Doanh nghiệp kiến nghị gì với Thủ tướng tại 'Hội nghị Diên Hồng'?

TPO - Giúp doanh nghiệp (DN) tự đứng vững trên đôi chân mình, không ỷ lại, tận dụng các luồng dịch chuyển của thế giới; xem xét tiếp tục cắt giảm thuế, phí hỗ trợ DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp, điều chỉnh lãi suất huy động để ngân hàng có vốn rẻ… là những kiến nghị, chia sẻ của cộng đồng DN tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến hôm nay (9/5).
Thủ tướng chào các đại biểu sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến với cộng động doanh nghiệp sáng 9/5 (Ảnh: Phạm Anh)

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC):

Cần để trần lãi suất tiền gửi khoảng 5%/năm

Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Hồng Anh mong muốn Chính phủ có những quyết sách để người dân, doanh nghiệp và doanh nhân cũng phải "ồ" lên thán phục như công cuộc chống dịch COVID-19.

Theo đó, về trần lãi suất huy động, ông Hồng Anh cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo như giãn nợ, giảm lãi trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, vấn đề căn cơ nhất là giá vốn của các ngân hàng. “Khi giá vốn đầu vào cao thì không thể nào cho vay với lãi suất thấp”, ông Hồng Anh nói.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh

Bởi, hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đã có trần lãi suất tiền gửi 6 tháng là 4,75%, nhưng các ngân hàng vì cần cạnh tranh huy động vốn nên lãi suất huy động trên một năm cũng rất cao.

Do đó, ông Hồng Anh đề nghị cần có trần lãi suất dài hạn tiền gửi trên một năm khoảng 5%, và lũy tiến 0,5% thêm một năm nữa, để các ngân hàng có nguồn vốn giá rẻ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Với truyền thống văn hóa của người dân Việt Nam là tương thân tương ái, ông Hồng Anh đề nghị có những chính sách khuyến khích tinh thần đó. “Nếu người dân không gửi tiền cũng có thể đầu tư qua các kênh khác như bất động sản, chứng khoán, thương mại dịch vụ”, ông Hồng Anh nói.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng kiến nghị, để hỗ trợ cho DN khởi nghiệp, vì họ rất khó khăn trong thời điểm hiện nay, nên khuyến khích miễn thuế thu nhập cho các DN hay cá nhân dùng khoản tiền đó đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ngoài ra, ngoại trừ nguồn vốn từ ngân hàng, ông Hồng Anh cũng đề nghị Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán có những chính sách khuyến khích các thị trường vốn, hỗ trợ cho các công ty chứng khoán và khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết.

Ngoài ra, ông Hồng Anh cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần có đường dây nóng. Đây là nơi để các DN có thể phản ánh những bất cập, sự chậm trễ của các bộ phận liên quan đến hồ sơ, thủ tục của DN.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải sống chung từng phần với dịch COVID-19, do vậy, Chính phủ cũng cần có các kịch bản linh hoạt, đặc biệt là có thể nơi và mở cửa trở lại các hoạt động giao thương với những thị trường, quốc gia kiểm soát dịch tốt, tỷ lệ rủi ro thấp.

Tỷ phú Trần Bá Dương: Hỗ trợ để doanh nghiệp tự đứng trên đôi chân mình

Tại hội nghị với Thủ tướng ngày 9/5, tỷ phú Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco cho biết, trong 4 tháng đầu năm, doanh thu của Thaco đạt 11.500 tỷ đồng, nộp ngân sách 3.046 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ.

Tỷ lệ công nhân nghỉ việc ở Thaco trong đợt cách ly vừa rồi khoảng 27% và hiện công nhân đi làm trở lại bình thường. Dự đoán thị trường giảm sức mua khoảng 25% trong những tháng còn lại của năm 2020, Thaco cam kết nộp ngân sách 12.000 tỷ đồng, giảm 15% so với năm ngoái.

Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương

Theo ông Dương, thời điểm khó khăn như dịch COVID-19, Chính phủ hỗ trợ cho nhiều đối tượng, từ người nghèo, người yếu thế trong xã hội, cho đến các các doanh nghiệp. Nhưng cần tập trung ưu tiên doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhiều nhất, như hộ cá thể, DN nhỏ, DN khởi nghiệp.

“Doanh nghiệp khi lời khi lỗ, khi thành công khi thất bại. Do đó, các biện pháp can thiệp của Chính phủ cần hài hòa giữa giải quyết khó khăn trước mắt với những nguyên tắc của thị trường, để vừa giúp DN vượt qua khó khăn vừa khuyến khích tinh thần đổi mới để tạo ra môi trường kinh doanh, minh bạch công bằng…

Chia sẻ với cộng đồng DN, ông Dương cho rằng, hỗ trợ để DN tự đứng trên đôi chân của mình, chứ không tạo ra tâm lý ỷ lại trông chờ”.

