Điều gì sẽ xảy ra với Tổng thống Hàn Quốc sau lệnh thiết quân luật chớp nhoáng?

TPO - Vài giờ sau khi ban bố lệnh thiết quân luật khẩn cấp, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đứng trước nguy cơ mất đi sự ủng hộ của các đồng minh chính trị trong nước. Mới đây nhất, chánh văn phòng và các thư ký cấp cao của ông Yoon đã xin từ chức.

Vào lúc 22h21 ngày 3/12, trong một bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bất ngờ tuyên bố áp lệnh thiết quân luật khẩn cấp.

Chưa đầy ba giờ sau, 190 nghị sĩ (trên tổng số 300 người) đã có mặt tại Quốc hội trong phiên họp toàn thể khẩn cấp. Trong số 190 người, có 172 người là nghị sĩ phe đối lập, và 18 người là thành viên đảng cầm quyền Sức mạnh quốc dân.

Kết quả bỏ phiếu cho thấy, tất cả 190 nghị sĩ có mặt đều ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon. Đến 4h30 sáng 4/12, vài giờ sau phiên họp của quốc hội, ông Yoon tuyên bố chính thức hủy bỏ tình trạng thiết quân luật.

Mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào hành động tiếp theo của ông Yoon, khi phe đối lập ráo riết kêu gọi ông từ chức, hoặc phải đối mặt với nguy cơ bị luận tội.

"Ông ấy chỉ có hai lựa chọn, từ chức vào hôm nay hoặc chờ bị luận tội", Giáo sư Luật và Khoa học chính trị Hahm Sung-deuk của Đại học Kyonggi cho biết. Hahm gọi tuyên bố thiết quân luật là "một điều khủng khiếp đối với nền dân chủ của Hàn Quốc". Giáo sư cho biết, Tổng thống Yoon đã chứng minh rằng ông không hiểu "các quy tắc dân chủ".

Các nghị sĩ bỏ phiếu tối 3/12. (Ảnh: Yonhap)

Phát biểu từ văn phòng tổng thống ở Seoul, ông Yoon cho biết việc thiết quân luật là cần thiết để bảo vệ đất nước “khỏi các mối đe dọa từ Triều Tiên", và "xóa bỏ các thế lực ủng hộ Triều Tiên đang cướp đoạt tự do và hạnh phúc” của người dân Hàn Quốc.

Tuy nhiên, thay vì trích dẫn bất kỳ mối đe dọa cụ thể nào từ Triều Tiên, ông Yoon đã chỉ trích phe đối lập, cáo buộc họ tìm cách “phá hoại tự do và dân chủ” của Hàn Quốc. Tổng thống tuyên bố ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện biện pháp quyết liệt này để bảo vệ trật tự hiến pháp.

Động thái của Tổng thống Yoon đã khiến cả đảng Sức mạnh quốc dân (PPP) cầm quyền của ông và đảng Dân chủ đối lập (DP) bất ngờ. Chủ tịch PPP Han Dong-hoon chỉ trích việc thiết quân luật, nói rằng đảng này sẽ “cùng với người dân ngăn chặn quyết định của ông Yoon”.

Sau phiên bỏ phiếu khẩn trương trong đêm, Chủ tịch Quốc hội Woo Won-shik tuyên bố lệnh thiết quân luật bị vô hiệu, nói thêm rằng quốc hội sẽ "bảo vệ nền dân chủ của đất nước cùng với người dân".

Lần cuối cùng Hàn Quốc áp dụng thiết quân luật là vào năm 1980, dưới thời Tổng thống Chun Doo-hwan, khi các cuộc biểu tình chống chính phủ của sinh viên lan rộng khắp cả nước.

Nhiều người đã đặt câu hỏi về tình trạng của tổng thống khi ông thực hiện động thái gây sốc này.

Ông Yoon đã phải chịu tỷ lệ chấp thuận thấp trong những tháng gần đây. Nhiều chính sách của ông không thể triển khai sau khi phe đối lập giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4/2024.

Ông Sean King, chuyên gia về châu Á tại công ty tư vấn Park Strategies có trụ sở tại New York, gọi đây là "một động thái vô cùng đáng thất vọng của một nhà lãnh đạo dường như đang tuyệt vọng".

Ông ca ngợi các thành viên trong đảng của ông Yoon vì đã phủ quyết tuyên bố thiết quân luật cùng với phe đối lập, nói rằng "nền dân chủ Hàn Quốc đang cho thấy sự bền vững của nó".

Quân đội được nhìn thấy rời khỏi tòa nhà quốc hội ngay sau thông báo của Chủ tịch Woo Won-shik, nhưng đám đông vẫn ở bên ngoài khi các cuộc biểu tình tiếp diễn.

Quân đội rút khỏi tòa nhà quốc hội sau phiên bỏ phiếu. (Ảnh: Yonhap)

Người dân Hàn Quốc biểu tình ở Seoul sáng 4/12. (Ảnh: Reuters)

Nếu ông Yoon tự nguyện từ chức, Thủ tướng Han Duck-soo sẽ lãnh đạo chính phủ cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức sau khoảng sáu tháng.

Nhưng nếu ông Yoon từ chối từ chức, quá trình luận tội sẽ mất "khá nhiều thời gian và đi kèm với hình phạt nghiêm khắc hơn", Giáo sư Hahm nói, giải thích rằng việc này sẽ đòi hỏi một phiên xét xử của tòa án.

Hiến pháp Hàn Quốc quy định quốc hội có thể luận tội tổng thống hoặc các công chức cấp cao khác nếu họ bị cho là "đã vi phạm Hiến pháp hoặc bất kỳ luật nào trong khi thực hiện nhiệm vụ".

Quyết định luận tội tổng thống cần giành được hai phần ba số phiếu bầu của quốc hội 300 ghế để thông qua. Quốc hội hiện do đảng Dân chủ đối lập kiểm soát. Đảng này và các đảng nhỏ khác có 192 ghế, chỉ thiếu 8 phiếu để đủ 200 phiếu luận tội tổng thống.

Nếu quốc hội bỏ phiếu luận tội, tổng thống sẽ bị đình chỉ thực hiện quyền hạn của mình cho đến khi có kết quả phiên tòa luận tội do Tòa án Hiến pháp tổ chức.

Thủ tướng Thụy Điển hoãn thăm Hàn Quốc

Chuyến đi của Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tới Seoul tuần này đã bị hoãn lại do những diễn biến gần đây, một phát ngôn viên của thủ tướng cho biết.

"Chúng tôi đã liên lạc với Hàn Quốc vào sáng nay và sẽ cùng nhau thống nhất về thời điểm mới cho chuyến thăm trong tương lai", người phát ngôn cho biết.

"Chúng tôi rất coi trọng mối quan hệ với Hàn Quốc và mong muốn được thăm quốc gia này trong tương lai".

Theo Straitstimes