Đình công đúng pháp luật là quyền của người lao động

Sự việc hơn 1.500 công nhân của một công ty may xuất khẩu nghỉ việc tập thể xảy ra tại Hà Nội vừa qua, hay trước đó, không ít các vụ nghỉ việc tập thể tại Bình Dương, Đồng Nai đã làm nóng lên câu chuyện về giải quyết tranh chấp lao động -đình công. 
Bà Trần Thị Thanh Hà – Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bà Trần Thị Thanh Hà – Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

PV:  Thưa Bà, từ góc độ là tổ chức đại diện cho quyền lợi của người lao động, Bà đánh giá như thế nào về tính chất, mức độ phức tạp cũng như tính pháp lý của các vụ nghỉ việc tập thể, đình công đã xảy ra trong thời gian qua?

Trong những năm gần đây, số lượng các cuộc đình công có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, tính chất của các cuộc đình công phức tạp hơn, với số lượng người tham gia lớn hơn. Năm 2016 -2017, trung bình mỗi cuộc đình công với số lượng người đình công đã tăng hơn 120 công nhân/cuộc đình công. Nguyên nhân dẫn đế đình công bây giờ tính chất đa chiều hơn, có thể có những cuộc đình công không xuất phát từ quan hệ lao động, hoặc có cuộc đình công xuất phát từ những đặc thù như phản đối chính sách quản lý hà khắc của người sử dụng lao động.

Các cuộc đình công của người lao động chủ yếu là do người lao động tự phát đình công, đều tiến hành trái trình tự, thủ tục quy định pháp luật. Các cuộc đình công diễn ra rất nhanh. Họ truyền thông tin và có cách thức vận động với nhau rất nhanh. Với phương pháp như vậy, có thể thấy, hiện nay, cứ ngừng việc là bắt buộc người lao động sẽ phải ngồi lại để thương lượng, giải quyết những vướng mắc cho người lao động và lại trở thành con đường nhanh nhất để người lao động có thể đòi quyền lợi cho mình. Đây cũng là điều tác động rất lớn đến hoạt động của tổ chức công đoàn chúng tôi.

Bà Trần Thị Thanh Hà tại chương trình “Kinh doanh và Pháp luật”- VTV2

PV: Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến những cuộc đình công nhanh và trái trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật như vậy, thưa Bà?

Nguyên nhân của các cuộc đình công đều xuất phát từ vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động. Một trong những nguyên nhân là phía công đoàn cơ sở chưa nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người lao động, chọn ra những phương pháp và phương hướng để giải quyết cho người lao động. Họ cũng có những hạn chế về vai trò và vị thế. Họ hưởng lương từ người sử dụng lao động và đôi lúc, có thể họ ngại đối đầu hoặc ngại va chạm với phía người sử dụng lao động hoặc cũng có thể họ đã tập hợp ý kiến của người lao động, phản ánh cho người sử dụng lao động rồi nhưng người sử dụng lao động cũng không có biện pháp để có thể xử lý những việc vi phạm pháp luật của mình để đáp ứng được yêu cầu của người lao động.

Bên cạnh đó, hệ thống thanh tra quá mỏng cũng là một trong những thách thức. Bên cạnh đó, chế tài, rồi nộp phạt, rồi tiến hành cưỡng chế quyết định hành chính chưa có tính hiệu quả, kiên quyết, cho nên cũng dẫn đến hiện tượng có những doanh nghiệp dù đã bị thanh tra, xử phạt 3, 4 lần vẫn xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, sự hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật, điển hình là Chương XIV của Bộ luật Lao động cũng là một nguyên nhân quan trọng. Ví dụ, về mức lương tối thiểu, việc giao cho người sử dụng lao động chủ động xây dựng thang bảng lương, khoảng cách giãn lương giữa các bậc chỉ bằng 5% đối với công việc bình thường và 7% đối với công việc nặng nhọc... đã dẫn đến tình trạng không ít người sử dụng lao động áp dụng, thay đổi hình thức trả lương hay áp mức lương tối thiểu thấp trái quy định pháp luật.    

PV: Hiện tại, vấn đề giải quyết tranh chấp lao động, đình công cũng đang được điều chỉnh trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Vậy, cũng là bên tham gia vào quá trình lấy ý kiến xây dựng Dự thảo này, Bà có đề xuất, kiến nghị gì?

Người lao động có quyền từ chối làm việc khi quyền lợi hợp pháp của họ bị vi phạm. Đó cũng là một điểm mà chúng ta phải bổ sung trong quy định của Bộ luật Lao động. Chúng ta phải quy định những cơ chế hết sức mềm dẻo để người lao động có thể lựa chọn nhanh nhất. Họ có thể lựa chọn cơ chế tạm thời ngừng việc tạm thời để phản đối hành vi vi phạm của người sử dụng lao động, để khi đó, các cơ quan, tổ chức công đoàn và các thiết chế về hòa giải có thể hòa giải được ngay. Hoặc người lao động có thể được chọn một hòa giải viên họ cảm thấy uy tín trong địa phương, khu vực hoặc họ có thể chọn thẳng lên Hội đồng Trọng tài cấp tỉnh đối với những vụ có phạm vi lớn, tính chất phức tạp.

PV: Thực tiễn cho thấy, đôi khi công đoàn cơ sở chưa làm tròn vai, chưa thể hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình. Vậy, liệu có giải một pháp nào khắc phục được tình trạng này không, thưa Bà?

Tới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ xây dựng xong Đề án về đổi mới cơ cấu tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam. Trong đó, với những đặc điểm của công đoàn cơ sở sẽ không đảm nhận những chức năng, nhiệm vụ mang tính chất đối đầu và thực hiện chức năng đại diện cho tập thể người lao động ở doanh nghiệp, mà công đoàn cơ sở chủ yếu thực hiện chức năng là nơi tập hợp những tâm tư, nguyện vọng của người lao động, thực hiện công tác chăm lo cho người lao động như hiếu, hỷ, hoạt động quần chúng của người lao động, làm công tác tuyên truyền cho người lao động tại doanh nghiệp. Chức năng đại diện cho người lao động sẽ được thực hiện bởi các công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở.

Xin cảm ơn Bà!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!