Điện ảnh Việt Nam cần biết kiên trì

TP - Sáng 10/5, trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất (DANAFF), nhiều hỏi đáp thú vị giữa giới báo chí với các nhà làm phim nổi tiếng trong và ngoài nước về diện mạo cũng như tiềm năng phát triển của điện ảnh Việt Nam.

Buổi gặp mặt có sự tham gia của các thành viên trong ban giám khảo, như ngôi sao, nhà làm phim Hàn Quốc Moon So-ri, các đạo diễn Aaron Toronto (Mỹ), Siddhant Sarin (Ấn Độ), Mayu Nakamura (Nhật Bản), Hendrick Gozali và con gái Linda Gozali (Indonesia), Phan Gia Nhật Linh (Việt Nam)…

Ấn tượng

Với tư cách là giảng viên của khóa học diễn xuất Gặp gỡ Mùa thu vào năm 2016 và Chủ tịch Ban giám khảo tại DANAFF lần thứ nhất, bà Moon So-ri cảm nhận được sự chuyển mình và liên tục đổi mới của điện ảnh Việt Nam với khát vọng vươn tầm châu lục và thế giới. Sau khi xem một số bộ phim dự thi, bà nhận xét các tác phẩm Việt được đầu tư kỹ lưỡng hơn. Nếu điện ảnh Việt Nam biết cách phát triển và khai thác hết khía cạnh của nhân vật trong từng bộ phim hoàn toàn đủ khả năng tham dự các LHP tầm cỡ quốc tế như LHP Cannes.

Ấn tượng nhất là màn trả lời câu hỏi kéo dài hơn 30 phút của nhà làm phim 85 tuổi Hendrick Gozali và con gái Linda Gozali - nhà sản xuất điện ảnh đến từ Indonesia. Bà Linda cho biết kinh dị là thể loại phim phổ biến nhất tại Indonesia. Nguyên nhân đến từ sự khác biệt về mặt đức tin tôn giáo khi đất nước có đến hơn 17 nghìn hòn đảo lớn nhỏ, 15 nghìn nhóm tiểu văn hóa và trong đó còn nhiều cộng đồng dân cư vẫn giữ những tập tục cổ hủ.

Bà tin rằng dòng phim kinh dị của Việt Nam có khả năng đạt được thành công nếu các nhà làm phim biết tận dụng ngôn ngữ quốc tế của thể loại phim này. Bà hy vọng thông qua DANAFF lần này, nền điện ảnh Indonesia sẽ có thể hợp tác với điện ảnh Việt Nam để tạo ra một bộ phim mang chủ đề chung của cả thế giới.

Dục tốc bất đạt

Phóng viên Tiền phong đã phỏng vấn riêng ông Hendrick Gozali - một huyền thoại sống của nền điện ảnh Indonesia với 52 năm trong nghề, hai câu hỏi về sự khác biệt về cách làm phim giữa thời xưa và nay; cách điện ảnh Việt Nam có thể trở thành một điểm sáng trong khu vực châu Á.

Hai cha con nhà làm phim Indonesia Linda Gozali và Hendrick Gozali Ảnh: KINH QUỐC

Với câu hỏi đầu tiên, ông cho biết điểm khác biệt rõ nhất chính là công nghệ và thiết bị làm phim. Thế hệ làm phim trẻ bây giờ có trong tay những thứ công nghệ hiện đại giúp họ giải quyết mọi vấn đề chỉ với một cú búng tay. Đây là điều vô cùng thuận lợi, song nó khiến cho quá trình làm phim trở nên vội vã hối hả, những nhà làm phim không có thời gian để nhìn nhận vấn đề sâu hơn. Trái lại, ở thời nền công nghiệp điện ảnh thế giới còn sơ khai, các nhà làm phim mỗi khi gặp phải một vấn đề gì đó đều ngồi lại và chậm rãi mổ xẻ những vấn đề đó ra để tìm cách giải quyết tốt nhất. Công nghệ kĩ xảo máy tính chưa phát triển như bây giờ, nên con người ta phải vận dụng óc sáng tạo để đưa sự phi thực tế ra ngoài đời thực.

Chiều 10/5, Hội thảo Phát triển công nghiệp điện ảnh - Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng quy tụ các nhà quản lý nhà nước, ngành điện ảnh, các diễn giả là những chuyên gia hàng đầu về kinh tế, chính sách điện ảnh đến từ Mỹ, Nhật… Các ý kiến đồng thuận tại hội thảo, đó là Việt Nam cần nhanh chóng hình thành chuỗi cung ứng cho nền công nghiệp điện ảnh, đồng thời với việc tạo hành lang pháp lý mạnh và thống nhất để điện ảnh thực sự là một ngành công nghiệp trụ cột của văn hóa cũng như nền kinh tế của quốc gia.

Về câu hỏi thứ hai, ông cho rằng Việt Nam sẽ luôn có một chỗ đứng trong nền điện ảnh châu Á nếu biết cách tận dụng những câu chuyện đặc trưng về con người và văn hóa mà chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Miễn sao các nhà làm phim của Việt Nam giữ được sự kiên trì trong việc quảng bá những đặc điểm riêng này, mọi người rồi sẽ phải hướng về chúng ta.

LHP châu Á tại Đà Nẵng lần này là một bước đầu để biến điều đó thành hiện thực. Có thể đây chỉ mới là lần tổ chức đầu tiên, nhưng đã là một bước đi có tính toán kỹ lưỡng. Do đó, nếu Việt Nam duy trì được LHP này trong nhiều năm tới cùng với các tác phẩm điện ảnh Việt Nam độc nhất và chất lượng, khi đó nền điện ảnh Việt Nam có thể tự tin đứng bên những “ông trùm” châu Á như Hàn Quốc hay Nhật Bản. “Hãy tìm ra một nhân vật chỉ thuộc riêng về người Việt, người mà luôn quen thuộc với từng người dân tại đất nước này như hình tượng Superman của Mỹ. Vì thế các bạn hãy tìm ra Superman của riêng mình”, ông Hendrick nhắn nhủ.

Một tín hiệu đáng mừng là khán giả đại chúng Việt Nam bắt đầu tiếp nhận những bộ phim mang đề tài đen tối và gai góc hơn rất nhiều, như đề tài bệnh tâm lý trong phim Đêm tối rực rỡ của đạo diễn Aaron Toronto. Trước khi ra mắt phim, đạo diễn người Mỹ này sợ sẽ xuất hiện trào lưu chống lại bộ phim bởi nó nói về những đề tài xã hội nhạy cảm như bạo lực gia đình, bệnh trầm cảm và khuynh hướng tự sát. Ông mừng vì những thông điệp trong phim đã được khán giả Việt Nam đón nhận vô cùng tích cực.