Có mặt tại đền Trần Nam Định (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) từ ngày 6/2 (tức 13 tháng Giêng âm lịch) đến trưa nay, ngày 7/2 (tức ngày 14 tháng Giêng, ngày khai ấn), PV ghi nhận hình ảnh vắng lặng chưa từng thấy của ngôi đền danh tiếng và lễ hội lớn của miền Bắc này trong suốt mấy chục năm qua.
Thay vì hình ảnh tấp nập người dân, du khách đổ về kín đường Trần Thừa và trong đền từ trước ngày khai ấn cả tuần, đến nay các khu vực này hoàn toàn vắng lặng, người đi lại thưa thớt. Cả bãi xe rộng thênh thang chỉ có vài chiếc xe máy. Trong khuôn viên đền chỉ lác đác vài chục khách đang thắp hương, làm lễ.
Dù giáp ngày khai ấn nhưng dọc các tuyến đường quanh đền, đặc biệt là trên đường Trần Thừa trước cửa đền không thấy hàng quán tấp nập. Hàng trăm lều lán, quán hàng tại đây được dựng từ trước Tết nguyên đán hiện tại đều bỏ trống. Chỉ có lác đác một vài hàng nước của người dân bản xứ dọn hàng chờ khách.
Anh Nguyễn Văn Thanh, một người bán cây cảnh có thâm niên hàng chục năm bán hàng ở đền Trần vào dịp đầu năm cho biết: "Trước tết, cố mãi mới xin được một chỗ bán hàng. Nhưng đến tận bây giờ mà khách vẫn vắng thế này thì có bày hàng cũng chẳng bán được cho ai. Người dân sợ virus Corona nên chẳng ai dám đến chỗ đông người".
Trước đó, để phòng, tránh dịch bệnh do virus Corona, ngày 1/2, UBND thành phố Nam Định, đã có thông báo về việc dừng tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần xuân Canh Tý 2020 mặc dù mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được hoàn tất, chu đáo, công phu, trang trọng.
Tuy nhiên, trước diễn biến ngày càng phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, bà Phạm Thị Oanh, Phó chủ tịch UBND thành phố Nam Định, Trưởng Ban tổ chức lễ hội Khai ấn đền Trần 2020, cho biết, không chỉ dừng tổ chức lễ hội ở quy mô lớn mà đã yêu cầu dừng tất cả mọi hoạt động trong lễ hội đền Trần kể cả ở quy mô địa phương, nhà đền để tránh tập trung đông người.
Cùng với việc Ban tổ chức lễ hội ra thông báo, treo pano, áp phích thông báo về việc dừng tổ chức lễ hội, đến giáp ngày khai ấn, nhà đền cũng đã có động thái khá cứng rắn là thông báo sẽ đóng cửa đền từ 22 giờ tối ngày khai ấn đến 7 giờ sáng ngày hôm sau (đêm 7, rạng sáng 8/2) và không tổ chức việc phát ấn tại đền.
Đối với tình huống đã đăng ký xin ấn từ trước, đại diện nhà đền cho biết "hướng giải quyết là sẽ liên hệ để có hình thức chuyển ấn qua bưu điện hoặc một cách phù hợp khác".
Mặc dù dừng toàn bộ hoạt động về lễ hội đền Trần, đặc biệt là dừng các hoạt động liên quan đến lễ khai ấn đêm 14 tháng Giêng hàng năm thu hút hàng chục vạn người về dự, thành phố Nam Định vẫn thiết lập các phương án bảo vệ an ninh, nhất là phòng chống dịch bệnh xảy ra.
"Đề phòng tình huống người dân vẫn đổ về đền Trần đêm nay vì trùng vào ngày nghỉ cuối tuần, UBND thành phố vẫn yêu cầu lực lượng công an xây dựng các phương án an ninh. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ lập các chốt, trạm y tế, kiểm dịch tại đây, phối hợp với nhà đền phát khẩu trang miễn phí trong suốt dịp này, đồng thời phát loa, tổ chức các hình thức tuyên truyền người dân không tập trung đông người và có biện pháp tự bảo vệ sức khoẻ của mình", Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Nam Định thông tin.
Cũng liên quan đến lễ hội đền Trần đầu năm, tại Thái Bình, Ban Thường vụ tỉnh này đã ra thông báo dừng lễ khai mạc đền Trần Thái Bình (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Binh) vào tối nay, 7/2. Tuy nhiên, tỉnh này vẫn cho phép địa phương tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, giao lưu.
Có mặt tại đền Trần Thái Bình vào tối qua, 6/2, PV cũng ghi nhận không khí vắng lặng tương tự như tại đền Trần Nam Định.
Dưới đây là một số hình ảnh PV ghi nhận tại đền Trần Nam Định và đền Trần Thái Bình: