Ngày 25/12, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ra thông báo công khai kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Tại thông báo kết luận thanh tra do Phó tổng TTCP – Lê Sỹ Bảy ký ban hành, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu phục vụ việc xem xét, điều tra xử lý theo quy định pháp luật 9 vụ việc. Sau khi được chấp thuận, TTCP đã có văn bản chuyển các vụ việc trên đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật và Bộ Công an đã có văn bản thông báo tiếp nhận.
Vụ việc thứ nhất là, việc Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung và tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung 154 dự án điện mặt trời với tổng công suất 13.837 MW không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch (không bao gồm 14 dự án với công suất 870 MW do Bộ Công Thương đã phê duyệt trong quy hoạch điện lực cấp tỉnh của 4 tỉnh trước năm 2016 cập nhật sang giai đoạn 2016-2020.
Trong đó phê duyệt 123 dự án với tổng công suất gần 8.500 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016-2020 là nguyên nhân dẫn đến mất cân đối giữa nguồn và lưới, mất cân đối về cơ cấu nguồn điện, vùng miền, gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành, có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.
Thứ hai, việc Bộ Công Thương tham mưu Thủ tướng ban hành nội dung khoản 3 Điều 5 Quyết định số 13/2020 trái với nội dung Nghị quyết số 115/2018 của Chính phủ và không đúng với nội dung kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 402/2019 của Văn phòng Chính phủ, làm tăng chi phí mua điện, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước (EVN).
Thứ ba, việc Bộ Công Thương tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành nội dung khoản 1 Điều 5 Quyết định số 13/2020 không đúng nội dung kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 402/2019, làm tăng chi phí mua điện, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước (EVN).
Thứ tư, Thanh tra Chính phủ chuyển thông tin, kèm theo tài liệu đến Bộ Công an để xem xét đối với Bộ Công Thương trong việc ban hành hướng dẫn và tham mưu ban hành cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMT có những sơ hở, khuyết điểm, vi phạm dẫn đến nhiều hệ thống, cụm hệ thống ĐMTMN đã đầu tư xây dựng nhanh với công suất lớn, xấp xỉ 01MW, trên đất nông, lâm nghiệp với diện tích lớn dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhưng được hưởng cơ chế ưu đãi của hệ thống ĐMTMT (giá FIT 8,38 UScent/kWh, áp dụng trong 20 năm).
Thứ năm, việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời, điện gió trên đất Quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia, Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan tại tỉnh Bình Thuận.
Thứ sáu, việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời chồng lấn lên quy hoạch thủy lợi thuộc Dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận.
Thứ bảy, việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư xây dựng Dự án điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp chồng lấn lên quy hoạch vùng tưới Hồ chứa nước Ia Mơr tại tỉnh Đắk Lắk.
Thứ tám, việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện gió chồng lấn lên Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxite tại tỉnh Đắk Nông.
Thứ chín, việc quản lý, sử dụng đất, thực hiện đầu tư xây dựng dự án Nhà máy thủy điện Đắk Glun 2, 3 trên diện tích 15,3ha đất tại xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông (ngoài diện tích 208ha đất được giao); việc đầu tư xây dựng trên 208ha đất được giao, trong đó có 25,23ha rừng tự nhiên chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây dựng công trình năng lượng.
Theo thông báo kết luận Kỳ họp thứ 34 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương:
Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Công Thương và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió; trong thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh; trong tham mưu, ban hành cơ chế kinh doanh, điều hành nguồn cung ứng, cấp phép kinh doanh xăng, dầu; quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá; trong lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức đấu thầu, thực hiện các dự án/gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện; nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.
Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục; nguy cơ thiệt hại rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, lãng phí nguồn lực xã hội; dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.UBKT Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và cấp ủy, tổ chức đảng ở một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan phối hợp, chỉ đạo kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật các tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm, báo cáo kết quả về UBKT Trung ương.
UBKT Trung ương sẽ tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, xem xét, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên tại các địa phương, đơn vị có liên quan trong thực hiện các dự án năng lượng tái tạo.