Điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi

TPO - Báo cáo giải trình tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/2, Chủ nhiệm Uỷ ban giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi đã điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi.
Ảnh minh họa

Tuy nhiên theo ông Thi, một số ý kiến còn lo ngại việc điều chỉnh này không thống nhất với quy định về độ tuổi trong các luật liên quan, như: Bộ luật hình sự, Bộ luật lao động; Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật thanh niên và sẽ làm tăng chi ngân sách Nhà nước.

Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì cho rằng, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi nhằm thống nhất việc sử dụng thuật ngữ về “người chưa thành niên” mà không ảnh hưởng đến chính sách áp dụng đối với người chưa thành niên hoặc từng nhóm trẻ em cụ thể và không mâu thuẫn với các luật hiện hành, hoặc cản trở việc thực hiện quyền, trách nhiệm của người dưới 18 tuổi quy định trong các luật khác.

Trên thực tế không phải tất cả trẻ em đều được áp dụng đồng thời các chính sách và quy định pháp luật như nhau mà được chia theo độ tuổi và các nhóm đối tượng cụ thể để áp dụng cho phù hợp. Các chính sách hiện hành đang áp dụng cho người chưa thành niên, về cơ bản sẽ không có sự thay đổi vì các chính sách đó không phụ thuộc vào việc những người này có được xem là trẻ em hay không.

Công ước Quốc tế về quyền trẻ em quy định: “Trẻ em là người dưới mười tám tuổi, trừ khi luật pháp quốc gia công nhận tuổi thành niên sớm hơn”. Theo đó, tuổi trẻ em gắn với tuổi chưa thành niên do luật pháp các quốc gia quy định.

“Hiến pháp và các bộ luật liên quan đều quy định người từ đủ 18 tuổi (người thành niên) trở lên mới có đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân. Như vậy, hệ thống pháp luật nước ta đã thống nhất quy định người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên và độ tuổi này được xác định là ranh giới để phân biệt giữa người chưa trưởng thành đầy đủ (chưa thành niên) với người trưởng thành đầy đủ (thành niên)”, ông Thi cho hay.

Bên cạnh đó, về mặt khoa học, người từ 16 đến dưới 18 tuổi là người chưa thành niên, chưa hoàn thiện và chưa phát triển đầy đủ về não bộ, về thể chất, tinh thần, về nhận thức xã hội, về ý thức pháp luật, chưa đủ các điều kiện cần thiết để trở thành người lớn (người thành niên) nên cần phải được gia đình, cộng đồng, Nhà nước quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, hướng dẫn về mặt pháp lý và xã hội để các em được chăm sóc, phát triển, được bảo vệ khỏi các hành vi gây tổn hại, trong đó đáng quan tâm là  nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt từ 16 đến dưới 18 tuổi.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi sẽ không gây ảnh hưởng tới quy định của Luật Thanh niên và Điều lệ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (TNCSHCM), không xung đột với độ tuổi đoàn viên thanh niên của tổ chức này, vì “trẻ em” - “người lớn” và “thanh niên” - “thiếu niên” - “nhi đồng” là hai hệ thống khái niệm độc lập:

Khái niệm “trẻ em” nằm trong sự phân biệt, tiếp nối giai đoạn với “người lớn” để chỉ mức độ trưởng thành của con người, được căn cứ trên sự phát triển sinh học như não bộ, hệ cơ, xương; khái niệm “thanh niên” nằm trong sự phân biệt với “thiếu niên”, “nhi đồng” để chỉ các nhóm trẻ em được các tổ chức xã hội thu hút và tập hợp (khi đủ tuổi được kết nạp vào Đoàn theo quy định của Điều lệ Đoàn hoặc tham gia các tổ chức nếu thỏa mãn quy định của tổ chức đó).

Về sự lo ngại sẽ làm tăng chi ngân sách Nhà nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho hay, theo số liệu của Tổng cục thống kê, hiện nay số người trong độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là 4 triệu người. Khi điều chỉnh độ tuổi, số người này sẽ được xem là trẻ em và vẫn được hưởng đầy đủ các chính sách hiện hành được quy định tại Luật Thanh niên.

Các chi phí chỉ phát sinh khi áp dụng các chính sách chi cho các trường hợp cần chăm sóc, bảo vệ đặc biệt (khoảng 250.000 người) và chi phí cho công tác phòng ngừa, can thiệp sớm, tái hòa nhập cộng đồng cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc độ tuổi này. Tuy nhiên, chi phí này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong chính sách xã hội dành cho nhóm đối tượng yếu thế.