Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng vừa trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội một số công việc nhằm triển khai thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Trong đó có quy định về công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Luật sửa đổi vừa được thông qua đã bổ sung quy định thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc quản lý công tác cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương mình.
Hiện tại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một số văn bản quy định, hướng dẫn về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu và bảo đảm chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội nói chung, đặc biệt Nghị quyết quy định bổ sung một số chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội. Trong đó đã có một số quy định về việc quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Tuy nhiên, các quy định này vẫn còn khá tản mát và chưa thật sự đầy đủ, cụ thể.
Để bảo đảm thực hiện các quy định mới, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, rà soát các văn bản hiện hành quy định thực hiện công tác cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Điển hình như trách nhiệm thực hiện quản lý cán bộ, cơ chế phối hợp trong quản lý cán bộ, chế độ lương, việc quy hoạch, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển…và việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội để đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác này trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sắp tới.
Uỷ ban cũng đề nghị giao Văn phòng Quốc hội chủ trì, nghiên cứu, rà soát các văn bản hiện hành quy định về việc bảo đảm chế độ, chính sách và điều kiện bảo đảm khác đối với đại biểu Quốc hội, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền hoặc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định, hướng dẫn về cơ chế bảo đảm kinh phí hoạt động cho các Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết, để đảm bảo tính chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tránh xảy ra vi phạm trong quá trình bầu cử, luật đã bổ sung một khoản quy định về tiêu chuẩn quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội. Theo đó, luật quy định, ngoài những tiêu chuẩn chung, ĐBQH có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, luật cũng tăng tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên ít nhất 40%, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu hoạt động chuyên trách từ Quốc hội khóa tới. Từ đó, tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định, phê chuẩn số lượng và danh sách đại biểu Quốc hội chuyên trách tại mỗi đoàn để đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương.