Đình chỉ hoạt động công ty làm vỡ hồ chứa nước khai thác titan

TPO - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường tiếp tục tạm dừng và chấp hành việc đình chỉ toàn bộ hoạt động khai thác quặng titan tại khu vực Nam Suối Nhum.

Theo Văn bản số 2434/BTNMT-ĐCKS do Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc ký, việc đình chỉ toàn bộ hoạt động khai thác quặng titan tại mỏ Nam Suối Nhum sẽ kéo dài ba tháng kể từ ngày ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. 

Trong thời gian đó, công ty phải hoàn thành các thủ tục còn thiếu về đất đai, nước và xả thải vào nguồn nước. Tiếp tục xử lý dứt điểm và khắc phục hậu quả, trong đó có việc đền bù thỏa đáng cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp do sự cố vỡ bờ moong khai thác gây ra; xử lý moong khai thác, các khu vực bị ảnh hưởng về trạng thái an toàn, đáp ứng các yêu cầu về môi trường theo quy định. 

“Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ký Thông báo này, nếu Công ty không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nội dung nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thu hồi Giấy phép khai thác theo quy định. Báo cáo kết quả thực hiện, Công ty gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trước ngày 10/9/2016). Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo và yêu cầu Công ty TNHH thương mại Tân Quang Cường nghiêm túc, khẩn trương thực hiện” - Công văn nêu rõ.

Trước đó khoảng 5h ngày 16/6/2016 tại mỏ titan Nam Suối Nhum của Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường đã xảy ra sự cố vỡ bờ moong chứa nước để khai thác, tuyển quặng titan. 

Moong có diện tích khoảng 3 ha nằm ở phía Tây của mỏ, có địa hình cao hơn mặt đường khoảng 50m. Bờ moong bị vỡ đã phá bề mặt đồi cát thành khe rộng trung bình khoảng 3m, sâu trung bình khoảng 2,5m và dài khoảng 350m, làm nước cuốn theo cát chảy xuống phía biển, tràn lấp vào khu đất sân vườn và quán hải sản của người dân.

Qua nhận định ban đầu, bờ moong bị vỡ là do công ty mở vỉa, đào moong chứa nước để khai thác tại vị trí có địa hình cao hơn địa hình mặt đường, xung quanh là bờ cát. Do thiếu sự theo dõi, kiểm tra, lượng nước bơm từ ngoài vào lòng moong phục vụ hoạt động khai thác quá nhiều nên tràn nước, vỡ vách moong tạo thành dòng áp lực lớn đẩy nước và cát trong hồ chảy tràn gây ra sự cố.