Deyanov Việt Nam cũng ra đi rồi!

TP - Cuối cùng Nguyễn Chánh Tín cũng đi gặp Lê Hoàng Hoa, Trần Bạch Đằng - những người đưa ông lên đỉnh cao danh vọng. Và có lẽ gặp cả nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo - người mà cuộc đời tuyệt đẹp là nguyên cớ dẫn đến Ván bài lật ngửa - phim Việt hiếm hoi được lòng cả nước, và Nguyễn Thành Luân bất hủ được Chánh Tín thể hiện thành công. 
Nguyễn Chánh Tín và bạn diễn Diễm My

“Deyanov Việt Nam cũng ra đi rồi!”- khán giả Kim Anh bạn tôi viết gọn lỏn như vậy trên FB hôm nghe tin thần tượng của mình rời bỏ cõi tạm.

“DEYANOV VIỆT NAM” CỦA THỜI XA VẮNG

Viết dòng trạng thái đúng một câu “Deynov Việt Nam cũng ra đi rồi”, cô bạn Kim Anh là người đầu tiên báo tin cho tôi về sự ra đi “quá sớm” của Nguyễn Chánh Tín. Và bồi hồi nhắc lô kỷ niệm hồi chúng tôi còn bé, lê la khắp các rạp Hà Nội để xem không chỉ một lần, 8 tập phim Ván bài lật ngửa.

 
Deyanov và Deyanov Việt Nam đều đã rời bỏ chúng ta

Lần đầu tôi xem Nguyễn Chánh Tín, là phim Giữa hai làn nước, cuối thập kỷ 70 thế kỷ trước. Anh đóng cặp với Băng Châu, cô sau đó vượt biên. Cặp Chánh Tín - Băng Châu nổi lên trước 1975 từ phim Vĩnh biệt tình hè của điện ảnh Sài Gòn cũ.

Giữa hai làn nước không có gì đáng nhớ lắm ngoại trừ ngoại hình sáng trưng của hai nhân vật chính, nhất là “Dũng mô-tô bay” do Chánh Tín thủ diễn. Hồi đó các đoàn xiếc mô-tô bay của miền Nam thỉnh thoảng diễn ở công viên Thống Nhất. Tôi hay xem xiếc miền Bắc ở Nhà Tròn nhưng xiếc mô-tô bay với nguyên lý vận hành là lực ly tâm, khiến cái sợ át cả cái thích ở tôi. Sợ, lo cho diễn viên vì có vẻ nguy hiểm quá.

Dũng mô-tô bay của Chánh Tín là một chàng dong dỏng, gương mặt vừa nghệ sĩ vừa thư sinh, đường nét đẹp nhưng để đạt đến độ chín về mọi phương diện thì phải chờ Nguyễn Thành Luân, năm 1982 khi tập 1 Ván bài lật ngửa ra mắt.

Ván bài lật ngửa tung tập 1, khán giả có vẻ choáng! Cho dù kịch bản khiến họ chưa đã, thòm thèm, thấy phim “ngắn quá”. Đặc biệt, các nhân vật chính như Nguyễn Thành Luân, Ngô Đình Nhu, Trần Lệ Xuân... quá ấn tượng từ ngoại hình trở đi (trong khi Ngô Đình Diệm nom hơi đần còn Ngô Đình Thục hiền khô).

Hồi đó, các rạp sốt xình xịch, kèm đó là vô số tin tức đồn đại quanh bộ phim. Chẳng hạn: “Phim này làm theo cốt truyện X.30 phá lưới đấy”. (X.30 phá lưới là tên tiểu thuyết tình báo của Đặng Thanh, cuốn“best-seller”thời đó). Mãi về sau mọi người mới biết Ván bài lật ngửa đúng ra dựa trên cuộc đời nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo. Trần Bạch Đằng thì phàn nàn bút danh của ông khi viết phim này - Nguyễn Trương Thiên Lý, là tên cháu ngoại ông, thế mà cứ bị nhầm là Nguyễn Trường Thiên Lý...

Về Deyanov thì sao?

Thập kỷ 70 - 80 thế kỷ trước, Hà Nội chỉ không được xem phim Mỹ chứ phim xã hội chủ nghĩa đâu có ít, đâu thiếu phim hay, nhưng niềm say mê tập thể một cách mãnh liệt lại chỉ dành cho thiếu tá tình báo Deyanov của Trên từng cây số, do SteFan Danailov thủ vai. Là bởi bộ phim truyền hình Bulgaria này được phát đi phát lại, và với tâm thế của hồi đó, hết thảy mọi người đều thấy phim rất hay, với vai chính Deyanov vừa tài ba vừa cực kỳ khả ái.

Nguyễn Thành Luân xuất hiện, người ta không khỏi liên tưởng Deyanov. Tôi không biết đạo diễn và Chánh Tín có tham khảo vai Deyanov không. Nhiều người nói anh bắt chước rõ ràng. Nhưng hôm qua tôi ngồi xem lại Ván bài lật ngửa, thấy một sự hợp lý cao độ từ dáng đi đứng, châm lửa hút thuốc, ánh mắt nhìn như xuyên thấu tâm can người khác, nụ cười quyến rũ trời sinh… Hoàn toàn tự nhiên, không theo khuôn mẫu nào.

