Ông Ngô Văn Nguyên, một người dân Liên Chung cho biết: Theo nhiều cụ, từ thời phong kiến đã xuất hiện những cuộc hát ví, hát ống bên gốc đa Nhã Nam của thợ cày, thợ cấy Liên Chung vê gặt thuê cho địa chủ. Có canh hát kéo cả ngày trời, có khi hàng tuần trăng. Trong khởi nghĩa Yên Thế có nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, có cả hát ví. Nghe nói Cả Trọng (con của Hoàng Hoa Thám) là một trong những người hát ví hay nhất nghĩa quân đất hùm thiêng.
Bà Nguyễn Thị Nga (thôn Hậu, xã Liên Chung), 73 tuổi cho biết: Ở Liên Chung, hát ống, hát ví vẫn diễn ra trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, các tiểu phẩm kịch, hoạt cảnh dân ca do người dân tự biên tự diễn hay qua lời ru của bà hát cho cháu nghe. Trong các buổi đi cấy đi cày, làm cỏ, tát nước… nông dân hát đối đáp thông qua các câu ví và gọi hình thức hát này một cách mộc mạc: hát cày, hát cấy, hát vơ cỏ…
Hát ống về bản chất vẫn là hát ví, thông qua chiếc ống bằng tre, nứa hoặc ống bịt bằng da ếch, nối với nhau bởi sợi tơ. Âm thanh truyền qua ống đến với người nghe. Trong hát ống, hát ví cũng có đoạn tự thuật về hình thức hát này: Mong em hết đứng lại ngồi/Lòng anh trống vắng bồi hồi lẻ loi/Hôm nay gặp mặt đây rồi/Ống cầm em hát, trả lời anh đi.
Điểm đặc biệt nữa của hát ví, hát ống là ngôn từ phong phú và khả năng ứng biến linh hoạt của người hát cũng như sự sáng tạo trong lời bài hát. Những người tâm huyết với môn nghệ thuật này ở xã Liên Chung đã sưu tầm được hàng nghìn lời hát truyền lại và trong quá trình hát, người hát có thể tự sáng tác sao cho phù hợp với hoàn cảnh.
Những lời hát hay thường chứa đựng sự hóm hỉnh, thông minh, tình cảm và thái độ trân trọng với người hát đối. Những địa danh của xã Liên Chung như làng Hậu, xóm Trong, xóm Giữa, đình Vường, thôn Liên Bộ… được đưa vào thật tự nhiên: Hỡi cô thắt cái bao xanh/Có về làng Hậu với anh thì về/Làng Hậu có gốc cây đề/Có sông tắm mát, có nghề làm ăn… Đình Vường mở hội nay mai/Có thương có nhớ thì ai hãy về.
Hát ví ở Liên Chung cũng có ba hình thức là ví lẻ, ví vặt và ví cuộc. Ví lẻ, ví vặt có thể hát bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu với đề tài có thể là bất cứ cái gì, vấn đề gì mà người hát quan tâm. Địa điểm hát ví vặt và ví lẻ thường gắn với thiên nhiên và đời sống thường nhật. Ví cuộc thường được hát trong các lễ hội với ba giai đoạn: hát chào hỏi, hát giao duyên, nguyện ước và hát tiễn dặn.
Ông Dương Minh Hiểu, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Chung cho biết: “Nhằm gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này, xã đã thành lập Câu lạc bộ hát ống, hát ví đầu tiên với 31 hội viên. Khó khăn là hình thức nghệ thuật này đã mai một khá lâu, nghệ nhân tâm huyết không còn nhiều. Chúng tôi đang tính đến việc đưa hát ví, hát ống vào các trường học trong xã để giới thiệu cho thế hệ trẻ”.