Độc chiêu làng Đồng

TP - Tổng Giám đốc Cty Mỹ thuật Trung ương Nguyễn Minh Vũ nói, nếu cậu quan tâm đến nghề này, tôi sẽ giới thiệu một nhân vật được gọi là “Quái chiêu du kích” của nghề đúc đồng - người đã làm ra bức tượng Lê Thánh Tông trên núi Bài Thơ.
Mạnh du kích (đứng) và các nghệ sỹ đang tạo mẫu trước khi đúc. Ảnh: Minh Hiếu

Tháng trước, dự lễ khánh thành Công trình văn hóa Núi Bài Thơ - Quảng Ninh, thấy tôi cứ ngẩn ngơ trước bức tượng Lê Thánh Tông sừng sững như có ngàn sức mạnh huyền bí, Tổng Giám đốc Cty Mỹ thuật Trung ương Nguyễn Minh Vũ nói, nếu cậu quan tâm đến nghề này, tôi sẽ giới thiệu một nhân vật được gọi là “Quái chiêu du kích” của nghề đúc đồng - người đã làm ra những bức tượng này.

Làm mới nghề cũ

Theo sử sách của làng Vạn Điểm, Ý Yên, Nam Định (nay gọi là Khu A, thị trấn Lâm, Ý Yên) ghi lại, nghề đúc đồng của làng này tính đến nay đã được mấy trăm năm và có gốc gác từ Thanh Hóa - mở đầu câu chuyện anh Mạnh kể: Nhà tôi cũng 3 đời làm nghề này rồi. Trước kia, các cụ chỉ đúc nồi niêu xoong chảo là chính. Nay thì đủ loại. Ngày trước, tôi cũng không định nối nghề bố tôi đâu. Tôi cũng bôn ba làm đủ nghề. Khi tiếp xúc với những sản phẩm từ nghề đúc đồng được nhập từ nước ngoài về, máu nghề trỗi dậy và tôi lại về làng bắt đầu mày mò để làm ra những sản phẩm mới.

Năm nay 52 xuân sang rồi, cũng mấy mươi năm bươn chải với nghề, tôi thấy vui vì mình là những người đầu tiên phát triển nghề của cha ông lên một nấc thang mới với đủ loại sản phẩm. Đến giờ có thể tự hào rằng, những công trình đúc lớn ngoài Bắc này đều có dính dáng đến đôi bàn tay của anh em làng tôi!

Mạnh du kích bên bộ Đỉnh “Bát tiên quá hải”

Khi hỏi về bí quyết của nghề, anh Mạnh chia sẻ: Nói ra có thể có người cho là sáo, nhưng tất cả chỉ gói gọn trong chữ Tâm. Tất nhiên, chúng tôi không thể hít khí trời mà sống được, nhưng những người sống được với nghề đều phải đặt chữ Tâm lên trên. Nghề đúc đồng càng thế. Vì thế ở đây có chuyện người học nghề chỉ sau 1 năm là làm được, nhưng cũng có người làm hơn chục năm cũng không thể thành nghề. Nghề đúc phần lớn sản phẩm có ý nghĩa tâm linh nên càng đòi hỏi chữ Tâm phải sáng.

Mọi người thường gọi tôi là Mạnh du kích vì tôi không thích ầm ĩ, không thích khoa trương, lặng lẽ âm thầm làm việc. Có lẽ đây là lần đầu tiên và chắc cũng là cuối cùng tôi lên báo.

Anh Mạnh nói

Trong mạch mặn, anh tâm sự nhiều chuyện nghề, chuyện đời. Anh kể: Tôi tham gia đúc rất nhiều tượng như Anh hùng Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, Kiếp Bạc, Tượng Trần Hưng Đạo ở Quảng Ninh, Ngô Gia Tự ở Bắc Giang… có pho nặng đến vài chục tấn. Nhưng có lẽ nhớ nhất là lần đúc tượng Mẹ Âu Cơ và Vua Hùng tại Đền Hùng, Phú Thọ. Lần đó, tôi nhận làm cho Cty Mỹ thuật Việt Nam. Khi giao tượng thạch cao (mẫu để làm tượng đồng - PV), anh Vũ, Tổng GĐ Cty Mỹ thuật Trung ương nói: Lần này chú cố gắng hết sức vì đây là bức tượng của tổ tiên người Việt mình. 

Từ lúc nhận mẫu thạch cao về, gần 2 tháng trời hầu như tôi ăn ngủ với hơn chục anh em tham gia tạo mẫu. Nhiều đêm mọi người về hết rồi, tôi vẫn ngồi tại xưởng, đọc đi đọc lại tất cả những gì có liên quan đến Vua Hùng. Cả lúc đã ngủ tôi vẫn luôn mơ màng về vóc dáng, thần thái của vị Vua đầu tiên của nước Đại Việt.

Rồi ngày đúc cũng đến, lần này công việc được thực hiện ngay tại Đền Hùng. Tôi nhớ sáng đó, trời đầy mây với những dải dài, trắng xóa đỉnh đồi, gió nhẹ. Mây như vờn vũ quanh những quả đồi tạo ra không gian mờ ảo. Lần đó, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và nhiều vị quan khách khác cùng dự. Dân thập phương cả ngàn người đứng vòng trong, vòng ngoài. Làm tượng cũng nhiều, nhưng tôi chưa từng chứng kiến người dân cúng tiến vàng, bạc nhiều đến thế trong quá trình đúc tượng.

