Đeo khẩu trang ở xứ người

TP - Tuần vừa qua, giữa diễn biến bất ngờ của đại dịch Covid- 19, người Việt tại châu Âu  hoang mang, lo lắng và bị mắc kẹt giữa quan điểm chống dịch của Việt Nam và phương Tây. Đeo khẩu trang bị coi như “kẻ mắc dịch”, có triệu chứng thì tự cách ly.
Nước Ý phong tỏa, người dân giữ khoảng cách 1mét (theo vạch kẻ) kể cả khi xếp hàng thanh toán trong siêu thị Ảnh: VƯƠNG PHẠM

Cuối tuần trước, nhiều người Việt ở nước ngoài còn tỏ ra ngạc nhiên khi truyền thông và mạng xã hội trong nước hoảng loạn trước bệnh nhân dương tính số 17 xuất hiện sau 2 tuần cả nước không có người mắc mới. Giữa tuần, người Việt xa xứ bắt đầu lo lắng khi  Italy đã vượt Hàn Quốc và trở thành nước có số ca nhiễm cao nhất ngoài Trung Quốc với 17.660 trường hợp, tỉ lệ tử vong  lên tới 7%.

Con số người nhiễm tăng mạnh ở Đức, Áo, Thụy Sĩ… Pháp, Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp. Những con số nhảy vọt vào cuối tuần này khiến người Việt ở châu Âu nghi ngờ “sự bình tĩnh đến khó hiểu” và thái độ “coi thường khẩu trang” của người sở tại.

Nghịch lý khẩu trang

Ngoài đường phố châu Âu và Mỹ hầu như không ai đeo khẩu trang, nhiều người Việt mình “nhập gia tùy tục” cũng không đeo. Một số trang cá nhân của người Việt bán hàng tại Praha, Berlin, Dresden đều chung ý kiến “mình đeo khẩu trang, Tây họ không dám tiến lại quầy mình, vì sợ mình đang có virus”. Anh Bùi Lợi có quầy tạp hóa ở Dresden kể: “Đọc báo trong nước thấy lo lo, không đeo khẩu trang cũng thấy áy náy. Đến lúc hỏi anh khách hàng thân đứng uống bia tại quầy “Cậu không đeo khẩu trang có sợ không?

Anh này cười: “Chưa tới lượt đâu” (ý nói chưa tới số lây nhiễm và chết đâu). Có người Việt ở Paris đeo khẩu trang bắt taxi, bước vào xe, tài xế hốt hoảng hỏi “bà có ổn không, tôi đưa bà đến bệnh viện nhé?”. Trên xe buýt, nhà ga, nhìn thấy người Á bịt nửa mặt, dân “nhà người ta” đi né sang làn khác. Không ít người bức xúc tâm sự bị người sở tại kỳ thị thô bạo như nhổ nước bọt và quát “đồ virus”. Có kẻ búng que diêm cháy về phía khẩu trang người Việt đang đeo rồi nói “thứ này chứa đầy virus”.

Anh Nguyễn Phi Hùng, Việt kiều sống tại Viên (Áo) có tâm trạng hoang mang hơn mỗi ngày. Chăm chỉ đọc báo và xem kênh tin tức của Áo, lúc đầu anh Hùng tin rằng đây chỉ là dịch cúm mùa xuân thường niên. Cuối tháng 2, lúc dịch đã bùng phát ở châu Á, anh Hùng dẫn khách đi tour Hallstatt (Áo) vẫn còn khá đông. Sau đó thì lượng khách sụt giảm 80-90%. Các tụ điểm ngày thường đông nườm nượp người ở Viên giờ vắng ngắt.

Áo ghi nhận nguy cơ tăng lên 1.000, rồi 10 nghìn ca trong 2 tuần tới theo lời thủ tướng Áo Sebastian Kurz, thế nhưng trẻ em vẫn chưa được nghỉ học ngay và luôn. Đầu tuần các siêu thị vắng nhưng hàng hóa đầy ngập, chẳng ai tích trữ - đến cuối tuần thứ sáu ngày 13 thì ngăn thực phẩm và thịt trống trơn, anh Hùng chia sẻ đầy lo lắng. Tình trạng siêu thị hết hàng tương tự xảy ra ở Praha. Thế nhưng số người đeo khẩu trang vẫn không đáng kể. “Tây họ chỉ chú trọng cồn rửa tay thôi”.

Khoảng cách 1 mét “thần thánh” ở Ý

Đúng 2 tuần trước, Phạm Hùng Vương, nghiên cứu sinh ở Venice đăng bức ảnh quang cảnh quảng trường chính đảo Venice đông nghịt người tham dự Lễ hội Hóa trang, thế mà ngay sau đó du khách biến mất sạch. Là Hội trưởng Hội sinh viên Việt Nam tại Ý, Hùng Vương cho biết, ngoài một số sinh viên đã về nước đợt mới bùng dịch, hiện tại còn hơn 100 sinh viên ở lại sống cùng nước Ý phong tỏa.

“Tất cả các bạn đều ngồi nhà, thỉnh thoảng ra siêu thị mua đồ ăn rồi về”. Ngoài phố một số người Ý chưa bỏ hẳn được thói quen ôm hôn khi chào hỏi, đa số có ý thức giữ khoảng cách khi chào nhau “ciao ciao”. Tại siêu thị người dân chấp hành qui định “giữ khoảng cách 1 mét” khi chọn đồ và xếp hàng chỗ thu ngân. Mặc dù truyền thông thế giới nói về nước Ý phong tỏa đầy kịch tính nhưng tôi thấy thái độ người dân không căng thẳng lắm.

