Anh có thể cho biết ý kiến của khán giả có tác động thế nào tới kết cấu của phim “Về nhà đi con?
Đây không phải làm phim vừa làm vừa phát. Điều quan trọng là chúng tôi đã đi hướng của kịch bản bằng một đề cương kỹ lưỡng. NSƯT Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC giao rất kỹ nhiệm vụ cho nhóm biên kịch.
Phim lấy cảm hứng từ “Khi người đàn ông góa vợ bật khóc”, chúng tôi lên phương án sửa chữa, thống nhất với nhau theo sự phát triển của xã hội, theo nhận thức của mọi người. Khi biên kịch viết được 30 tập chúng tôi mới quay và chúng tôi rất tự tin về định hướng đã đúng.
Điều này càng được khẳng định khi phim phát sóng được 5 tập đầu. Sự tương tác của khán giả đã giúp, động viên, tiếp thêm động lực cho chúng tôi, khẳng định chúng tôi đi đúng hướng, hòa được mạch cảm xúc của đoàn làm phim với cảm xúc của khán giả. Như thế là có sự hòa đồng, tương tác.
Tôi nói với đoàn làm phim rằng ở đây chúng ta cần sự ấm áp như một gia đình, cần sự lắng nghe để làm tốt hơn. Chúng tôi cảm ơn sự tương tác tích cực của khán giả, tạo thành một diễn đàn. Tự khán giả hâm nóng tình cảm của gia đình, tự soi lại người ta, bóng hình của người ta. Đây là điều tốt nhất mà khán giả đã nhận ra khi xem phim.
Trong suốt quá trình làm phim có những chi tiết nào thay đổi do ý kiến của khán giả không?
Gần như là không. Chúng tôi lắng nghe nhưng tự tin là đi đúng hướng. Nếu có cái gì thay đổi thì chúng tôi phải thay đổi về kết cấu. Chúng tôi ở đây lắng nghe ý kiến của số đông khán giả để phục vụ số đông ấy, không thiên lệch về ý kiến chủ quan của một vài cá nhân để thay đổi.
Liệu có chuyện thay kết thúc liên quan ông Sơn từ phía khán giả không?
Đề cương khi xây dựng với đội ngũ biên kịch thì ông Sơn bị bệnh. Nhưng khi làm được 30 tập, chúng tôi đã vật lộn mãi với đội ngũ biên kịch, đạo diễn và diễn viên thấy rằng đưa ra cho ông Sơn bệnh tật chỉ để giải quyết một cái gì đó trong phim thì có cần thiết và xác đáng không? Và cuối cùng chúng tôi đã bỏ đi thay vào đó tình huống khác chứ không phải vì áp lực của khán giả. Chúng tôi có lắng nghe để tiếp thu để có động lực làm tốt hơn, thấy mình đang đi đến đâu, đang ở đâu làm tốt hơn.
Lần đầu tiên VTV làm phim ngắn 25 phút, vật ê kíp phải cắt nhỏ từng tập ra sao?
Ngay từ đầu chúng tôi đã bàn với nhau nhất là ở hiện trường rằng đây là phim được phát sóng 25 phút/ tập cho khung giờ mới. Vậy 25 phút ấy khán giả phải xem được những gì? Từ tiêu chí ấy chugns tôi triệt tiêu toàn bộ những giao đãi, khai thác 25 phút ấy sao cho tính truyện nhiều, xung đột nhiều, kể cả xung đột mang tính giả định để dẫn dắt khán giả.
Thực ra sau phim có một điều hơi đáng tiếc là phần lãng mạn của cặp đôi Vũ- Thư chưa được đẩy lên thêm. Hai người này đến và sống với nhau bằng hợp đồng hôn nhân. Trong quá trình vật lộn với đời sống ấy họ mới nhận ra được tình yêu. Sau này họ quay lại được với nhau giá thêm chút lãng mạn nữa thôi thì đẹp. Đấy là cảm nhận của tôi.
Dù sao với tôi đây là cái kết hài hòa, không chỉ là khán giả mà cho tất cả các nhân vật đã được xây dựng. Mỗi nhân vật sinh ra đều có một đời sống riêng và gần như mình đã xây dựng và đã cho một nhân vật cái kết tương đối trọn vẹn. Theo dẫn dắt của phim thì tôi nghĩ đi đến cái đích đó mới thỏa đáng.