Đi săn rắn độc

TP - Với những người dân nghèo săn rắn ở núi Ông Xiêm, tỉnh Bình Thuận, cái đích cuối cùng cũng là miếng cơm, manh áo, nhưng nhiều khi phải đánh đổi cả mạng sống.

> Nghệ An: Nghề săn rắn độc
> Về miền Tây, vui với lũ

Xứng danh Sáu rắn

Tôi về vùng Ba Họng, xã Phú Lạc, Tuy Phong (Bình Thuận). Vùng quê hiu hắt, có những căn nhà nhỏ liêu xiêu, nằm bên ruộng đồng, sông suối. Hỏi thăm Sáu rắn, tức anh Nguyễn Quốc, 45 tuổi, một cao thủ săn rắn thì ai cũng biết.

Ngôi nhà của Sáu rắn nằm ngoảnh mặt ra cánh đồng lúa xanh um, bốn mùa lộng gió. Ngồi bệt giữa sân, loay hoay sửa lại bộ đồ nghề săn đêm, Sáu rắn chỉ vào cái nơm bắt cá, nhử lươn, cái vợt bắt ếch, cây sào săn rắn, bộ đèn pin để rọi đường…bảo rằng nhờ nghề này mà vợ chồng kiếm thêm tiền nuôi 2 đứa con ăn học. Sáu rắn là con thứ 6 trong một gia đình nghèo gốc Phú Yên, từ nhỏ đã lăn lộn khắp trong Nam ngoài Bắc, làm đủ nghề từ rừng đến biển, rồi “đậu” lại mảnh đất này gần 20 năm. Sáu rắn cho biết làm nghề săn rắn không đòi hỏi vốn liếng, chỉ cần gan lỳ một chút là nhập môn. Cầm cây sào tre và cái đèn pin là kiếm được tiền mỗi đêm. Sáu alô một người bạn hàng xóm cùng đi. Anh này cũng là một cao thủ bắt rắn, không ít lần anh tóm được những con rắn nặng tầm 3kg, dài hơn 2m trong vài giây.

Mặt trời khuất dần sau ngọn núi Ông Xiêm, bóng tối phủ xuống làng quê nghèo cũng là lúc chúng tôi lên đường. Soi rắn vào ban đêm cực kỳ vất vả, phải lội suối, băng rừng đi khắp các ngõ ngách, hang động. Vừa rọi đèn vào là rắn lao thẳng hướng ngọn đèn. Rắn hổ mang gió, chưa kịp bắt thì đã dựng ngược đầu lên, hai má phình ra, mắt long sòng sọc, chớp chớp liên hồi, nọc thè lè, xịt ra luồng gió ghê người. Sau gần 2 giờ đồng hồ băng đồng, chúng tôi lọt vào một vùng bán sơn địa. Xung quanh, màn đêm đen kịt, tiếng côn trùng rên rỉ, tiếng chim mèo ăn đêm kêu rợn người. Lần theo nhánh suối nhỏ ẩm thấp, ánh đèn pin trên đầu anh Sáu lia qua lia lại trên những nền đất nhấp nhô. Chợt anh khựng người, ra hiệu dừng lại. Phía trước là con rắn to dài, mình điểm khoang vàng, khoang đen đang vươn cao đầu, cặp mắt láo liên quan sát động tĩnh và cái lưỡi chẻ đôi thè ra đánh hơi. Tôi vội lùi xa cho an toàn, Sáu rắn quyết định ra tay. Cầm cây sào tre đầu có gắn miếng sắt dẹt hình chữ V, đưa qua đưa lại để làm cho “lãnh chúa” phân tâm, nhanh như cắt, Sáu rắn đè mạnh đầu con rắn xuống đất, phóng tay thộp cổ. Con rắn cong mình giãy giụa. Anh bạn đi cùng hứng ngay cái túi để Sáu quẳng con rắn vào gọn lỏn. “Mai gầm đấy, hiếm lắm. Gặp nó thì hết sức cẩn thận, động tác phải nhanh, chính xác, chứ lơ tơ mơ, lạng quạng nó phập thì toi mạng” - Sáu rắn giải thích.