Dẫn ví dụ về điều hành giá thịt heo, ông Dương cho rằng giá thịt heo cao cũng là cơ hội khuyến khích phát triển bài bản cho ngành chăn nuôi, để thời gian tới Nhà nước không còn bận tâm giải cứu cho người làm chăn nuôi, có nguồn cung đầy đủ, thậm chí cơ hội cho ngành nuôi heo xuất khẩu.

Ông Dương cũng kiến nghị sớm nới lỏng giao thương với Lào, Campuchia - là các nước có nguy cơ dịch thấp, có thể ưu tiên cửa khẩu đường bộ sớm hơn, giúp hoạt động giao thương thuận lợi hơn của DN Việt Nam tại các nước bạn.

Để đón đầu dòng dịch chuyển toàn cầu, tại khu vực miền Trung, ông Dương kiến nghị, cần đầu tư để giảm chi phí logistics.

Theo ông Dương, từ trước đến nay, Thaco nhập linh kiện về, nhưng xuất trên 90% container rỗng về TPHCM hoặc ra Hải Phòng. Hàng xuất khẩu từ miền Trung thường phải đưa về TPHCM để xuất, nên giá thành vận chuyển cao cấp rưỡi so với hàng hóa ở hai đầu đất nước.

Thời gian qua, nỗ lực xuất khẩu linh kiện xe, hàng may mặc, đồ gỗ, nông sản của Hoàng Anh Gia Lai. Tháng 4, dù dịch, nhưng xuất khẩu nông sản vẫn đạt 1.000 container/tháng, cuối năm sẽ nâng lên 1.500 container và sang năm sẽ lên 2.000 container.

Với việc đẩy mạnh giao thương thời gian qua, dự kiến đến cuối năm nay, chi phí logistics tại Chu Lai (Quảng Nam) sẽ giảm về bằng Hải Phòng và TPHCM.

Hai dự án có chủ trương đầu tư từ năm 2018 nhưng đến nay chưa triển khai là dự án luồng  tàu Cửa Lở để đón tàu 5 vạn tấn (vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng)  và quốc lộ 14 A nối cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi lên đường HCM đang xuống cấp, hẹp (vốn đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng).

Do tính cấp thiết hai dự án, cùng với sự đón đầu, giúp phát triển khu vực miền Trung, Tây Nguyên, cũng như Lào, Campuchia, Thaco xin chủ trương đầu tư, ứng vốn để thực hiện và cơ chế để thu hồi vốn đối với dự án này.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam:

Mở rộng nền kinh tế ban đêm

Theo ông Thân, việc Chính phủ sớm đẩy lùi cơ bản dịch COVID – 19 đã tạo được sức khỏe, và niềm tin cho cộng đồng DN nói riêng và người dân nói chung.  Thắng lợi trong cuộc chiến dịch bệnh, không chỉ đảm bảo tính mạng của con người mà còn tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng.

 Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam

Hiệp hội DN nhỏ và vừa đánh giá cao sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ với những gói hỗ trợ như an sinh xã hội, tài khóa, thuế… Đặc biệt, toàn hệ thống ngành ngân hàng hạ lãi suất, cơ cấu lại nợ, gia hạn thời gian trả nợ…để hỗ trợ DN với tổng giá trị tới 600 nghìn tỷ đồng.

Theo ông Thân, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, ngân hàng đã cấp vốn mới cho 354 nghìn khách hàng, với tổng giá trị 165 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nhu cầu vốn của DN rất lớn, do đó, cần tiếp tục tăng cường nguồn lực tài chính, đồng thời giảm bớt các thủ tục bảo lãnh cho vay…tạo điều kiện cho DN tiếp cận các gói vay.

Về giải ngân 700 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công, ông Thân đề xuất giảm một số tiêu chí trong Luật Đấu thầu, chia nhỏ dự án lớn để DN trong nước trong đó có DN nhỏ và vưa có thể tham gia đấu thầu, đồng thời cân nhắc giảm tỷ lệ vốn đối ứng từ 30-40% xuống còn 10-15%.

Ông Thân cũng cho rằng, trong bối cảnh này Chính phủ cần tập trung khai thác thị trường nội địa với tinh thần người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tập trung phát triển các dịch vụ du lịch, giải trí, đặc biệt là mở rộng kinh tế ban đêm.

Ông cũng đề xuất Chính phủ cắt giảm thuế cho DN nhỏ và vừa, cụ thể giảm VAT đến hết năm 2020, miễn trừ thuế thu nhập DN, cho phép DN nhỏ, siêu nhỏ và toàn bộ thuế môn bài cho các hộ kinh doanh.

Ông Thân cũng đề nghị Chính phủ đưa ra các biện pháp huy động nguồn lực tài chính nhàn rỗi ngắn hạn, dài hạn đang ở trong dân, phát hành trái phiếu nhiều hơn nữa, đa dạng hóa các kênh như ngoại tệ, vàng…sớm ban hành cơ chế thí điểm gói vay qua Fintech trong đó có hoạt động cho vay ngang hàng.