Dù thế nào mặc lòng, Chánh Tín được gọi “Deyanov Việt Nam” hoàn toàn với ý nghĩa xưng tụng, bởi cho đến thời điểm đó, người ta chưa thấy diễn viên Việt Nam nào thỏa mãn được họ đến thế, mà cứ phải ngó nghiêng ra nước ngoài mà ái mộ. (Một ví dụ về sự ái mộ là Goiko Mitic người Nam tư chuyên đóng phim da đỏ của Đức: Những đứa con của gấu mẹ vĩ đại, Os-kê-ô-la…, và các diễn viên ưu tú nhất của Liên-xô).

Trong một bài báo dăm bảy năm trước, tôi từng viết: “Chánh Tín kể về thời hoàng kim, gần chục ngàn khán giả Pleiku chen nhau để được thấy ông, đến nỗi sập cả tường sân vận động. Dân Thủ đô thì không thế, họ chỉ đứng ngắm từ xa. Nhưng cái tên đặc Nam bộ Chánh Tín len vào câu chuyện của từng nhà và không nghi ngờ gì nữa, đây là diễn viên được hâm mộ nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam”.

“Deyanov Việt Nam cũng ra đi rồi”- nói vậy là bởi chưa đầy tháng rưỡi trước, Deyanov xịn tức diễn viên SteFan Danailov qua đời ở tuổi 77. Người này nhiều hơn Chánh Tín chẵn chục tuổi (sinh 1942). Khán giả Việt lứa trung tuổi trở lên, lại tha hồ lên FB ôn lại kỷ niệm đẹp, ký ức tuyệt vời với người đẹp cằm chẻ thuở nào. Họ kể từng thổn thức ra sao, chứng kiến người khác găm ảnh Deyanov trong ví thế nào, từng chỉ mong đến giờ ngồi trước màn hình ti vi đen trắng để say mê theo dõi bộ phim Trên từng cây số quên cả cái đói cái buồn. Vân vân.

Bây giờ, đến lượt “Deyanov Việt Nam” được vô số khán giả tỏ sự tiếc nhớ bằng cách ôn lại kỷ niệm từng có với Nguyễn Thành Luân và Ván bài lật ngửa. Chỉ một bộ phim mà trở thành thần tượng của hàng triệu người, là ký ức đẹp của mấy thế hệ liền, kỷ niệm ngọt ngào của cả một thời gian khó- thiếu thốn từ vật chất cho tới tinh thần. Xưa nay ngoài người này- Nguyễn Chánh Tín, mấy ai làm được như vậy?

“Quen biết Chánh Tín, tôi thấy anh có chất hào sảng “anh Hai Nam bộ” và chất hảo hán của con nhà võ. Tôi nghĩ nếu anh theo nghề võ thì cũng sẽ rất thành công”.
Nhà thiết kế MINH HẠNH

"CUỘC ÐỜI ÐÓ CÓ BAO LÂU MÀ HỮNG HỜ”…

Chánh Tín qua đời, bạn diễn Đồng Thu Hà ca ngợi trên báo rằng với chị, Chánh Tín là kép đẹp và lịch lãm nhất mọi thời đại: “Sau này vài người có phong thái tương tự nhưng không thể đầy đặn như Chánh Tín”.

Thu Hà đóng Tóc gió thôi bay, Hoa quỳnh nở muộn cùng Chánh Tín khi Chánh Tín đang ở tuổi chín muồi của người đàn ông còn Thu Hà đúng là “lá ngọc cành vàng”, 20 tuổi, xinh đến nỗi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ngắm Hà rồi bảo tôi “Đàn bà đẹp ấy mà, chỉ được cái làm khổ đàn ông chúng tôi”. (Hình như hồi đó Hà đóng phim Em lại về với biển, kịch bản của Nguyễn Huy Thiệp nhưng ẩn danh).

Xem phim của Chánh Tín- Thu Hà, mì ăn liền thôi nhưng tôi có lúc tò mò tự hỏi “có điều gì xảy ra không”. Nay Thu Hà xác nhận trên báo là cô không thân Chánh Tín, vì cô quá ngưỡng mộ đến mức chẳng dám lại gần. Bạn diễn Diễm My thì nhiều lần kể, chứng kiến sự si mê của khán giả nữ dành cho Chánh Tín. Đương nhiên họ mê ông vì Nguyễn Thành Luân.

Còn nhân vật chính của chúng ta cũng hơn một lần lên báo, lên truyền hình bộc bạch về sự đào hoa ngay trước mặt vợ - ca sĩ Bích Trâm. Trước mặt bà xã, ông nói: “Tôi từng nhiều lần sa ngã”, “Tôi là người nổi tiếng mà, làm sao không có cô này cô nọ”. Nhưng rồi gia đình vẫn là nơi ông tìm về, và nếu không phải vợ là Bích Trâm thì “đời tôi chắc chục vợ”.

