“Cuộc hôn phối” tất yếu
Điện ảnh là công cụ quảng bá hữu hiệu nhất cho du lịch. Đây là cách phát triển du lịch quen thuộc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, năm 1991, sau khi bộ phim Indochina với tựa đề tiếng Việt là Đông Dương được công chiếu tại Pháp, ngành du lịch Quảng Ninh đã ghi nhận làn sóng người Pháp tìm đến thành phố biển xinh đẹp này. Thậm chí, khách sạn nơi diễn ra cảnh quay của nữ diễn viên chính đã kín phòng trong suốt một thời gian dài.
Sau khi bộ phim Kong: Đảo đầu lâu của Mỹ ra mắt khán giả thế giới năm 2017, một loạt địa điểm ở Việt Nam đã từng là bối cảnh của phim như Tràng An, Vân Long, Tam Cốc (Ninh Bình); vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Phong Nha (Quảng Bình) nhanh chóng trở thành điểm đến của nhiều tour du lịch trong nước và quốc tế. Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng tạo cú hích đột phá cho du lịch Phú Yên khi chọn nơi đây làm bối cảnh phim. Hà Giang là vùng đất du lịch nhưng không thể phủ nhận những hình ảnh núi non hùng vĩ, sông nước thơ mộng, con người nồng hậu, ấm áp… thể hiện trong phim Chuyện của Pao đã kích thích một lượng lớn du khách quốc tế xách ba lô tìm đến khám phá mảnh đất này.
Còn thế giới đã quá quen với hiện tượng này. Năm 2012, sau khi Taken 2 và Skyfall (007) ra đời đã tạo nên một làn sóng du lịch đổ về Istanbul, địa điểm quay của 2 bộ phim này. Du khách cho biết họ đã bị ấn tượng mạnh bởi màu sắc, cuộc sống của thành phố mà họ đã thấy trên phim.
“Khu ổ chuột” ở Dharavi, từ một khu chợ nghèo nàn không có sức hấp dẫn đã nhanh chóng “lột xác” trở thành điểm đến của Ấn Độ, sau khi bộ phim Triệu phú ổ chuột với bối cảnh chính quay tại đây giành giải Oscar năm 2009. Bộ phim “bom tấn” Chúa tể những chiếc nhẫn cũng đã giúp ngành du lịch New Zealand thu hút thêm hơn 4 triệu lượt khách chỉ trong một năm. Sau khi bộ phim IRIS của Hàn Quốc - với bối cảnh chính được quay tại Nhật Bản, phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia Nhật- đã ngay lập tức thu hút lượng lớn khách Hàn Quốc đổ sang Nhật, đặc biệt tỉnh Akita nơi diễn ra các cảnh quay.
Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm với các đoàn làm phim quốc tế, ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) cho rằng, việc quảng bá hình ảnh Việt Nam khi các cảnh đẹp xuất hiện ở các bộ phim nổi tiếng, được quay bởi các nhà quay phim hàng đầu, các đạo diễn nổi tiếng, diễn viên nổi tiếng thế giới sẽ đem lại hiệu quả vô cùng to lớn. “Việc quảng bá thông qua những con người nổi tiếng rất hiệu quả”- ông Trần Nhất Hoàng khẳng định.
Hô hào thôi chưa đủ…
Với chiều dài hàng ngàn ki lô mét từ Bắc vào Nam, thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam một dải đất đẹp hiếm có trên thế giới: núi cao hùng vĩ ở Tây Bắc, dải Trường Sơn huyền thoại từ Bắc vào Nam và những di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới… Từng ấy đủ để Việt Nam hoàn toàn có thể nằm trong danh sách các nước có bối cảnh quay phim lý tưởng. Tất cả chỉ còn chờ một cái “bắt tay” thật chặt giữa du lịch và điện ảnh. Rất nhiều hội thảo đã đưa ra bàn bạc vấn đề này nhưng dường như vẫn chỉ… bàn rồi để đó.
Thời gian qua, nhiều bộ phim đã được mang đi tham dự các liên hoan phim thế giới, là cơ hội quảng bá hình ảnh Việt Nam rất tốt, nhưng dường như vẫn chưa gây ấn tượng mạnh. Giới làm phim trong nước cho rằng vướng mắc liên quan đến việc chọn bối cảnh trong các tác phẩm điện ảnh nằm ở kinh phí eo hẹp. Đạo diễn Lương Đức chia sẻ: “Để có một cảnh quay đẹp mà qua đó sẽ là sức hút với du lịch cần có sự đầu tư kinh phí. Ví dụ như ở Hạ Long, nếu quay một cảnh trên bờ tốn 10 triệu đồng thì quay dưới nước chi phí sẽ gấp 5 lần con số đó. Như vậy, nếu không phải là đơn đặt hàng thì ít đạo diễn và nhà sản xuất nào dám mạo hiểm thực hiện những cảnh quay như vậy”. Không có kinh phí thì khó có bộ phim hay, phim không hay thì dẫu cảnh quay đẹp cũng khó mà lan toả rộng rãi ra thế giới.
Sau Kong: Đảo đầu lâu vẫn chưa có thêm đoàn phim nào tới Việt Nam. Các chuyên gia điện ảnh và du lịch đều cho rằng, Việt Nam cần thay đổi chính sách, quy định pháp lý, khung pháp lý để tạo điều kiện cho các dự án hợp tác phim như hoàn thuế, thủ tục hải quan, nhập cảnh người và thiết bị... Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết Bộ đang tiến hành xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi trong đó có những điều khoản liên quan đến việc tạo ưu đãi cho những doanh nghiệp, các nhà sản xuất phim nước ngoài đến thực hiện sản xuất phim, thực hiện các bối cảnh quay tại Việt Nam, nhằm thu hút nhiều hơn nữa những đoàn làm phim quốc tế đến với Việt Nam.
Trở lại Nhật Bản, tận dụng sức hút du lịch từ bộ phim Hàn Quốc IRIS, truyền hình Nhật Bản đã nhanh chóng đưa bộ phim này lên phát giờ vàng, đây có thể nói là một bước đột phá bởi lượng phim quốc tế được chiếu vào giờ vàng ở Nhật Bản chỉ chiếm 4%. Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định khôi phục lại đường bay giữa Akita và Seoul (vốn bị đóng cửa trước đó do ế ẩm) để thuận tiện cho việc phát triển du lịch tại tỉnh Akita sau “cơn sốt” IRIS.
Tất nhiên, không để lỡ “miếng bánh ngon” một lần nữa, khi IRIS ra phần 2, Hàn Quốc quyết định đầu tư, khai thác phim trường ngay tại Soeul. Chính quyền thành phố thậm chí còn góp 300 triệu won vào kinh phí thực hiện bộ phim để có thể giữ độc quyền khai thác dịch vụ du lịch phim trường. Theo như báo cáo từ Sở Du lịch Seoul, ngay sau khi bộ phim hoàn thành, số lượng khách du lịch đến những địa điểm quay phim đã tăng lên từ 2-3 lần. Chính quyền thành phố Soeul cũng đã nhanh chóng xây dựng một tour du lịch nội thành đến các điểm quay phim IRIS để tranh thủ sức hút từ bộ phim.
Có lẽ, đã đến lúc Việt Nam nên thẳng thắn nhìn nhận: chỉ hô hào thôi chưa đủ!