Điều gì đang diễn ra trên thị trường ngoại hối?

Vàng chưa dứt đà xuống đáy thì giá USD chợ đen có thời điểm tiến gần đến 22.000 đồng/USD. Về dài hạn, thị trường ngoại hối được đánh giá ổn định nhưng các yếu tố ngắn hạn đã tạo ra không ít lo ngại.

Tỷ giá cuối năm, nỗi lo lại đến?

Mấy ngày qua, giá USD trên thị trường chợ đen liên tục biến động tăng. Sáng 31/7, USD chợ đen bán ra trong khoảng 21.940-21.950 đồng/USD. Giá mua vào dao động 21.900-21.910 đồng/USD. Đây là mức chênh khá cao so với trần chính thức 21.850-21.880 đồng/USD.

Trên thị trường NH, giao dịch USD chính thức ổn định. Ngày 31/7, Vietcombank giữ nguyên ở mức 21.780-21.840 đồng. Nhiều NH lớn khác như BIDV, ACB và Eximbank cũng giữ mức giá mua bán USD tương tự như Vietcombank.

Tỷ giá có dấu hiệu tăng khi có thời điểm tiến gần đến 22 ngàn/USD.

Một số NH thậm chí còn điều chỉnh giảm tỷ giá USD/VND. Sáng 31/7, VietinBank giảm tỷ giá 5 đồng xuống 21.790 đồng/USD (mua) và 21.840 đồng/USD (bán). Một số NH khác cũng điều chỉnh giảm 5 đồng trong buổi sáng 31/7 như: DongABank, Techcombank.

Giá USD chợ đen hiện đang cao hơn giá niêm yết phổ biến tại các NH khoảng 100 đồng/USD. Ở một số cửa hàng và vào một số thời điểm, mức chênh so với NH thậm chí còn lên tới 130 đồng/USD.

Theo đánh giá của BIDV (BID), thị trường ngoại hối trong nước 6 tháng đầu năm diễn biến khá phức tạp và có nhiều điểm khác biệt so với giai đoạn 3 năm gần đây, từ 2012-2014. Thanh khoản được duy trì tốt, tuy nhiên, nguồn cung ngoại tệ không còn ở trạng thái dồi dào, vượt trội so với nhu cầu mà trở nên cân bằng hơn. Tỷ giá USD/VNĐ xác lập xu hướng tăng và dao động trong biên độ rộng 21.350-21.850. Tại thời điểm cuối tháng 6/2015, tỷ giá USD/VNĐ vào khoảng 21.820, tăng gần 1,9% so với cuối năm 2014 - mức tăng mạnh nhất trong vòng 4 năm qua (năm 2012: giảm 1,9%, năm 2013: tăng 1,2%, năm 2014: tăng 1,7%).

Nhìn lại quá trình cả 6 tháng vừa qua, tỷ giá đi ngang trong khoảng 2 tháng đầu năm, quanh ngưỡng mua vào của NHNN 21.350.

Từ tháng 3 đến giữa tháng 5, thị trường ngoại hối bắt đầu xuất hiện những biến động mạnh, tỷ giá tăng nhanh khoảng 450 điểm trong giai đoạn này, chạm trần tỷ giá cho phép của NHNN vào cuối tháng 4 - đầu tháng 5. Thời điểm này, các yếu tố hỗ trợ xu hướng tăng của tỷ giá lớn lên và cùng hội tụ tạo ra áp lực lớn đối với thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, những can thiệp mạnh mẽ và điều chỉnh tỷ giá 1% của NHNN đã đáp ứng kỳ vọng, thị trường sớm ổn định.

Bất ổn trong ngắn hạn?

Xét trên tổng thể, thị trường ngoại hối vẫn được hỗ trợ theo chiều hướng ổn định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các biến động ngắn hạn vẫn khiến cho thị trường này luôn có những lo ngại.

Tuy nhiên, các yếu tố tác động trong ngắn hạn đã tạo ra sự khác biệt của thị trường. Đáng chú ý, sự đảo chiều nhanh chóng của cán cân thương mại không những khiến tâm lý thị trường xáo trộn, thay đổi mà còn tạo ra bất ngờ nhất định cho chính cơ quan quản lý vào một số thời điểm. Theo đó, thị trường ngoại hối 6 tháng đầu năm cũng diễn biến phức tạp, với các bước tăng/giảm khó dự báo.

Bên cạnh đó, sự kém hấp dẫn của nhiều kênh đầu tư truyền thống cũng gây áp lực tăng giá lên đồng USD. Gần đây, vàng liên tục giảm giá và đã về đáy 5 năm ở mức khoảng 33 triệu đồng/lượng. Euro trong khi đó bốc hơi cũng khiến nhiều nhà giàu Việt hao hụt tài sản tích lũy.. TTCK không thực sự hấp dẫn khi các DN không hoặc trả cổ tức rất thấp trong khi BĐS chưa thực sự khởi sắc… cũng khiến túi tiền ngàn tỷ của giới đầu tư chạy lòng vòng.

Mặc dù vậy, chính sách điều hành khá linh hoạt, hiệu quả của NHNN là một điểm nhấn đáng chú ý vào tháng 5. Với quyết định tăng 1% tỷ giá, NHNN đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ để ổn định tỷ giá.

Về dài hạn, thị trường ngoại hối được đánh giá ổn định nhưng các yếu tố ngắn hạn đã tạo ra không ít lo ngại.

Mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, dự trữ ngoại hối tính tới cuối tháng 7 đã đạt 37 tỷ USD và 10 tấn vàng. Đây là con số ấn tượng và là cơ sở để NHNN giữ nguyên cam kết không điều chỉnh tỷ giá quá 2% trong năm nay. Bên cạnh đó, lạm phát ở mức thấp cũng là điều kiện để ổn định tỷ giá.

BIDV dự báo, trong quý III, thị trường ngoại hối sẽ khá ổn định, trước khi có thể xuất hiện những biến động mạnh hơn trong quý cuối năm. Tỷ giá nhìn chung sẽ diễn biến giằng co, dao động phổ biến trong khoảng 21.800-21.890.

TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo Ngân hàng BIDV, cho rằng, diễn biến USD tự do tăng mạnh về cơ bản là ở góc độ tâm lý. Mục tiêu giữ tỷ giá trong biên độ 2% năm 2015 là khả thi. Mặc dù vậy, cũng có một số rủi ro như biến động lớn trên thị trường, chẳng hạn như Fed bất ngờ tăng lãi suất mạnh trên 0,25% hoặc có những lệnh cấm vận mới trên thị trường…

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng gần đây cho rằng, giá USD tăng trên thị trường thế giới khiến tâm lý kỳ vọng tăng cao, gây áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, bà Hồng cũng khẳng định, Fed không phải là diễn biến duy nhất để điều hành tỷ giá.

Theo ông Lực, vừa qua, trong khu vực, nhiều đồng tiền mất giá khá mạnh so với USD. Tuy nhiên, với VND thì khác. Lạm phát tại Việt Nam trong năm 2015 được dự báo khá thấp, xấp xỉ lạm phát ở Mỹ. Do vậy, theo lý thuyết đồng VND thậm chí còn không trượt giá so với USD. Dù vậy, xu hướng chung là đồng USD tăng giá. Đây là điều không tránh khỏi.

Theo Lê Hà

Theo VietNamNet