Tổng cộng phải đến 3 khay vàng bạc được người dân gửi vào trong quá trình đúc. Sau này khi hoàn thành tôi nhớ lại cảm giác lúc đó như đi trên mây, thăng hoa kỳ lạ. Xong công trình, sút hơn chục ký. Nhiều người khi đến chiêm bái Đền Hùng rất khen thần thái của bức tượng! Có lẽ đó là phần thưởng vô giá của những người làm nghề như tôi - anh Mạnh hồ hởi. 

Mạnh du kích (đứng) và các nghệ sỹ đang tạo mẫu trước khi đúc. Ảnh: Minh Hiếu

Được biết anh và nhóm thợ cũng đã nhiều lần nhận hàng của khách nước ngoài phổ biến là người Nhật và Trung Quốc.

Theo anh Mạnh thì hiện trong làng rất đông người học theo nghề. Làng có đến mấy chục lò lớn nhỏ. Với những người cần mẫn thì nghề vẫn nuôi sống được họ. Riêng gia đình anh, 3 con đều đang học đại học. Anh bảo, tôi luôn tâm niệm một điều, mình nuôi dạy thành người tử tế là được rồi, còn chúng làm gì thì đó là quyền của chúng.

Dịp cận Tết làng nhộn nhịp hẳn. khách hàng hay về đây mua đồ thờ cúng hoặc đồ cúng tiến vào đền chùa như lư đồng, bát hương, tam sự, ngũ sự, chuông, cồng, chiêng… Anh Mạnh phấn chấn hẳn khi thông tin: Gần đây, rất nhiều người hỏi mua tượng Bác Hồ, bác Giáp về bày. Người trong nghề nói thật với anh, tượng bác Giáp làm rất khó. Khó nhất là chuyển được cái thần thái của bác vào tượng là cả một nghệ thuật!

Hô thần nhập tượng

Để có một bức tượng thờ trải qua rất nhiều công đoạn. Những người làm nghề đúc chỉ tạo ra được hình hài, thần thế bên ngoài. Còn một việc rất quan trọng nữa đó là lễ nhập thần cho tượng thì các nhà sư trụ trì. Anh Mạnh luôn theo đuổi một nguyên tắc là sẽ làm hết sức phần công việc của mình, còn phần việc người khác hãy để người khác làm. Có lẽ mấy mươi năm theo nghề, chỉ duy nhất một lần anh tham gia buổi “Hô thần nhập tượng”.

Đó là lần tôi tham gia chỉ huy đúc tượng Nguyễn Minh Không - ông tổ của nghề Đúc đồng tại chùa Keo - Nam Định. Lần đó, sau khi cùng đoàn thợ hoàn thành công việc của mình, tôi ở lại để tham gia buổi lễ. Có lẽ các anh không biết, mỗi một ông tượng đúc ra đều có một cái lỗ bí mật trên người và được gọi là chỗ Yểm tâm. Thông thường chỗ đó ở phía sau.

Buổi lễ hôm đó bắt đầu từ chập tối cho tới quá nửa đêm. Có rất nhiều các nghi lễ được các nhà sư thực hiện tôi không sao nhớ nổi. Tôi chỉ nhớ kết thúc là việc thực hiện nghi lễ Yểm tâm. Các nhà sư cho vàng, bạc nhiều ít theo quy định vào chỗ yểm tâm. Thứ quan trọng nhất đặt vào chỗ Yểm tâm mà tôi được biết đó là Bài vị về nhân vật bức tượng đó. Kết thúc buổi lễ bao giờ cũng có một thợ đúc để khóa chặt chỗ đó vào, không được để lại dấu vết - Anh Mạnh hồi nhớ.

Trong trường hợp bức tượng đó bị hư hỏng hoặc không thể dùng được nữa phải bỏ đi thì nhất thiết phải có một buổi lễ giải yểm tâm và phải lấy hết những gì đã cho vào đó, đặc biệt là bài vị, sau đó mới được phá bức tượng - Anh Mạnh hồi nhớ.

…Làng nghề cuối giờ chiều với cái nắng vàng nhạt hòa với âm thanh kim loại từ mấy trăm con người đang mải mê công việc phát ra từ các lò đúc nằm xem kẽ giữa những ngôi nhà khang trang... Tất cả đang miệt mài, đam mê như những nghệ sĩ chú mục vào những tác phẩm nghệ thuật của mình để kịp góp thêm hơi ấm, đậm thêm tiếng chuông quyện lời khẩn cầu Ai di đà phật trong những ngày đón Xuân.

Nhiều đêm mọi người về hết rồi, tôi vẫn ngồi tại xưởng, đọc đi đọc lại tất cả những gì có liên quan đến Vua Hùng. Cả lúc đã ngủ tôi vẫn luôn mơ màng về vóc dáng, thần thái của vị Vua đầu tiên của nước Đại Việt.