêu thoát nước mưa”- đại diện Cty Thoát nước Hà Nội nói.

Ngổn ngang dự án thoát nước

Ông Hải cho biết, mục tiêu thoát nước cho khu vực nội thành năm nay là đảm bảo thoát nước nhanh với các trận mưa có cường độ 310mm/2 ngày. Đồng thời, làm giảm các điểm úng ngập cục bộ cũng như thời gian bị úng ngập.

Tuy nhiên, giải pháp chống úng cho khu vực nội thành hiện có liên quan chặt chẽ việc vận hành Trạm bơm Yên Sở và hệ thống thủy lợi trên sông Nhuệ. Do vậy, khi xảy ra ngập úng, cần kịp thời trong vận hành tiêu úng đối với cụm công trình đầu mối Yên Sở.

Theo ông Nguyễn Lê, Tổng giám đốc Cty Thoát nước Hà Nội, phương án thoát nước mùa mưa và phòng chống úng ngập khu vực nội thành năm nay nhằm đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu, giảm thiểu mức độ úng ngập đô thị.

“Ngoài việc vận hành an toàn, hiệu quả Trạm bơm Yên Sở, sẽ khai thác tối đa các công trình như đập Thanh Liệt ra sông Nhuệ; cụm công trình đầu mối Yên Sở và các trạm bơm cục bộ khác”, ông Lê cho biết.

Cty Thoát nước Hà Nội đã lên các kịch bản các phương án thoát nước và chống ngập úng trong mùa mưa năm nay. Đối với lượng mưa dưới 50mm, sẽ sử dụng phương tiện cơ giới để thông tắc, bơm hút nước tại các khu vực có địa hình trũng.

Khi lượng mưa từ 50 đến 100mm (trong 24 giờ), sẽ vận hành tối đa công suất của Trạm bơm Yên Sở (90m3/s) và khả năng thoát nước của đập Thanh Liệt; vận hành tối đa công suất các trạm bơm khác (20m3/s) như Bắc Thăng Long - Vân Trì, Hầm Kim Liên, Cầu chui...; điều tiết các hồ điều hòa như hồ Thiền Quang, hồ Bảy Mẫu...

Đồng thời, đặt các tổ bơm di động để tiêu thoát trên các tuyến phố có khả năng bị úng ngập cao. Khi có lượng mưa trên 100mm, ngoài các biện pháp trên, buộc phải tính đến việc phá dỡ toàn bộ đập chắn, đập dẫn dòng trên hệ thống thoát nước.

Tuy nhiên, điều mà dư luận lo ngại nhất là tình trạng số công trình, dự án đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước thi công chậm. Với dự án thoát nước giai đoạn II (tổng mức đầu tư khoảng 6.314 tỷ đồng) gồm 13 gói thầu xây lắp, nhiều gói thầu quan trọng vẫn vướng giải phóng mặt bằng.

Mưa chuyển mùa, ngập úng cục bộ

Theo Cty thoát nước Hà Nội, trận mưa chuyển mùa ngày 7-5 làm ngập úng cục bộ. Cụ thể, do cường độ mưa tập trung trong thời gian ngắn nên trên địa bàn TP xảy ra một số vị trí ứ đọng nước với độ sâu từ 0,1m đến 0,15m. Cty đã tổ chức ứng trực tại hiện trường khơi thông dòng chảy.

Theo Báo giấy