Đi tầm chữ Tào Mạt

TP - Mùa hè 1992, tôi theo nhà văn Phạm Hoa vào Viện 108 thăm nhà viết kịch Tào Mạt đang nằm điều trị. Trước lúc đi, Phạm Hoa nói về Đại tá NSND Tào Mạt người từng cùng phòng Văn hóa văn nghệ ở số 4 Lý Nam Đế với chất giọng bao thương mến cùng cảm phục. Bệnh của Tào Mạt không thường mà là ung thư. Lại là thứ ưng thư hiếm gặp. Nhưng ông vẫn luôn lạc quan đùa tếu.
Từng có người thân không may phạm phải thứ trọng bệnh này nên tôi bị ám ảnh suốt một thời gian dài. Theo và nể Phạm Hoa mà đi chứ thật tình vẫn dai dẳng những cảm giác nặng nề ấy. 
Nhưng những ám ảnh ấy hầu như đã bỏ lại ngoài cánh cửa buồng bệnh!
Thần thái Tào Mạt không khác mấy so với hai lần tôi được gặp. Vẫn những lọn tóc xoăn hẵng còn đen rủ xuống vầng trán chỉ thoáng vài nếp nhăn. Vật lộn với trọng bệnh hàng tháng giời mà khí sắc vẫn tươi tỉnh nhất là ông chìa tay ra kèm câu nói vui bắt tay chặt vào xem tớ còn được mấy nả nào? Bàn tay ông vẫn ấm. Những nhìn xuôi xuống thì hỡi ôi, một bên chân ông sưng vác ngó dị dạng. Ở đó có 18 khối u, nhỏ thì bằng chén to thì tày bát, nhiều u đã lở loét. Ông nói những cơn đau vẫn thi thoảng ập đến nhất là buổi đêm. Nhưng tôi vẫn thấy ông thản nhiên trao đổi với Phạm Hoa việc gì đấy của Phòng Văn nghệ chốc chốc lại bật lên những cung bậc cười vui vẻ.
Tào Mạt cho chữ tác giả bài viết 

Từng nghe phong thanh một Tào Mạt thư pháp nổi danh. Nhưng tôi không thể ngờ ngay trên giường bệnh ngay trong căn phòng đậm ê te, mùi cồn, ông vẫn thản nhiên bày đặt ra thứ sở thích, sở đắc của mình. Bên cạnh ông la liệt những khoảng giấy đậu chi chít trên đó những con chữ phóng túng, bay bướm của thứ thảo thư. Kiểu dán mắt vào những con chữ và động thái mồm miệng bập bẹ như đánh vần của tôi đã không qua được mắt ông. Ông cười rút ra một tờ A4 có in góc trái hình Tào Mạt của nhà điêu khắc Minh Đỉnh. Chỉ một loáng, ông vẫy tôi lại, cắt nghĩa mấy chữ ông vừa thảo. Rồi ông nhẹ nhàng áp triện. Lại cẩn thận biên thêm dòng lạc khoản Tặng Xuân Ba để kỷ niệm. Loáng thoáng nghe là ngữ nghĩa mấy chữ ông cho vẻ rất được. Định biên lại thì lúc ấy một tốp khách thăm khác lại vào phòng. Phạm Hoa và tôi đành tạm biệt.

Không ngờ lần ấy là lần cuối. Đầu năm sau ông mất.
Lại nói cái tờ A4 ấy, do không có kinh nghiệm và tính lại ẩu nên tôi dán lên khoảng tường chỗ bàn làm việc trong căn phòng chỉ mấy mét vuông trong khu tập thể xập xệ. Năm sau, năm sau nữa tôi mới giật thột bởi cái giống gián đã âm thầm dũi vào khoảng giấy do ẩu tả khi dán lên dùng cơm nguội bệt vào. 
Hốt hoảng bóc ra lại thêm một tệ hại là đã khuyết đứt đi hai chữ. Bi đát nữa là sau khi thần người ra, tôi tự dưng tịt ngóm, quên bẵng hẳn ngữ nghĩa của bức thư pháp!
Làm thế nào bây giờ? Hỏi Phạm Hoa thì lão chỉ ú ớ. 
Không biết và trót quên thì hỏi, tự ti làm gì? Đã bao lần, khi hăm hở lúc thất thểu, tôi thủ bức thư pháp bị bong tróc ấy tìm đến các cửa.
