Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ bắt tay bàn cách nâng năng suất lao động

TPO - Theo đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong nước đã bắt đầu các chương trình cải tiến theo hướng quản trị tinh gọn nhưng vẫn còn rời rạc, thiếu đi tiếp cận tổng thể với một chiến lược nhất quán về cải tiến vận hành.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Phạm Minh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) và P&Q Solution sẽ tổ chức Hội nghị thường niên về phát triển năng suất chất lượng doanh nghiệp sản xuất (LEAN Summit 2022).

Theo ông Thắng, việc tham gia ‘Sáng kiến mạng lưới doanh nghiệp chuyển đổi LEAN’, giúp doanh nghiệp giảm sai lỗi trong quá trình sản xuất. Khi tham gia mạng lưới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp đi trước về tối ưu sản xuất và cùng nhau phát triển.

“Thay đổi quan trọng nhất khi tham gia mạng lưới là các doanh nghiệp sẽ thay đổi được cách tư duy của lãnh đạo và quy trình sản xuất hiện trường. Các doanh nghiệp sau khi tham gia sáng kiến LEAN - quản lý tinh gọn- đã sẵn sàng đương đầu với những thách thức và tận dụng các cơ hội trong năm 2023 khi tham gia quy trình sản xuất của các doanh nghiệp FDI”, ông Thắng đánh giá.

Cũng theo Phó Chủ tịch VASI, 6 tháng năm 2023 dự báo tình hình sẽ rất khó khăn với hầu hết các doanh nghiệp khi chuỗi cung ứng vẫn chưa phục hồi, số đơn hàng trong một số lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sẽ suy giảm trong các tháng đầu năm. VASI sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong việc thực hiện chuyển đổi sản xuất, tham gia cạnh tranh với các nhà cung ứng trên toàn cầu thông qua các chương trình nâng cao năng suất lao động, quản lý tinh gọn sản xuất.

“Thay vì doanh nghiệp tự mình mày mò, khi tham gia mạng lưới LEAN, các doanh nghiệp sẽ được chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau cải tiến, cùng phát triển. Kết quả cho thấy, doanh nghiệp rút ngắn từ 2 đến 3 lần trong việc tự mày mò quy trình sản xuất”, ông Thắng cho hay.

Các doanh nghiệp tham gia Sáng kiến mạng lưới doanh nghiệp chuyển đổi LEAN’ của VASI đã có sự thay đổi đáng kể về hiệu quả hoạt động. Ảnh: Như Ý

Đánh gía về hiệu quả của việc áp dụng các quy chuẩn về sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia trong sản xuất thực tế của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng phòng sản xuất Công ty Công nghệ COSMOS - nhà cung ứng các linh, phụ kiện cho Honda và Toyota Việt Nam- cho biết việc chuyển đổi số cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tạo ra sự khác biệt rất lớn trong quá trình sản xuất và đây là việc không phải doanh nghiệp nào cũng có thể nhận ra và thực thi nếu không có sự quyết tâm và lộ trình chuyển đổi quyết liệt từ ban lãnh đạo.

Thực tế tại Công ty Công nghệ COSMOS, theo ông Linh, sau khi áp dụng quy trình sản xuất mới theo quy trình sản xuất của doanh nghiệp FDI, công ty đã tiết kiệm được khoản chi phí lên tới 46 tỷ đồng, một số tiền rất lớn so với chi phí đầu tư ban đầu bỏ ra để chuyển đổi mô hình sản xuất cũng như quy trình vận hành nhà máy.

Theo ông Linh, sự khác biệt thấy rõ trong quy trình sản xuất của doanh nghiệp đã mang lại sự thay đổi rất rõ trong toàn quy trình sản xuất của nhà máy nếu so sánh giữa các công ty truyền thống và các công ty tham gia mạng lưới chuyển đổi LEAN. Cụ thể, với các công ty sản xuất truyền thống, quy trình sẽ là sản xuất thử và kiểm tra rồi sau đó thực hiện việc khắc phục, sửa chữa trong quá trình tiếp theo. Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng sẽ dựa trên kinh nghiệm trước đó để ra các quyết định liên quan đến sản xuất đồng thời tập trung vào quản lý sản phẩm cuối cùng và báo cáo lên các cấp trên sau mỗi quy trình. Những bước này đòi hỏi nhiều quy trình, qua nhiều cấp phê duyệt và chủ yếu dựa trên các kinh nghiệm trước đó để thực hiện các việc sửa chữa, đi kèm rất nhiều thời gian triển khai.

Trong khi đó, với các doanh nghiệp tham gia mạng lưới chuyển đổi và áp dụng chuyển đổi số, các quy trình được rút gọn rất nhiều ngay từ khâu thiết kế với các quy trình về chống sai lỗi, phòng ngừa lỗi. Các quyết định sửa chữa cũng được thực hiện dựa trên kết quả phân tích số liệu chứ không phải dựa trên kinh nghiệm như ở các công ty truyền thống. Quy trình chuyển đổi mạng lưới lean cũng giúp doanh nghiệp tập trung và kiểm soát quá trình sản xuất, phân tích nguyên nhân bằng các công cụ thống kê đi kèm việc trao quyền, uỷ quyền theo từng mức để thực hiện.

"Trong quá trình triển khai, cũng rất nhiều lần làm sai, không đạt như mong muốn của lãnh đạo. Khi báo cáo lên các cấp trên, đội làm việc trực tiếp đều rất áp lực nhưng với quy trình chuyển đổi “LEAN, các cấp lãnh đạo luôn hướng đến việc hướng dẫn, khuyến khích nhân viên tăng năng suất, có nhiều cải tiến trong công việc. Việc chuyển đổi đã làm lợi cho doanh nghiệp rất nhiều về mặt năng suất lao động”, ông Linh cho hay.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, việc Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (Vasi) từ giữa năm 2022 đã hình thành và ra mắt “Sáng kiến mạng lưới doanh nghiệp chuyển đổi LEAN” nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là bước đi rất cần thiết trong việc giúp các doanh nghiệp tối ưu chi phí, tiếp cận từng bước chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp toàn cầu.

"Theo đại diện VASI, trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã bắt đầu các chương trình cải tiến theo hướng quản trị tinh gọn nhưng vẫn còn rời rạc, thiếu đi tiếp cận tổng thể với một chiến lược nhất quán về cải tiến vận hành hướng đến mục tiêu tăng năng suất hằng năm ở mức 2 con số.

“Mục đích của sáng kiến LEAN là hình thành một mạng lưới nhỏ, từ 7 đến 10 doanh nghiệp có năng lực chuyển đổi LEAN mạnh mẽ để đạt được tăng năng suất hằng năm ở mức 2 con số, phát triển năng lực quản trị, giúp doanh nghiệp có khả năng thích nghi và dẫn dắt thay đổi các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sản xuất”, đại diện VASI cho hay.