Dọc đường cứu trợ: Vòng xám Trà Leng

TP - Trên tay cô gái người Ca Dong là Nguyễn Thị Hiền đeo 5 chiếc vòng kiềng. Tôi chạm nhẹ vào chiếc vòng, ngồi nghe cô kể chuyện về thời rừng núi sâu thẳm, niềm tin phép màu, tìm góc nhìn mới về vụ sạt núi ở thôn 1, xã Trà Leng. Phải chăng, đó là cú rùng mình của núi?
Chị Hiền với những chiếc vòng mà theo chị báo hiệu định mệnh Ảnh: Văn Chương

VÒNG SỐ KIẾP

 Mờ sáng ở Trà Leng, từ ngôi nhà nằm đầu xóm nhìn ra sông Leng là màu tím biếc của sương núi. Ngồi trong bếp lửa un khói nấu bữa cơm sáng phục vụ bộ đội biên phòng đi tìm kiếm người mất tích, cô gái người Ca Dong Nguyễn Thị Hiền nói tiếng Kinh khá sõi. Tôi đẩy thêm củi vào bếp lửa đang un khói, mắt không rời 5 chiếc vòng đeo trên tay của cô rồi tự hỏi “liệu trong số đó có chiếc vòng nào chứa đựng phép màu của người miền núi, vốn được người miền xuôi thường xuyên đồn thổi bằng nhiều câu chuyện mang màu sắc huyền bí?”.

Cô gái Ca Dong sinh năm 1979 có đôi mắt to, ánh nhìn trong như suối Núp Branh, nhưng chiều sâu tâm tư thì cuồn cuộn những ký ức. Vì cô sinh ra ở núi cách đây 40 năm - thời điểm Trà Leng là một nơi xa thăm thẳm, không có đường cho xe đi, không có điện thắp, không có trạm y tế. Mẹ cô, bà Nguyễn Thị Hồng sinh con dưới một ngôi nhà rách nát nằm bên khe núi. Sinh con xong bà cũng qua đời. Ông Nguyễn Văn Xu, bố cô vừa khóc, vừa đọc những câu xé lòng mà người Ca Dong hay gởi cho người đã khuất: “cô lan lê bây” (người sao lại bỏ tôi ra đi…).

Năm chiếc vòng trên tay cô, bao gồm: một vòng bạc màu trắng, một chiếc màu vàng và 3 chuỗi hạt. Ngồi bên cạnh khá lâu và đặt nhiều câu hỏi, cuối cùng, cô cho biết, chiếc vòng màu vàng là của bà nội (Hồ Thị Xếp) gởi cho thầy làm phép rồi trao cho cô, sau đó bà nội qua đời. “Chiếc vòng giống như thần hộ mạng, khi người em mệt mỏi và không vui thì chiếc vòng này hơi ngả sang màu xám, mà từ hồi giờ nó đã như vậy”, cô nói khẽ. 

Chiếc vòng này đã ngả sang màu xám từ ngày xảy ra đại họa ở Trà Leng khiến 9 người chết, 13 người mất tích. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, đó là vào trưa ngày 28/10, phía sau nhà cô bỗng phát ra tiếng “ùm” như một tảng đá lớn ném xuống sông. Tiếp theo, bên hông nhà phát ra âm thanh đùng đùng như mưa đá dội xuống sườn núi. Cô la lên gọi người em gái ra khỏi nhà. Khi âm thanh ghê sợ đã yên ắng, cô mới nhận ra cây chò đại thụ ngã vắt ngang suối và đất núi đè lên nhà bếp. 

Lúc đó vào khoảng mấy giờ? Tôi gặng hỏi và giật mình khi chợt nhận ra, sự kiện xảy ra gần như đồng thời với vụ sạt núi ở thôn 1 xã Trà Leng, trong khi 2 dãy núi này hoàn toàn khác nhau, nằm cách nhau 1 con sông? 

NHÀ RUNG, CÂY ĐỔ

 Ngày 1/11, tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với các địa phương về công tác phòng chống bão số 9 và việc tổ chức tìm kiếm cứu nạn. Nhưng câu hỏi lớn nhất vẫn xoay quanh nội dung “vì sao sạt lở núi hàng loạt?” Bộ Trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định “lượng mưa quá nhiều, một năm bằng 2 năm gộp lại”. Nhưng những gì mà cô gái Ca Dong đã chỉ cho tôi thì nguyên nhân giống như dãy núi “rùng mình”. 

