Đi tìm kiến trúc đặc trưng Hà Nội

TP - Thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, với nhiều đặc trưng kiến trúc khác nhau. Việc bảo tồn các giá trị truyền thống và yêu cầu phát triển đô thị hiện đại luôn tạo ra xung đột, buộc các nhà quản lý phải tìm ra giải pháp hợp lý.
Khu đô thị mới Lê Văn Lương kéo dài. Ảnh: Như Ý

Đô thị bản sắc, văn minh, hiện đại

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đánh giá, từ sau giải phóng Thủ đô 10/10/1954 đến nay, Hà Nội đã đổi thay không ngừng. Thủ đô Hà Nội ngày nay không chỉ là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia; trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, kinh tế và giao lưu quốc tế mà còn là một đô thị lớn, phát triển theo hướng đa hệ, bản sắc, văn minh và hiện đại. 

Tuy nhiên, Hà Nội đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức và cũng còn nhiều điều chưa hài lòng. Đó là sức ép về sự gia tăng dân cư cơ học, sự quá tải của hệ thống hạ tầng đô thị, giao thông, dịch vụ y tế, giáo dục, ô nhiễm môi trường sống và xâm hại di sản văn hóa, cảnh quan đô thị.

Theo ông Thảo, lý do tạo áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông và tạo ra thách thức cho công tác quản lý đó là dân số ngày và đêm ở Thủ đô chênh lệch rất lớn. Hà Nội có khoảng 7,3 triệu người đăng ký nhân khẩu, nhưng nếu tính dân số ban đêm thì có khoảng trên 8 triệu người. Còn dân số ban ngày lên tới hơn 10 triệu người.

Trong khi nguồn lực cho đầu tư xây dựng ngày càng khó khăn và khan hiếm, năng lực thực thi, nhất là quy hoạch, xây dựng, quản lý, vận hành đô thị còn hạn chế. Những bất cập, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển; giữa bản sắc và tiên tiến... đang là thách thức không nhỏ cần phải nỗ lực vượt qua.

Đơn cử như việc xây cầu vượt giao thông tại đàn Xã Tắc hay phương án xây cầu đường sắt mới cạnh cầu Long Biên đã buộc phải cân nhắc trong việc chia sẻ lợi ích giữa bảo tồn và phát triển.

Kiến trúc sư Lê Văn Lân - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội nói rằng: “Với cả ngàn năm tuổi, dưới những ô đất của Hà Nội có biết bao ký ức về một quá khứ dựng nước và chống ngoại xâm.

Nhiều di tích lịch sử văn hóa kiến trúc quý giá ẩn mình trong cảnh quan sông dài hồ rộng và cây xanh đầm ấm. Một khu phố cổ, tới nay tuy đã khác nhiều với thế kỷ XVII, XVIII, vẫn có thể tìm gặp biết bao dáng dấp xưa cũ của Kẻ Chợ”.

Theo ông Lân, trong công tác quản lý việc gìn giữ bảo tồn các giá trị truyền thống lịch sử và các yêu cầu phát triển luôn tạo ra các xung đột buộc các nhà quản lý đô thị phải rất năng động, tìm ra các giải pháp hợp lý thích hợp nhằm giải quyết các mâu thuẫn để xã hội phát triển.

Phát triển dựa trên nét đặc thù 

PGS.TS Phạm Hùng Cường- Hiệu Phó Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc bảo tồn và cải tạo đô thị lõi lịch sử gồm khu phố cổ, phố Pháp và các di sản, di tích, vấn đề nhà ở, cải tạo chung cư cũ, nhà nguy hiểm; xây dựng, quản lý các khu đô thị mới… còn đang trong quá trình thực hiện dang dở.

Ông Cường chỉ ra, đô thị Hà Nội đang thiếu nhiều thứ, bên cạnh những tòa biệt thự đẹp, nhiều cao ốc đẹp… thì còn thiếu những đường phố đẹp, thiếu cả không gian công cộng phục vụ cho nhiều đối tượng hưởng thụ. Nhất là thiếu những quảng trường văn hóa, nơi cần phải thực sự là “phòng khách của đô thị”.

Ngã tư phố cổ Hàng Ngang - Hàng Buồm(Hà Nội). Ảnh: Như Ý

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Bùi Xuân Tùng thừa nhận bộ mặt kiến trúc đô thị vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như nhiều khu vực, tuyến phố còn nhếch nhác, đặc biệt là tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo. Trong khi đó kiến trúc đô thị còn chưa làm rõ yếu tố truyền thống đặc trưng của Hà Nội.

Có nhiều nguyên nhân được ông Tùng chỉ ra nhưng vấn đề chính vẫn là do năng lực, trình độ quản lý còn hạn chế, công tác quy hoạch chưa đi trước một bước, quản lý đô thị vẫn nặng về các chỉ tiêu quy hoạch chứ chưa chú trọng đến kiến trúc công trình nên thiếu công cụ để quản lý.

Thêm vào đó là ý thức xây dựng đô thị văn minh của một số cá nhân, tổ chức còn chưa cao và công tác thanh, kiểm tra chưa được thực hiện kiên quyết triệt để, xử phạt chưa đủ mức răn đe, ngăn ngừa.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho rằng, việc phát triển phải dựa trên nét đặc thù của Thủ đô. Đặc biệt, Hà Nội phải sáng tạo trong lập quy hoạch phân khu, dù bị thúc ép về tiến độ nhưng cần đảm bảo chất lượng của các đồ án quy hoạch. Cùng với đó, cần công khai quy hoạch cho người dân được biết.

Theo Thứ trưởng Toàn, quy hoạch chung là định hướng cho toàn thành phố, còn quy hoạch phân khu phải cụ thể hóa, có tính sáng tạo nhưng điều này đến nay vẫn còn hạn chế.

Theo ông Toàn, Bộ Xây dựng cũng đã có những đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, khi nói đến Hà Nội là nói đến hồ Gươm, hồ Tây, phố cổ... và trong quy hoạch đề xuất có hàng chục hồ giống như hồ Gươm, hồ Tây, có những khu phố như phố cổ nhưng phải phù hợp với tập quán sinh hoạt hiện đại, để đến những dịp lễ hội, du khách đến Hà Nội không phải tập trung cả về hồ Gươm, hồ Tây nữa.