Đầu tiên là các đồng môn cùng khóa 17 ở Viện Hán Nôm tất thảy đều nhíu mày rồi lắc đầu! Không nản, Tết năm ấy, tôi đem bức thư pháp có chữ của Tào Mạt ra hỏi các đấng đang bày sạp chữ ở Miếu Văn. Thông thạo các ngón triện hoặc lệ thư hay đá thảo như cụ Lê Xuân Hòa, Việt Răng đen… nhưng các vị cũng ngớ ra. Tầm cuồng thảo như Cung Khắc Lược cũng lắc. Để ý thấy thường mỗi vị phán mỗi cách, nhưng khi xâu chuỗi lại thấy khó chấp nhận về ý tứ ngữ nghĩa. Lọ mọ tìm đến bậc túc nho ẩn sĩ thành Thăng Long Lỗ Công Nguyễn Văn Bách. Ngồi chưa ấm chỗ đang than vãn về cái chữ bị khuyết của Tào Mạt thì cụ Bách cười nói luôn chữ của Tào Mạt thì tớ chịu!
Ông bạn GS.TS Nguyễn Công Việt khi ấy là Viện trưởng Viện Hán Nôm lý giải thế này.
Thứ chữ Tào Mạt thuộc dạng cuồng thảo nhưng chả theo một thứ trật tự khuôn mẫu nào cả. Thêm nữa kết cấu từ ngữ cùng mạch thơ mà Tào Mạt dùng không hề vương vất cái ngữ nghĩa của bất kỳ cổ thi hay tác giả nào. Người được cho là rành thạo tàm tạm chữ Hán theo cái ý nào đó mà đoán mà suy có thể biết được nội dung bài thơ hoặc tác giả nào đó vì đã sẵn cái vốn từa tựa như thứ từ điển đã nằm lòng! Nhưng trước những con chữ cùng bài thơ của Tào Mạt đa phần đành bó tay chấm com! Bởi vì từ ngữ ông dùng cũ đấy mà mới đấy. Và tất tật đều tùy hứng chứ không nệ chẳng theo một cái mạch hay kết cấu của tác giả nào khác dẫu đó là Thần thi lẫn Thánh thi! Năng lực tự học mà thâm hậu như thế quả là đáng nể thay.
Nhớ lại lộ trình tầm chữ bị khuyết của Tào Mạt, có lần nhà văn Phạm Hoa dẫn tôi đến chỗ nhà văn Xuân Thiều. Xuân Thiều và Tào Mạt vốn là bạn đồng niên rất thân nhau lại cùng hay chữ. Cả hai từng cùng ở một binh trạm ở Trường Sơn những năm bom đạn Mỹ. Tôi ngạc nhiên thấy nhà văn Xuân Thiều đón lấy bức thư pháp ngó lom lom rồi thư thả vái… một lạy!
Rồi ông kể. Giữa năm 1983, ông có một truyện ngắn in ở một tờ báo nọ nhưng bị bóc vì có vấn đề! Dịp ấy tại Trại sáng tác Quảng Bá, TBT Lê Duẩn đang nghỉ gần đó tình cờ ghé chơi chỗ các nhà văn. Trong không khí cởi mở thân tình, một cuộc chuyện trò nhuốm chút tranh luận, TBT (chắc chỗ thân tình?) đã nửa đùa nửa thật mắng vui Xuân Thiều, nhà văn mà… ngu! Chuyện ấy khiến Xuân Thiều đâm nghĩ ngợi và cứ buồn mãi!
Lần ấy Tào Mạt ghé chơi. Biết thêm bạn vừa bị cái hạn bóc bài. Tào Mạt vớ lấy mảng giấy và loáng cái đã thảo xong một tứ tuyệt. 
Khứ niên Hoàng đế mạ kỳ ngu/ Hạnh đáo kim xuân truyện đắc thu/ Bác tước văn chương nguyên khả nộ/ Ngưỡng thiên đại tiếu, tiếu hi hu! (Năm ngoái bị nhà vua mắng là ngu/ May quá năm nay truyện “được” thu/ Tước bỏ văn chương nguyên đáng giận/ Ngửa mặt lên trời cười hi hu!)
Xuân Thiều phục quá! Hi hi thì đúng là cười rồi, còn hi hu thì không biết là cười hay khóc nữa. Hi hu thì mấy ai dám dùng! Chữ nghĩa của Tào Mạt độc đáo vậy đó.
Yếu tố lạ và độc đáo trong cung cách sáng tác và thể hiện bộ ba vở chèo Bài ca giữ nước đã làm nên thành công vang dội của NSND Tào Mạt. Đã thăng hoa vị trí của Đoàn chèo Tổng Cục Hậu cần. Kỷ niệm bảy năm vở chèo được công diễn, Tào Mạt ngầm thưởng cho mình trong một bài thơ hào sảng hiếm hoi trong đó có hai câu “Bảo quốc chi ca dĩ thất niên/ Chí kim thư ký tổng giai nguyên (Bài ca giữ nước đã bảy năm rồi. Đến nay kịch bản và biểu diễn vẫn nguyên vẹn). Nói ngầm bởi Tào Mạt cực khiêm nhường nhất là hiếm việc tự khen? Nhưng ông buột ra sự tự tin hào sảng ấy nhưng kín đáo trong bài thơ chữ Hán! Cũng cách dùng chữ độc đáo lại có phần hóc hiểm nữa đã bầu lên một Tào Mạt thư pháp!
