Thực tế, người đi lễ hội ngày nay đang trượt vào những hành vi vừa mê muội, vừa thiếu văn hóa như chen lấn, xô đẩy, tranh cướp, gài tiền lẻ vào tượng phật… Những điều này, như đã được khẳng định, là không có hoặc chỉ là một thiểu số trong quá khứ. Vậy theo ông, đâu là lý do chính để những hành vi và tâm lý lệch lạc như vậy liên tục nảy sinh trong thời gian qua? Người Việt thực sự tìm kiếm điều gì khi đi hội?
Nếu nói “người đi lễ hội ngày nay” đang trượt vào các hành vi mê muội là chưa chính xác. Đúng hơn là vẫn có “một số lượng không nhỏ người đi lễ hội” vẫn còn có các hành vi như vậy. Lý do chính để những hành vi và tâm lý lệch lạc vẫn liên tục nảy sinh đó là do nhận thức sai lầm. Người ta đã nhầm lẫn khi cho rằng cướp được lộc sẽ mang lại may mắn, tài lộc. Chính vì vậy, họ sẽ bất chấp để đoạt lấy và không cần để ý đó có phải là hành vi phản cảm, thiếu văn hóa hay không.
Bên cạnh vấn đề từ du khách, theo ông, phía tổ chức lễ hội, cụ thể là ban tổ chức lễ hội tại các địa phương hay trụ trì các nơi thờ tự, có lỗi trong việc để diễn ra tình trạng này không?
Tôi nghĩ ban tổ chức lễ hội, trụ trì các nơi thờ tự cũng đã cố gắng rất nhiều để hạn chế những hiện tượng phản văn hóa tại các lễ hội. Tuy nhiên, rất khó để ngăn cản “tâm lý đám đông mù quáng” không cần biết gì khác ngoài việc tranh cướp bằng được một vật nào đó về cho mình.
Một vấn đề nổi cộm trong xuân qua là việc thu phí tại các di tích, trong đó có các chùa như Yên Tử, và nhiều nhà tu hành đã phản ứng gay gắt về điều này. Xin ông chia sẻ quan điểm của mình?
Về vấn đề này, tôi cho rằng, điều quan trọng không phải ở chỗ có thu phí hay không, mà là ở chỗ thu phí như thế nào? Thu phí ở di tích nào? Không phải chỗ nào cũng có thể thu phí. Hay nói cách khác, mức thu phí, cách thức thu phí có hợp lý hay không.
Người dân đến Yên Tử chịu nhiều khoản phí dịch vụ như cáp treo, xe điện và cả tiền giọt dầu, công đức nên họ vẫn cho rằng khoản thu vé tham quan là bất hợp lý và mất ý nghĩa của chuyến hành hương. Ông nghĩ sao về điều này?
Như trên tôi đã nói, quan điểm của tôi là mức thu như thế nào cho hợp lý thì người dân sẽ không phản đối, nếu quá cao thì người ta phản đối là đúng rồi. Việc thu phí để xã hội hóa nguồn kinh phí đảm bảo công tác phục vụ người dân tham quan lễ hội, di tích cũng như phục vụ cho việc tu bổ, chỉnh trang, xây dựng di tích cá nhân tôi ủng hộ.
Khoảng hơn 8 nghìn lễ hội mỗi năm, nhiều người kêu gọi giảm số lượng và rút ngắn quy mô, trong khi nhóm khác lại cho rằng lễ hội cần thiết cho đời sống tinh thần. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Rất khó để nói rằng 8.000 hay 9.000 lễ hội là nhiều hay ít. Điều quan trọng là những lễ hội đó có mang lại ý nghĩa trong đời sống tinh thần của mọi người hay không. Theo tôi, rất nên xem xét, rà soát để loại bỏ những điều phản cảm, những hoạt động mang tính lợi dụng để trục lợi đang diễn ra trong các lễ hội hiện nay.
Có người nói tới “sự mồ côi tâm linh của người Việt”, có phải vì lẽ đó dù ở thế kỷ 21 nhưng một bộ phận không nhỏ người Việt vẫn cả tin, cuồng tín tới mức xì xụp khấn vái con cá chép, cúng dâng cả trăm triệu cho một cặp rắn bò trên ngôi mộ vô danh?
Tôi cho rằng, hiện tượng mê tín, thậm chí là cuồng tín vẫn luôn tồn tại ngay cả khi chúng ta đang ở thế kỷ 21. Từ niềm tin tôn giáo thuần túy nếu không có được nhận thức đúng đắn, sẽ có thể chuyển sang mê tín. Do vậy, đây là vấn đề nhận thức chứ không phải do sự thiếu hụt hay “mồ côi tâm linh” của người Việt.
Vừa rồi Giáo hội Phật giáo có công văn khuyến nghị bỏ đốt vàng mã. Các vị chức sắc cũng nhiều lần nói về việc Giáo lí nhà Phật không có tục đốt vàng mã hay dâng sao giải hạn, tuy nhiên người dân vẫn cứ lao theo niềm tin ấy, còn nhà chùa cũng “chiều” theo nhu cầu của dân. Quan điểm của ông về vấn đề này? Theo ông liệu lời khuyến nghị của Giáo hội có khả thi không?
Tôi cho rằng, công văn của GHPGVN lần này phát đi thông điệp khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu ban trị sự phật giáo các tỉnh, thành phố, các cơ sở phật giáo đều quyết tâm cao thì tính khả thi sẽ lớn hơn. Bên cạnh đó báo chí và các cơ quan khác cũng nên phối hợp tuyên truyền để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Cảm ơn ông!