Đi sâu vào một nơi khá nhiều lùm bụi. Ánh đèn quét trên những lùm cây um tùm... 5 phút, 10 phút rồi cuối cùng Sáu cũng phát hiện một cái bụng trăng trắng đang vắt vẻo trong bụi cây phía trước. Trở đầu cây sào tre có gắn cọng sắt hình móc câu, từ từ hướng về con rắn đang nằm, giật mạnh làm chú rắn bay về hướng mình. Nhanh như chớp, Sáu rắn chụp lấy con rắn rồi quay tròn nhiều vòng, vuốt mạnh từ cổ xuống dưới đuôi, làm con rắn ngay đơ. “Đây là rắn lục. Cũng ghê gớm lắm. Với nọc độc của nó, nếu không cấp cứu kịp thời dễ theo ông theo bà"- Sáu rắn nói. Tiếp tục cuộc săn lùng, dưới ánh đèn pin, thêm một con rắn nữa được phát hiện. Rắn nằm thấp hơn thân người nên trong chớp mắt, Sáu đã choàng tay ra túm lấy mà không cần đến dụng cụ hỗ trợ.

Càng về khuya, sương xuống ướt đầm vai áo, cái lạnh cắt vào da thịt. Không cần xem đồng hồ, Sáu đoán chắc đã nửa đêm vì tiếng côn trùng mỗi lúc một gần, lớn hơn và dày đặc hơn. Theo kinh nghiệm của anh, nơi nào nhiều côn trùng, ếch nhái…thì là điểm săn mồi ưa thích của rắn. Dẫn chúng tôi lội trên vùng trũng nước, cỏ dại um tùm, Sáu phát hiện một con rắn đang thoăn thoắt lao đi trước mặt. Lẹ làng như tên bắn, anh phóng người theo. Chưa kịp định thần thì anh đã cầm gọn con rắn màu xám to như ngón chân cái, dài ngoằng. Chiếu ánh đèn lại gần, tôi thấy hai chiếc răng nanh trong miệng con rắn đang quặp sâu vào bàn tay anh, máu rỉ ra thành giọt. “Đây là rắn nước, nó cắn chảy máu vậy chứ không xi-nhê”- Sáu nắm đầu con rắn bỏ vào bị.

Đang bủn rủn tay chân, tôi lại nổi da gà khi Sáu rắn thông báo: “Chú em đi nhớ quan sát dưới chân. Ở đây cỏ rậm rạp, lại có mưa, rắn hổ mèo, hổ ngựa, lục nưa…thường nằm trên đường để bắt mồi. Đụng nó là…tiêu đời”. Rồi anh kể những vụ bị rắn cắn thập tử nhất sinh, phải tháo khớp xương tay, chân và phải mang tật suốt đời. Cách đây không lâu ở xã Phú Lạc đã có người tử nạn vì rắn. Hôm đó, hai cha con nhà nọ bắt được con rắn hổ mang chúa nặng gần 4 kg. Không biết luýnh quýnh thế nào, con rắn làm một cú đớp oan nghiệt vào tay người con, rồi xổng ra bỏ chạy. Tiếc của, người cha lao theo chụp lại, lãnh tiếp cú đớp thứ hai. Sau vụ con rắn cướp đi hai mạng người, dân săn rắn chùn tay. Nhưng rồi rắn độc có giá cao, một đêm hên trúng chừng 1-2 kg rắn cũng có bạc triệu bỏ túi. Hấp dẫn như thế, người ta lại tiếp tục đổ xô đi săn lùng. Cứ thấy rắn là lao theo.

Dưới chân tôi cứ cảm thấy rắn như đang chực chờ để đớp và phun nọc độc. Sáu rắn cười: “Nhiều khi nghĩ cũng sợ thật nhưng thấy vợ con nheo nhóc, chạy ăn từng bữa, nên liều. Nghề nào nghiệp nấy. Hơn nữa đi riết rồi thành quen. Không bị rắn cắn đã mừng, nhưng không tránh khỏi việc té ngã xây xát mình mẩy tay chân, rồi thức đêm, dầm sương nên sức khoẻ giảm sút”. Anh bạn đi cùng thêm vào: “Nói chú em đừng cười chứ nghề của tụi tui là mong đêm nào cũng gặp rắn độc để có được nhiều tiền lo cho con cái. Trước đây khu vực này có rất nhiều loại rắn độc như rắn hổ chúa, hổ trâu, ngựa, hổ mèo nhưng do nhiều người bắt nên giờ cũng cạn kiệt. Mà đâu riêng gì dân ở đây, cả những người từ nơi khác cũng kéo đến”.