Trong bối cảnh, các tổng công ty, tập đoàn lớn nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển nóng từ Trung Quốc qua các quốc gia khác, Việt Nam có nhiều điểm thuận lợi để thu hút đầu tư, do đó Chính phủ cần có nhiều giải pháp vượt trội thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam. Ngoài ra, Chính phủ xử lý nghiêm các hành vi trục lợi đối với các chính sách hỗ trợ.

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Tập đoàn EVN: 

 Rà soát cơ sở lĩnh vực du lịch, y tế để giảm giá điện

Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong thời gian dịch bệnh nhu cầu điện giảm. Tuy nhiên, do hạn hán nên sản lượng chỉ đạt khoảng 11,6 triệu Kwh, giảm 36,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Chủ tịch Tập đoàn EVN Dương Quang Thành

 Do đó, Tập đoàn EVN đã huy động nguồn điện dầu 1,2 tỷ Kwh, tăng 2,5 lần so với năm 2019 để đảm bảo cung cấp đủ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.  Nhu cầu điện sản xuất, bình quân tuần đầu tháng 5 đã  tăng 15% so với tháng 4/2020.

Và chuẩn bị nhu cầu tăng cao hơn, cam kết đảm bảo đủ điện kể cả mở rộng sản xuất, đồng thời đảm bảo giải tỏa hết công suất điện mặt trời, cập nhật cân bằng nhu cầu điện, đủ điện 2021-2025.

Tập đoàn EVN đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các tỉnh chỉ đao các đơn vị điện lực tăng cường kiểm tra việc thực hiện chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện tiết kiệm điện.

Đề nghị các tỉnh phía Nam có tiềm năng về điện mặt trời khuyến khích phát triển điện mặt trời. Tập đoàn EVN cam kết lắp đặt miễn phí công tơ, cho các hộ dân, DN phát triển điện mặt trời.

Ba là, đề nghị ngành văn hóa, du lịch, y tế và các địa phương sớm xác định đối tượng cơ sơ lưu trú du lịch để tập đoàn giảm giá điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Lê Tiến Trường, TGĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam:

Nỗ lực để công nhân dệt may có việc làm

Theo ông Lê Tiến Trường, trong những khó khăn của đợt dịch vừa qua, các DN đã chủ động, sáng tạo để liên kết lẫn nhau. Hai tài sản lớn nhất của ngành dệt may cần phải bảo vệ đó là lao động và vị trí của ngành dệt may ở VN trên toàn cầu. 

Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Lê Tiến Trường

Ông Trường cho rằng, ngành dệt may không lựa chọn phương án cho lao động nghỉ việc hàng loạt. Nếu lao động nghỉ việc, có hỗ trợ thì người lao động cũng sẽ đi tìm việc khác, khả năng mất lao động trên 50%, nếu khôi phục sẽ mất lao động sẽ rất cao. Do đó, DN sẽ chọn phương án có thể sản xuất mọi mặt hàng có thể duy trì nhân công, ưu tiên đủ chi phí trả lương cho nhân viên đễ giữ lao động. 

Đối với chuỗi cung ứng, ông Trường nhận định sau khi kết thúc khủng hoảng, cầu lên từ từ nên những vị trí tốt trong chuỗi cung ứng sẽ ưu tiên trước. Hiện nay, các DN dệt may chủ động tổ chức sản xuất nhanh các mặt hàng mà các thị trường cần như khẩu trang, bảo hộ y tế. 

Đối với những khó khăn của ngành dệt may, ông Trường cho rằng thời gian tới dịch có thể hết nhưng hành vi người tiêu dùng sẽ không biết biến chuyển ra sao và có thể nhu cầu sẽ không cao như trước.  Dự báo kim ngạch xuất khẩu có thể giảm mạnh.

Ông Trường kiến nghị 2 vấn đề, trong đó miễn bảo hiểm xã hội và công đoàn phí cho ngành dệt may từ tháng 5 đến hết 2020, đồng thời sớm có các văn bản hướng dẫn các thông tư để hưởng các các lợi thế từ EVFTA để các DN dệt may tận dụng.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, TGĐ Vietravel:

Giảm giá vé, chi phí để kích cầu du khách

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, việc Việt Nam sớm khống chế được dịch bệnh đang là cơ hội cho ngành du lịch. Thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh truyền thông là điểm dến an toàn cho du khách.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel

Ông Kỳ cho rằng, trước mắt cần tập trung vào thị trường trong nước, trong đó nghiên cứu đề xuất mở lại toàn bộ bay trong nước. Một số tỉnh có tiềm năng du lịch như Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa…có thể nghiên cứu giảm 50% chi phí danh lam, thắng cảnh.

Đối với thị trường quốc tế, ông Kỳ cho rằng cần có sự chọn lọc. Một số nước ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á hiện đang dần kiểm soát được dịch bệnh, có thể mở cửa đón khách du lịch.

Ông Kỳ cũng đề xuất, Chính phủ nghiên cứu xem xét cơ chế giảm phế VAT xuống 5% hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời cải cách thủ tục đối với các gói vay hỗ trợ cho DN, người lao động.