Đi lao động nước ngoài: Tranh giành hợp đồng, người lao động lãnh đủ

TP - Liên tục nhiều năm qua, tình trạng người lao động (LĐ) đi làm việc ở nước ngoài phải trả phí cao hơn quy định vẫn diễn ra khá  phổ biến. Nguyên nhân mấu chốt bởi các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cạnh tranh để giành hợp đồng, rồi tính hết chi phí lên người LĐ.
Theo khảo sát của Viện VEPR, thực tập sinh Việt Nam đi Nhật Bản phải bỏ phí cao hơn quy định. Ảnh: người lao động cung cấp.

Đi vay để trả gánh nặng phí

Phản ánh với Tiền Phong, anh Võ Thanh Tuấn (20 tuổi, quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, để được sang Đài Loan làm việc, gia đình anh phải bỏ ra 5.800 USD tiền phí. Mức phí anh Tuấn bỏ ra để được sang Đài Loan làm việc cao hơn 800 USD so với quy định của Bộ LĐ-TB&XH. Như nhiều người khác, anh Tuấn phải thông qua môi giới người địa phương mới biết được công ty xuất khẩu LĐ nào đang tuyển người, làm ở đâu, thu nhập thế nào. Vì vậy, những người LĐ như anh Tuấn chấp nhận phải bỏ thêm chi phí cho môi giới.

Báo cáo mới đây của Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận, dù quy định mức phí người LĐ phải bỏ ra để được đi Đài Loan làm việc không vượt quá 5.000 USD/người/hợp đồng 3 năm (gồm cả tiền ký quỹ). Tuy nhiên, trong những năm qua, tình trạng người LĐ bị thu phí cao hơn quy định diễn ra tương đối phổ biến. Thậm chí, thời điểm trước năm 2012, nhiều người LĐ bị thu đến 6.000 USD, có trường hợp bị thu trên 6.000 USD.

Tương tự với thị trường Nhật Bản. Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, cơ quan này đã thực hiện khảo sát và nhận thấy nhiều LĐ phải bỏ phí cao hơn quy định để được đi làm việc tại Nhật Bản.

Cụ thể,  khảo sát doanh nghiệp xuất khẩu LĐ và người LĐ đi Nhật từ tháng 12/2016 tới tháng 6/2017 cho thấy, tổng chi phí 1 thực tập sinh bỏ ra để được sang Nhật là 5.300 USD/hợp đồng 3 năm. Trong khi quy định của Bộ LĐ-TB&XH chi phí với thực tập sinh đi Nhật không quá 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm.

Trong số tiền các thực tập sinh bỏ ra để được đi Nhật, doanh nghiệp phái cử hưởng 4.400 USD, mất phí cho môi giới 900-1.000 USD. Trong khi, gần 90% (khoảng 4.700 USD) số tiền người LĐ phải đi vay. “Nhiều thực tập sinh thiếu thông tin, phụ thuộc môi giới, khiến chi phí thực tế người LĐ bỏ ra cao hơn quy định”, ông Thành nói.

Ngoài ra, mức phí đi Nhật cao cũng tới từ sự cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp xuất khẩu LĐ Việt Nam. Có tình trạng, doanh nghiệp phái cử trả tiền cho đối tác phía Nhật Bản để có được đơn hàng, sau đó khoản tiền này đổ lên đầu người LĐ.

Việc doanh nghiệp xuất khẩu LĐ cạnh tranh không lành mạnh đẩy gánh nặng phí lên đầu người LĐ cũng được Bộ LĐ-TB&XH ghi nhận. Như tại thị trường Đài Loan, không ít doanh nghiệp xuất khẩu LĐ Việt Nam chấp nhận trả phí cho đối tác Đài Loan từ 3.000 - 4.000 USD. Cùng với đó, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu đi xuất khẩu LĐ để làm cò mồi, môi giới, lừa đảo thu tiền của người LĐ.

Tại những thị trường khác như Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, Algeria… nhiều người LĐ phản ánh họ phải mất thêm phí vì thông qua môi giới người địa phương.

Bỏ ký quỹ để giảm gánh nặng phí

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, việc thu phí cao của người LĐ đi làm việc ở nước ngoài cũng có phần nguyên nhân từ các đối tác tiếp nhận LĐ. Ông Diệp dẫn chứng thị trường Nhật Bản, có nghiệp đoàn chỉ có hợp đồng tiếp nhận 18 LĐ Việt, nhưng họ rải thông tin cho 11 doanh nghiệp xuất khẩu LĐ phía Việt Nam.

Rồi yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam nào ưu đãi nhất cho phía họ sẽ có được hợp đồng cung ứng 18 LĐ đó, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Theo quy định, doanh nghiệp Nhật nào sử dụng LĐ Việt Nam phải chi trả tiền vé máy bay, chi phí quản lý lao động cho phía Việt Nam. Nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu LĐ Việt Nam sẵn sàng miễn những khoản phí đó cho phía Nhật để giành hợp đồng, và đổ chi phí đó lên đầu người LĐ.

Trước tình trạng thực tập sinh Việt Nam tại Nhật bỏ trốn ngày càng tăng, Bộ LĐ-TB&XH cho phép các doanh nghiệp được yêu cầu người LĐ ký quỹ trước khi đi (khoảng 100 triệu đồng/lao động). Tuy nhiên, trong Ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC) ký giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, từ tháng 11/2017, các doanh nghiệp Việt Nam không được thu khoản quỹ trên. Đồng thời, doanh nghiệp phải công khai các khoản phí của người LĐ.

Ngoài ra, với các thị trường khác, Bộ LĐ-TB&XH cũng công khai các khoản chi phí người LĐ phải đóng góp; yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu LĐ giảm khâu trung gian, để giảm phí cho người LĐ. Đặc biệt, qua khảo sát người LĐ để kiểm tra việc thu phí của doanh nghiệp, xử lý nghiêm doanh nghiệp thu phí vượt qui định…

Theo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), trong 5 tháng đầu năm 2017, đã có 44.334 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, đi Đài Loan 21.739 người, Nhật Bản 17.454 người, Hàn Quốc 2.301 người, Ả Rập Xê Út 1.470 người… 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, để giảm phí cho người LĐ, đầu tiên phải cắt giảm khâu trung gian, môi giới. Bên cạnh đó phải công khai, minh bạch thông tin về các thị trường, chi phí, doanh nghiệp được phái cử. “Cả doanh nghiệp phái cử và thực tập sinh đều nói chi phí tuyển dụng đi Nhật tương đối cao, và những thông tin về phí của thị trường này còn khá nhập nhèm”, ông Thành nói.