Số lượng người đeo khẩu trang vẫn rất ít, chủ yếu là người châu Á hoặc ở những nơi tập trung đông người như sân bay, bến tàu. Họ khăng khăng: khẩu trang là dành cho nhân viên y tế và người đang bị bệnh nên mọi người sẽ không đeo nếu không có bệnh gì. Vương so sánh phản ứng của người Việt và người Ý: Họ bình tĩnh hơn.

Họ không tích trữ đồ ăn. Họ không đeo khẩu trang. Tuân thủ mọi quy định và khuyến cáo phòng bệnh của nhà nước. Người dân không tụ tập, không tổ chức đám cưới lẫn đám tang. Dường như hầu hết du học sinh Việt như Hùng Vương cũng lây sự bình tĩnh của người dân nơi đây. Du học sinh ta chỉ khác người Ý ở chỗ có đeo khẩu trang. Hầu hết khẩu trang các bạn được người nhà gửi sang vì “ở bên này không đâu bán cả”.

Nguyễn Như Ngọc, sinh viên Đại học Bách khoa Milan bày tỏ xót xa khi thành phố vốn tấp nập du lịch nhất nhì châu Âu, nay bị bỏ rơi. Chính Milan có tới 3/4 số ca tử vong của cả nước. Từ lúc bị phong tỏa, mỗi sáng có xe cảnh sát đi qua khu dân cư gọi loa nhắc mọi người đặc biệt người già hạn chế ra phố. Hiện tại chỉ có hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm được mở cửa. “Kể cả đi bộ ngoài phố, cảnh sát có thể chặn một người bất kỳ hỏi giấy tờ tùy thân và mục đích di chuyển. Người tập thể thao đạp xe trong công viên cũng phải giữ khoảng cách 1 mét “thần thánh” với người khác”.

Tây phản ứng khác ta

Chị Trần Vũ Kiều Phương, du học sinh ở Thụy Sĩ chia sẻ trải nghiệm từ dương tính đến âm tính khá nhẹ nhàng. Cùng với kết quả dương tính, Kiều Phương nhận được lời nhắn “Chúng tôi sẽ gửi khẩu trang và gel rửa tay đến cho bạn”. Hàng ngày có bác sĩ gọi điện đến hỏi thăm sức khỏe người bệnh. Họ yêu cầu chị tuân thủ cách ly, chị “ra lệnh” cho cơ thể nâng sức đề kháng diệt virus, sau 10 ngày ở nhà không dùng thuốc chị thấy khỏe hơn. Xét nghiệm lần hai chị nhận kết quả âm tính. 

Ở London, người có triệu chứng không dễ để được xét nghiệm. Chị Nguyễn Quỳnh Trang, sống và làm việc tại thủ đô Anh kể: Nếu muốn xét nghiệm phải diễn rất căng kiểu sắp chết, ho lụ khụ trong điện thoại bác sĩ mới đến xét nghiệm. Nếu dương tính, họ bảo ở nhà cách ly, sẽ tự khỏi, mỗi ngày gọi điện hỏi thăm một lần, không khám xét thêm. Không có phong tỏa, xịt khử trùng gì. Bệnh viện không tiếp nhận trừ khi rất rất nặng.

Bệnh viện sợ lây bác sĩ và mọi người, phải để chỗ cho các bệnh nhân khác. Nghe nói Việt Nam đã sản xuất được bộ kit xét nghiệm nhanh, chị Trang mong chính phủ khẩn trương gửi tới đại sứ quán tại các nước.  “Các chuyên gia y tế cần hướng dẫn để những người Việt có biểu hiện cúm, hoặc có nhu cầu muốn về Việt Nam được xét nghiệm trước tại các nước sở tại. Khi có kết quả ai nhiễm ai không, chúng ta sẽ yên tâm có biện pháp phân loại an toàn khi đưa những người có nhu cầu trở về”.

Từ Skopie (Macedonia), nhạc trưởng Lê Phi Phi lo lắng thông báo có 9 ca nhiễm đầu tiên. Theo nhạc trưởng, tuy con số còn rất nhỏ nhưng giới chức nước này đã có những quyết định đúng, kịp thời với trường hợp có vị trí xã hội nhưng không có ý thức cộng đồng. Chính quyền đã cách chức một nữ bác sĩ, giám đốc Phòng khám Da liễu bị xét nghiệm dương tính do không tuân thủ tự cách ly 2 tuần sau khi từ Ý trở về và tiếp tục đi làm, không khai báo. Có khả năng người này sẽ bị trách nhiệm hình sự và tước môn bài Y khoa.

Naschmarkt -Khu chợ sầm uất nổi tiếng ở Viên (Áo) vắng lặng khi dịch bùng phát
Ảnh: PHI HÙNG
Trường mẫu giáo, tiểu học và trung học, đại học và Viện khoa học đóng cửa từ ngày 11 đến 25 tháng 3. Bố hoặc mẹ có con dưới 10 tuổi sẽ được nghỉ làm 14 ngày ở cả khu vực nhà nước và các công ty tư nhân, và kỳ nghỉ phép đó sẽ được trả lương bình thường. “Giá mà phụ huynh có con nghỉ học ở Việt Nam được ưu tiên tương tự!”.

Từ đầu mùa dịch, trên trang cá nhân, nhà văn Lê Phương Thảo hiện sống ở Mỹ luôn than vãn về sự thờ ơ và phản ứng chậm với Covid-19 của chính quyền sở tại. Nữ sĩ cũng như nhiều Việt kiều khác thở phào khi ngày 13/6 Mỹ bỗng công bố tinh trạng khẩn cấp và khuyến cáo người dân dự trữ thức ăn trong 2 tuần.