Bức thư pháp bị khuyết hai chữ đang chờ…
Vẫn tiếp tục chặng lộ trình tầm chữ. Năm ấy tôi tìm đến nhà thơ Vương Trọng. Từ lâu nghe trong giới viết kháo nhau, Tào Mạt có bài thơ chữ Hán dịch từ bài Viếng mộ cụ Nguyễn Du của Vương Trọng khá thần thái. Quả là danh bất hư truyền cái công cái tài chuyển ngữ của cụ Tào Mạt. Chỉ ba chữ Nguyễn Du phần biên tên bài thơ đã toát yếu nên cái thần thái bài thơ của Vương Trọng.
Nhà thơ Vương Trọng kể lại hoàn cảnh ra đời bản dịch bài thơ ấy thế này: Đầu năm 1983, chuyện với Tào Mạt, nhà thơ Vương Trọng được Tào Mạt bộc bạch là rất khoái bài thơ Bên mộ cụ Nguyễn Du đăng trên tuần báo Văn Nghệ. Tào Mạt muốn nhờ tôi chép tặng “để mình treo vào chỗ trang trọng”.
Ông kéo tôi vào phòng ông, xịch ghế, đưa cho tôi một tờ giấy và chiếc bút bi, bảo tôi chép ngay. Tôi cố viết nắn nót cho dễ đọc, trong khi tôi ngồi ghế chép thì ông ngồi chênh chênh góc bàn theo dõi từng chữ. Khi tôi chép xong bài thơ dài 24 câu và dò lại một lần xem có sai sót gì không để trao cho ông thì nghe ông bảo “Xong” một tiếng. Lúc đầu tôi tưởng ông bảo tôi chép xong, nhưng không, ông bảo: “Mình đã dịch xong bài thơ của ông ra tiếng Hán” Tôi ngạc nhiên: “Anh dịch khi nào mà nhanh thế?”. “Thì vừa xem ông chép, vừa dịch”. Bản dịch này khi tôi đưa cho một số người giỏi Hán ngữ xem thì ai cũng khen, thậm chí bảo rằng có những khổ hay hơn nguyên tác.
Hay hơn cả nguyên tác! Nghe chuyện Vương Trọng mà tôi toát cả mồ hôi… Chữ nghĩa cụ Tào Mạt uẩn súc nhường ấy thì mấy cái chữ dẫu cụ chỉ ban cho cái thứ mọn thường như tôi thì đi tầm nã chi cho nhọc? Bởi chữ cụ cho đâu có theo cái thói thường và cung cách ước lệ hoặc có sẵn trong sách nào đó? 
Lần ấy ngồi chuyện với ông Dương Nghiệp Bảo một Việt kiều từng là Tổng Thanh tra Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) nhiều năm. Ông quê ở Vân Đình là chỗ hậu duệ của các danh sĩ Dương Khuê, Dương Lâm. Câu chuyện ngược mãi về thời xa ngái… Cụ thân sinh của thân phụ ông là cụ Nghè Tiến sĩ Dương Thiệu Tường có một dinh thự đồng thời cũng là ngôi nhà thờ tổ họ Dương. Trông coi cơ ngơi ấy là hai cha con lão bộc quê ở Thạch Thất. Mỗi lần các thành viên dòng họ Dương về dâng hương hay tổ chức hát ca trù là hai cha con lão bộc sáng ý và tận tụy ấy đã bày biện mọi thứ rất chu toàn. Cậu con trai người lão bộc ấy có tên là Nguyễn Duy Thục, đại tá NSND Tào Mạt sau này!
Hai người đã gặp nhau, nhận ra nhau trong một cuộc gặp tình cờ khi Tào Mạt đã khá nổi tiếng!
Nghe chuyện vị quan chức ADB ấy, tôi chút bâng khuâng… Có thể những màu sơn thếp của hệ thống hoành phi câu đối giăng mắc trong dinh thự họ Dương và âm thanh những đêm ca trù ấy dường như là cú hích định mệnh để bầu nên một tác giả một nghệ sĩ chèo và thư pháp gia Tào Mạt tài hoa?  
Bao năm đã vèo qua…  Mỗi khi lật giở đám giấy tờ, tấm thư pháp đã bong tróc mang di bút của Tào Mạt tiên sinh bỗng trồi ra lại thấy như mình có lỗi. Nhân năm mới Tân Sửu, đính kèm bài viết này trên Tiền Phong Chủ nhật với phập phồng mong đợi thể nào cũng được các bậc thông tuệ cùng cao nhân chỉ giáo!