Cá nóc. Trái với vẻ ngoài hiền lành dễ thương, bên trong các mô, da, gan và tuyến sinh dục của cá nóc chứa chất độc tetrodoxin, có thể gây ngứa, rát ở miệng, đau đầu, buồn nôn hoặc mất kiểm soát hành vi. Nếu hấp thụ lượng lớn tetrodoxin, nạn nhân sẽ bị co giật, liệt, rối loạn nhịp tim và tử vong. Thịt cá nóc chỉ ăn được khi chế biến đúng cách để loại bỏ độc tố. Ảnh: Wikipedia.
Ếch phi tiêu độc. Chúng có vẻ ngoài sặc sỡ nhiều màu như đỏ, xanh, vàng. Loài này phân bố chủ yếu ở vùng Trung, Nam Mỹ và quần đảo Hawaii. Tuyến độc của ếch chứa chất batrachotoxin. Đây là chất độc có khả năng làm tê liệt hệ thần kinh vận động dẫn đến tử vong. Ảnh: Dalem77/Flickr.
Rắn Taipan nội địa. Đây là một trong số những loài rắn độc nhất thế giới. Chúng phân bố ở Australia và nọc rắn chứa neurotoxin - chất độc thần kinh gây chết người trong vòng 45 phút. Tuy nhiên người bị rắn Taipan nội địa cắn vẫn có thể cứu được và cho đến nay vẫn chưa có ca tử vong nào do loài rắn này gây ra. Ảnh: Markus Oulehla/Flickr.
Nhện giang hồ Brazil. Nhện giang hồ Brazil hay bị nhầm với nhện chuối - một loài vô hại. Tuy nhiên, khác với nhện chuối, nhện giang hồ Brazil có nọc độc nhất thế giới theo sách kỷ lục Guiness năm 2007. Độc tố serotonin có trong vết cắn của loài nhện này gây ra đau đớn tột cùng trước khi làm cho nạn nhân tê liệt và chết. Ảnh: Andreas Kay/Flickr.
Cá mặt quỷ. Người lặn biển cần phải cẩn thận đặc biệt với những tảng đá trên đáy biển vì rất có thể chúng là những con cá mặt quỷ cực độc ngụy trang. Những cái gai trên lưng cá mặt quỷ chứa chất độc gây hoại tử, sốc và tử vong. Mặc dù chất độc không quá nguy hiểm nhưng hầu hết các trường hợp nhiễm độc xảy dưới đáy biển nên không thể chữa trị kịp thời. Nếu có thể, hãy ngâm vết thương do gai cá mặt quỷ gây ra vào nước nóng trước khi chuyển đến bệnh viện. Ảnh:Warner Bates/Flickr.
Bọ cạp Death Stalker. Loài bọ cạp màu vàng nhạt này sống chủ yếu ở vùng Trung Đông và Bắc Phi. Chúng có kích thước nhỏ nhưng không vì thế mà kém nguy hiểm. Nọc của bọ cạp Death Stalker gây đau đớn và suy hô hấp. Những người có vấn đề về tim hoặc dị ứng có thể chết chỉ sau một cú chích của Death Stalker. Ảnh: Anthony/Flickr.
Bạch tuộc đốm xanh. Loài bạch tuộc này phân bố trên các vùng biển Australia, Nhật Bản, Philippines, Indonesia và Papua New Guinea. Khi bị bạch tuộc cắn, nạn nhân sẽ tử vong vì suy hô hấp. Trong trường hợp sống sót thì di chứng để lại thường là mù vĩnh viễn. Ảnh: Saspotato/Flickr.
Ốc nón Marbled. Chất độc mà loài ốc nón này tiết ra có thể gây một số triệu chứng nhẹ như tê ngứa hoặc đau. Tuy nhiên ở liều cao, nó sẽ khiến người nhiễm độc mất thị lực, suy hô hấp, tê liệt và chết. Điều nguy hiểm hơn là hiện tại không có bất kì chất nào chống lại chất độc này. Nói cách khác là không thể cứu chữa các trường hợp nhiễm độc bởi ốc nón Marbled. Ảnh: Picdd/Flickr.
Rắn hổ chúa. Không phải loài có nọc độc nhất nhưng rắn hổ chúa vẫn đặc biệt nguy hiểm bởi số lượng ca tử vong mà nó gây ra. Chúng thường được tìm thấy trong các khu rừng ở Ấn Độ và Trung Quốc. Rắn hổ chúa có vẻ ngoài đặc trưng với phần mang bạnh ra và khả năng phun chất độc. Độc của rắn gây đau đớn và nếu xâm nhập vào máu thì nó có thể gây tử vong chỉ trong giây lát. 7 ml nọc rắn hổ chúa đủ giết một con voi hoặc 20 người. Ảnh: Michael Allen Smith/Flickr.
Sứa hộp. Độc nhất trong danh sách là sứa hộp, loài sứa nhỏ trôi nổi trên các vùng biển ở châu Á và Australia. Chúng rất khó nhìn thấy nếu không chủ động tìm kiếm. Chất độc nematocysts tiết ra từ sứa hộp khi xâm nhập vào máu sẽ khiến huyết áp tăng cao. Nạn nhân sẽ chết bởi một cơn đau tim sau đó. Khi bị sứa hộp tấn công, tuyệt đối không chườm đá hoặc nóng cho vết cắn. Thay vào đó hãy ngâm vết thương vào giấm ăn và đến ngay bệnh viện cấp cứu. Ảnh: David Lambert/Flickr.