Trong cơn mưa nặng hạt và tiếng nước réo dưới chân cầu treo, tôi đi theo hướng mà cô gái này chỉ, ngược vào xã Trà Leng, dọc theo dãy núi Xê Đôi. Giờ bản đồ xã Trà Leng, tỷ lệ 1/12.500, phía phải đường là những ngọn núi cao 409, 711, 829 mét. Từ đây vượt qua bên kia sông Leng là đến những dãy núi có độ cao 1.083, 475, 485 mét. 

Ông Lê Ngọc Hà, người đầu tiên tôi gặp trên cung đường này đang tá túc trong ngôi nhà sát điểm sạt lở. Ngôi nhà của ông Hà chính là vị trí rất gần tiếng nổ vào chiều ngày 28/10, cách thôn 1 khoảng 4 km. Ông Hà chỉ vào khe suối cho biết “trước đây thậm chí là không có tên, có khi gọi là suối Bò, nhưng buổi chiều hôm đó nó vỡ tung ra, nhà rung lên, tiếng nổ như bom”. Ông Hà nói về vụ sạt lở núi ở Trà Leng là hết sức kỳ lạ “cùng một giờ với vụ sập núi ở thôn 1. Trước khi suối Bò toác ra thì trong núi phát ra tiếng nổ ì ầm như bom, nghe kinh lắm, ai cũng sợ. Ở trên nhà cô Hiền nằm bên kia sông cũng xảy ra cùng lúc, trong chiều đó luôn”.

Từ nhà ông Hà xuống khu vực nhà anh Hồ Văn Phú, cách gần 2 km, sự việc cũng xảy ra đồng loạt. Gần nhà anh Phú có một dòng suối nhỏ, nhiều lúc kiệt nước nên gọi là suối Đá. Nhưng buổi chiều định mệnh đó, dòng suối tự dưng bung ra, đất đá tuôn âm ầm xuống mặt đường rồi trút xuống tận lòng sông Leng.

Ông Hà là cán bộ đảng viên, ông cho biết: “Núi rung, rung nhà, hay là động đất?”, ông Hà đưa ra giả thuyết hoàn toàn khác với những nhà nghiên cứu ở Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản: “Gió bão lay cây quá mạnh, nước mưa xăm xuống đất, từ đó từng mảng  núi bửa ra, trôi xuống làng, cuốn theo cây cổ thụ”.

MONG CÚ KÊU

 Không ai thích nghe tiếng cú kêu. Âm thanh của cú gợi lên sự liên tưởng rờn rợn về điềm xấu - trong làng sẽ có người chết. Vậy nhưng, vào những ngày 3 và 4/11, những người trong đoàn tìm kiếm 13 nạn nhân mất tích ở Trà Leng luôn ngóng tiếng cú. Nơi nào cú kêu thì nơi đó có thi thể của người nằm mắc kẹt trong bụi rậm bên bờ sông. Chị Hiền ngồi gạt thêm củi vào bếp lửa đang un khói mù mịt trong buổi sáng sương lạnh và nói về chuyện cú. Trong số 14 người mất tích (tìm được 1 người vào trưa ngày 4/11) thì ông Lê Quang Việt, Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng là người họ hàng thân thích. 

Ông Hà tại điểm phát ra tiếng nổ và đất, đá tuôn xuống cùng thời điểm với thảm họa Trà Leng Ảnh: Văn Chương

Hiền mang ra 3 tấm ảnh và kể về đám cưới cho con trai cách đây 2 năm. Người mẹ duyên phận dở dang nên phải nhờ anh em đứng ra đại diện. Người đàn ông trong tấm ảnh cưới thay cho cha của chú rể chính là ông Lê Quang Việt, Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng, người đã mất tích trong vụ sạt lở núi vào chiều ngày 28/10. Hiền đưa tay vuốt mắt chỉ vào tấm ảnh cưới nói giọng buồn rầu “dượng Việt, bé Thắm mất tích, còn vợ dượng Việt là chị Bông và bé Thúy thì chạy thoát”. 
Những tin bão dồn dập ập đến, tôi lại đánh mắt nhìn chiếc vòng đeo trên tay của người con gái Ca Dong và có cảm giác, màu của chiếc vòng trở nên xám xịt, giống như tiếng thở dài của chị Hiền khi nói đến việc “mưa quá thì phải tạm dừng tìm kiếm, mà tạm dừng thì sau này sẽ khó kiếm người hơn”.

Tôi phóng xe máy rời bản làng hun hút giữa trời mưa tuôn, đi mãi. Tiếng người con gái Ca Dong và nhiều đồng bào vẫn văng vẳng bên tai tôi “bà con ở đây khóc người mất thường kèm theo lời gọi “no tước ô bây, có nghĩa là người anh em hãy trở về, hãy chỉ cho tôi chỗ để tìm kiếm”.