Mặt trời ló rạng, Sáu rắn tuyên bố kết thúc cuộc đi săn.

Mỗi kg rắn độc, 800 ngàn đồng

Trong căn nhà nhỏ nằm giữa đồng không hiu quạnh, Sáu rắn trút bỏ đồ nghề, mở túi, cười hạnh phúc. Anh bạn đi cùng cho rằng số lượng thì được nhưng chất lượng chưa ngon vì đa số là rắn lãi, rắn ráo, rắn nước. Giá chỉ 120.000 đồng/ kg. “Thôi, có còn hơn không. Rắn độc bắt miết nó cũng hết, giờ có rắn là được rồi, kể chi loại gì, to nhỏ”- Sáu rắn phân trần. Vậy là sau một đêm vất vả, anh kiếm được 3 kg rắn, bỏ túi gần 400.000 đồng. Số tiền không nhỏ đối với người dân nghèo như anh.

Săn rắn, nghề hấp dẫn ở núi Ông Xiêm.

Đãi khách món quà quê, Sáu bắt mấy con rắn ráo cắt tiết, lột da. Những chú rắn oằn mình theo những giọt máu tươi nhỏ xuống chai rượu. Con rắn có nhiều công dụng, mỡ để bôi vết thương, mật làm thuốc giải cảm, tiêu đờm, nọc dùng để chữa động kinh, hen phế quản, rong huyết…Đặc biệt, rắn ngâm rượu là thuốc “tráng dương, bổ thận” giúp cánh mày râu có “công lực thâm hậu”.

Chẳng mấy chốc, mâm nhậu được bày ra, mùi thơm từ thịt rắn xào ớt bay ngào ngạt, cay nồng. Nhấp ly rượu, Sáu nói: “Dân săn rắn chúng tôi từng có ý định bỏ nghề, nhưng miếng cơm manh áo lại giữ chúng tôi lại…Rắn sinh sản không nhiều, nó mà tuyệt chủng thì ruộng đồng xác xơ vì lũ chuột, sâu bọ sinh sôi nảy nở”. Anh bạn hàng xóm tiếp lời: “Trước kia, thỉnh thoảng mới có người bắt vài con rắn, gọi là đổi khẩu vị cho vui. Nhưng giờ mốt nhậu thịt rắn, uống rượu tiết rắn, dùng rắn ngâm thuốc để “sung như mãng xà vương” của cánh đàn ông gia tăng, nên càng có nhiều người đi săn lùng, bắt rắn để bán”.

Theo lời Đức, một tay thu mua rắn lưu động, thì Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ rắn rất mạnh. Đặc biệt từ khi thông tin rắn hổ đất, rắn lục trị được bệnh ung thư lan truyền, rắn rất hút hàng. Loại cực độc như hổ mây, hổ mang, hổ chúa, cạp nong…được giới lắm tiền nhiều suy tôn là “thần dược” đáp ứng nhu cầu “bản lĩnh đàn ông” nên đặt mua với cái giá cao ngất ngưởng. Rắn mua tại chỗ từ 700.000-800.000 đồng/kg, còn vô tới nhà hàng, quán nhậu thì phải tính bạc triệu”.

Sáu rắn bảo: “Mình nghèo, kiếm được tiền cũng mừng nhưng không có gì hơn mạng sống”.

Gốc tích tên gọi Ba Họng chỉ đơn giản là nơi 3 họng mương lớn bắt nguồn từ núi rừng chảy ra 3 hướng. Địa hình hiểm trở, đồi núi tự nhiên xen lẫn sông suối, ruộng đồng, là địa bàn sinh sống lý tưởng của nhiều loài rắn độc. Do giá rắn độc rất đắt, trọng lượng càng lớn giá càng cao, nên rất nhiều người đã vào khe suối, hang núi, bụi rậm, ruộng đồng tìm bắt.

Theo Báo giấy