Dịp đối ngoại hiếm hoi của ngoại trưởng Triều Tiên

TP - Hội nghị ngoại giao của Đông Nam Á đã biến thành cuộc tranh luận đa phương đầu tiên trong 8 năm qua về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, khi nhà ngoại giao cấp cao nhất của Bình Nhưỡng tham dự hoạt động đối thoại hiếm có với những người đồng cấp từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga.

Chỉ có Mỹ và Nhật Bản là hai nước thành viên trong cơ chế đối thoại 6 bên về chương trình hạt nhân Triều Tiên (thất bại năm 2009) không có quan chức ngoại giao tham dự những cuộc thảo luận tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) trong tuần này với sự có mặt của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho. Nhưng Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson để ngỏ cánh cửa đàm phán khi nói tại cuộc họp báo hôm 7/8 tại Manila rằng, ông không có điều kiện tiên quyết cụ thể nào đối với chuyện đàm phán với Bình Nhưỡng.

“Ồ, tín hiệu tốt nhất mà Triều Tiên có thể gửi đến chúng ta về việc họ đã sẵn sàng đối thoại là họ sẽ dừng các vụ phóng tên lửa”, ông Tillerson nói. Nhưng khi được hỏi Triều Tiên sẽ phải dừng phóng tên lửa trong bao lâu trước khi đối thoại bắt đầu, ông Tillerson không nói rõ. “Chúng tôi sẽ biết khi chúng tôi thấy điều đó”, ông nói. “Chúng tôi sẽ không quy định cho ai đó số ngày hay số tuần cụ thể. Đây thực sự là tinh thần của những cuộc đối thoại”.

Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho (giữa) tại tiệc tối dành cho các quan chức tham dự hội nghị của ASEAN tại Manila hôm 6/8. Ảnh: NYT.

Cuối tuần qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua các biện pháp trừng phạt mới để Triều Tiên khó kiếm tiền hơn ở nước ngoài, bằng cách nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên như than, sắt, hải sản, đồng thời cắt đứt các nguồn thu nhập bổ sung bằng cách trừng phạt các ngân hàng, liên doanh với công ty nước ngoài. Ước tính, các biện pháp này có thể khiến Triều Tiên mất 1 tỷ USD mỗi năm, tương đương 1/3 nguồn thu từ nước ngoài. Trong tuyên bố được đưa ra qua phái đoàn thường trực tại LHQ hôm 7/8, Triều Tiên lên án các biện pháp trừng phạt này là sự “vi phạm chủ quyền của một nước”.

Phát biểu tại ARF hôm 7/8, Ngoại trưởng Ri Yong-ho cáo buộc Mỹ gây nên tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên và nói rằng, việc Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa là “lựa chọn hợp pháp để tự vệ trước mối đe dọa hạt nhân thực tế rõ ràng từ Mỹ”. “Chúng tôi sẽ không bao giờ đặt hạt nhân và tên lửa đạn đạo lên bàn đàm phán”, ông Ri tuyên bố. Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên còn nói rằng, Bình Nhưỡng sẽ “dạy cho Mỹ một bài học nghiêm túc nếu họ sử dụng sức mạnh quân sự đối với Triều Tiên”.

Trong tuyên bố được coi như lời cảnh báo rõ ràng tới chính quyền Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 7/8 cực lực phản đối bất kỳ hành động quân sự nào đối với Triều Tiên mà có thể châm ngòi chiến tranh. “Trên tất cả, Tổng thống Moon nhấn mạnh, Hàn Quốc không bao giờ chấp nhận chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên”, Văn phòng của ông Moon viết trong tuyên bố đưa ra để nói về cuộc điện đàm dài 56 phút giữa ông Moon với Tổng thống Mỹ Donald Trump. “Vấn đề hạt nhân Triều Tiên phải được giải quyết thông qua biện pháp ngoại giao hòa bình, thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa Hàn Quốc và Mỹ”, thông báo viết. Các quan chức Mỹ nói rằng, Hàn Quốc là bên đề xuất điện đàm.

Quan điểm của ông Moon được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc cảm thấy bất an trước những tuyên bố gần đây của các quan chức Mỹ rằng, hành động quân sự vẫn là một lựa chọn để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Nhiều người Hàn Quốc sợ rằng, một cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào các địa điểm quân sự chính của Triều Tiên có thể châm ngòi xung đột vũ trang hoặc một cuộc chiến tổng lực, khiến Hàn Quốc lãnh đủ. Thủ đô Seoul với dân số 10 triệu người Hàn Quốc nằm gọn trong tầm bắn của các loại đạn pháo và tên lửa Triều Tiên.

“Thiếu chân thành”

Nhân các hội nghị của ASEAN ở Manila cuối tuần qua, đã diễn ra cuộc nói chuyện ngắn giữa Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha với người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho. Cuộc gặp này dù khó dẫn đến một bước đột phá ngoại giao nhưng là cuộc tiếp xúc công khai cấp cao đầu tiên giữa quan chức hai miền kể từ khi ông Moon Jae-in nhậm chức vào tháng 5 năm nay. Ông Kang nói với báo chí rằng, cuộc gặp này “không được chuẩn bị trước” và chỉ kéo dài “vài phút”.

Theo ông Jean Lee, nhà nghiên cứu tại Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson và từng là đại diện của hãng tin AP tại Bình Nhưỡng, cho rằng, ARF là một trong ít cơ hội hiếm có mà đại diện Triều Tiên và Hàn Quốc gặp nhau. Nhưng hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn một nguồn tin giấu tên từ chính phủ tiết lộ ông Ri nói với ông Kang trong cuộc gặp ở Manila rằng, đề xuất đối thoại của Hàn Quốc “thiếu chân thành”.

Từ năm 2006, Triều Tiên bất chấp cả chục nghị quyết của LHQ nhằm trừng phạt chương trình hạt nhân và tên lửa của họ. Là nước chiếm hơn 90% ngoại thương của Triều Tiên, Trung Quốc lần này lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp mới của LHQ. “Chớ vi phạm quyết định của LHQ hay phớt lờ thiện chí của cộng đồng quốc tế với việc phóng tên lửa hay thử hạt nhân”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói ông đã nhắn nhủ như vậy đến người đồng cấp Triều Tiên.

Theo ​Theo NYT, CNN