Mới đây chứ đâu, ông viết trên trang cá nhân: “Hơn 45 năm em làm vợ anh, nghĩ lại anh đã lầm lỗi với em quá nhiều. Em vẫn cam chịu, chấp nhận, tha thứ”.

Còn tôi, nhớ ra rằng từ thuở bé đã hay hóng chuyện, nhất là những câu chuyện đời phức tạp. Năm 1985, Chánh Tín ra Hà Nội dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 và nhận giải Diễn viên chính xuất sắc nhờ tập 5 của Ván bài lật ngửa- tập Trời xanh qua kẽ lá. Lần đầu tôi thấy Chánh Tín ngoài đời - đứng ở rạp Tháng 8, và công viên Thống Nhất, giao lưu với khán giả. Không khỏi tò mò về những đồn thổi lan khắp Hà Nội nên tôi “tra khảo” người quen là Nguyễn Trường Xuân - một nhà báo miền Nam khi ông kể đi chung chuyến bay với Chánh Tín- Phương Thanh (Phương Thanh của phim Tội lỗi cuối cùng, Bãi biển đời người… chứ không phải ca sĩ). Sau này đi làm báo cũng đầy lần tọc mạch hỏi han giới điện ảnh những chuyện bên lề không chỉ về Chánh Tín mà thôi đâu.

Nhà thiết kế Minh Hạnh nói: “Chánh Tín có độ phóng khoáng, thành ra chuyện riêng thì ông ấy cũng không giấu đâu”. Chính ca sĩ Bích Trâm từng đề cập thẳng tên Phương Thanh trong một bài báo, rằng bà biết chuyện, nhưng cũng biết cuối cùng thì Chánh Tín sẽ về bên vợ con.

Tôi lại cũng có lần, lâu rồi, hỏi chính Chánh Tín, qua điện thoại, về những bí ẩn đời tư của một người được trời cho hơi nhiều. Ông cũng chả giấu gì!

Chánh Tín qua đời, tôi hỏi nhà văn Lê Minh Khuê: “Nói Ván bài lật ngửa là phim hay nhất còn Nguyễn Chánh Tín tài năng nhất, được ái mộ nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam liệu có quá lời?”. Chị Khuê: “Không hề quá lời. Ván bài lật ngửa do Lê Hoàng Hoa là người cũ, học hành bài bản đạo diễn nên mới được như vậy. Còn Chánh Tín được trời cho quá nhiều mà để hơi uổng”.

Về chuyện người tài sắc, nổi tiếng làm thế nào để thắng nổi cám dỗ, Lê Minh Khuê: “Khó đấy, quá khó. Có tài có tật là bình thường. Người như Chánh Tín không chung chiêng mới lạ, nhưng biết giữ gìn điều mình có thì cũng là người thông minh”.

Cho nên hôm nay, ngày người hâm mộ tiễn biệt Nguyễn Thành Luân, tôi ngồi viết mà nhớ lại bài tủ của Chánh Tín - Mưa hồng (Trịnh Công Sơn) với ca từ rất thơ lại rất đời: “Nay em đã khóc chiều mưa đỉnh cao/Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu/Em đi về cầu mưa ướt áo/ Đường phượng bay mù không lối vào/Hàng cây lá xanh gần với nhau…/Vòng tay đã xanh xao nhiều/Ôi tháng năm gót chân mòn trên phiếm du/Người ngồi xuống xin mưa đầy/Trên hai tay cơn đau dài/Người nằm xuống nghe tiếng ru/Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ…

Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ. Thế đấy…

Tính ra Chánh Tín đóng khoảng vài chục phim nhựa, từ ngày đầu đất nước thống nhất đến nay: Giữa hai làn nước, Tình đất Củ Chi, Con mèo nhung, Pho tượng, Hạnh phúc ở quanh đây, Ðiệp khúc hy vọng, Hoa quỳnh nở muộn, Tóc gió thôi bay, Bến sông trăng, Ngôi nhà oan khốc, Lệnh xóa sổ, Em chưa 18, Hoàng tử ơi anh ở đâu...

Trong số này, nhiều phim có thể liệt vào dòng “điện ảnh cách mạng”, một số là phim “mì ăn liền”, còn gần đây là những phim kiểu “mì ăn liền đời mới”. Nói chung, trừ những phim đã dở lại đóng khi xuống sắc hoàn toàn như Lệnh xóa sổ, còn thì Chánh Tín hồi chưa già, phim nào nom cũng “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”, cho nên nếu phim không hay thì khán giả có thể ngắm Chánh Tín “trừ bữa”cũng được. Các diễn viên nữ đóng cặp Chánh Tín đều là những trang nhan sắc: Băng Châu, Diễm My, Thúy Lan (mẹ của cây violon Bùi Công Duy), Thúy An, Thu Hà, Lê Khanh...