Đến Tây Tạng, chạm vào Thiên táng

TP - Đọc tiểu thuyết “Sky Burial” (Thiên táng) của nhà văn Hân Nhiên, tôi rùng mình khi hiểu về nghi thức thiên táng của người Tây Tạng: người chết không được chôn, cơ thể bị cắt nhỏ, xương cũng bị đập tan, để đàn kền kền trên núi cao sà uống ăn. Người Tây Tạng tin rằng, nghi lễ thiên táng này giúp con người trả lại phần tồn tại vật chất cho thiên nhiên bao la.
Vẻ đẹp người Tây Tạng và kiến trúc truyền thống.

Lên mạng, tôi có thể xem ngay bộ phim tài liệu mang tựa đề “Sky Burial”. Những cảnh quay về cách xẻ thịt người, những tiếng kêu chói lói của đàn kền kền khiến tôi sởn gai ốc. Dưới đường dẫn bộ phim đó, có rất nhiều lời nhận xét của người xem: nhiều người cho rằng nghi thức thiên táng thật man rợ: con người bị xẻ thịt khi chết, quăng cho đàn chim đói. Nhiều người thì cho rằng nghi thức này hàm ẩn một vẻ đẹp tâm linh: thân xác con người nối tiếp vòng sinh-diệt không cùng của tự nhiên.

Tiểu thuyết “Thiên táng” và bộ phim tài liệu đó khiến tôi bị mất ngủ mấy ngày. Tôi trăn trở nghĩ về Tây Tạng, một mảnh đất vô cùng huyền bí đối với tôi. Thật không ngờ, chỉ ít tháng sau đó, tôi nhận được một lá thư từ Ban tổ chức Liên hoan thơ quốc tế Thanh Hải. Họ mời tôi sang đó giao lưu thơ và dự hội thảo một tuần với các nhà thơ quốc tế từ các châu lục. Thanh Hải ư? Tôi chưa biết gì về miền đất đó. Tra khảo tài liệu, tôi mới biết đó là miền đất cao nguyên nằm giáp biên giới Tây Tạng và thấm đẫm văn hóa của xứ sở này.

Máy bay hạ độ cao, chuẩn bị đáp xuống Thanh Hải, tôi nhoài người nhìn qua cửa kính: một con rồng hùng vĩ đang xòe đôi cánh bạc đón tôi. Trùng trùng đồi núi là những chiếc vảy rồng, trong da thịt  rồng phập phồng sóng hồ thiêng Thanh Hải, đuôi rồng quẫy thành dòng chảy của ba dòng sông lớn nhất của châu Á: sông Trường Giang, sông Hoàng Hà và sông Mê Kông. Không chỉ là nơi khởi nguồn của ba dòng sông này, Thanh Hải còn là vùng đất đã sinh ra thiền sư Đạt Lai Lạt Ma và thấm đẫm nét văn hóa độc đáo của 55 dân tộc thiểu số, trong đó có người Tây Tạng, Hồi, Tu, Salar, Mông Cổ…

Các nghệ nhân Tây Tạng.

Nghi lễ nghiêm cẩn

Tôi xuống đã nghe tiếng hát của một đôi nam nữ người Tây Tạng, những người đang dâng rượu, chào mừng tôi. Tiếng hát của họ lanh lảnh, nồng nàn, giục giã tôi uống cạn chén say.  Người Tây Tạng tin rằng số 3 là số may mắn, vì thế rượu được mời trong ba chén nhỏ. Trước khi uống, người được mời rượu cần nhúng ngón tay áp út vào rượu, rồi vẩy lên trời ba lần, như là một cử chỉ dâng rượu lên Phật. Người Tây Tạng đặc biệt mến khách. Mỗi người khách đến nhà sẽ được mời rượu ba lần: trước cổng, trong nhà, và khi khách ra về, mỗi lần mời là mỗi lần 3 chén rượu nhỏ được trang trọng dâng lên.

Khi sương mù còn quấn quít những dải lụa trắng mềm mại trên những đỉnh núi cao chót vót, trập trùng uốn lượn, xe đưa tôi và các nhà thơ quốc tế đến cao nguyên bạt ngàn cỏ xanh và gió lộng. Thật đặc biệt biết bao khi hội thảo của chúng tôi được tổ chức trong những chiếc lều du mục đầy màu sắc của những người Tây Tạng, ngay trên thảm cỏ.

Từ bao đời nay, hàng ngàn người Tây Tạng và Mông Cổ sống một cuộc sống du mục trên cao nguyên Thanh Hải.  Họ sinh ra, lớn lên, yêu, sống và chết trên những thảo nguyên bát ngát, tít tắp đến chân trời. Vào mùa hè, nơi trú ngụ của họ đơn giản là những túp lều vải, vào mùa đông, khi nhiệt độ bên ngoài thấp hơn -25 độ C, băng tuyết phủ dày khắp nơi, những người du mục trú ẩn trong những ngôi nhà bằng đá hoặc những túp lều làm bằng lông bò đen Tây Tạng có khả năng giữ ấm. 

Đón tôi vào vùng đất của người Tây Tạng và vào mùa hè Thanh Hải, một nghi lễ nghiêm cẩn đã được diễn ra, với điệu múa của các cô gái trong bộ quần áo truyền thống xinh đẹp. Một chiếc khăn lụa vàng óng ả được quàng lên cổ tôi, khiến tôi rưng rưng nước mắt. Yomdrom Tso, cô hướng dẫn viên xinh đẹp người Tây Tạng nói với tôi rằng: đối với người Tây Tạng, khăn vàng được choàng lên cổ cho người khách mà họ yêu quý và tôn trọng nhất, những vị khách cùng vai vế sẽ nhận được khăn choàng xanh, hoặc khăn màu trắng. Chất lụa mềm cựa vào da tôi man mát, như một nụ hôn thầm của làn gió đồng nội Thanh Hải dịu dàng, thanh khiết.

“Nhưng bây giờ kền kền chán thịt người lắm,” Yomdrom Tso thở dài rồi nói với tôi. “Người Tây Tạng bây giờ dùng thuốc tây nhiều quá, dẫn đến việc thịt họ bị hôi. Kền kền tinh lắm, thịt hôi là chúng chê ngay, chẳng thèm ăn”.

Cuộc sống du mục vất vả đã khắc những vết kham khổ lên khuôn mặt của những người du mục đang chào đón tôi, nhưng nụ cười của họ bừng sáng hơn cả những tia nắng mặt trời. Những đứa trẻ con thư thả đùa vui cạnh những đàn cừu, ngựa và bò lông dài Tây Tạng đang thong thả gặm cỏ, bên những nụ hoa dại đủ sắc màu. Dường như ở nơi đây, thời gian như ngừng trôi, và những bon chen của cuộc sống hiện đại ngoài kia trở thành vô nghĩa. Những người du mục dâng 3 chén rượu mời tôi trước khi đón tôi vào những túp lều giản đơn nhưng sạch sẽ của họ.

 

Thức ăn của người Tây Tạng khiến tôi ngơ ngẩn: thịt bò Tây Tạng hấp, sâm dại hầm, nấm thảo nguyên xào, salad rau thảo nguyên, dồi cừu, đậu xào ớt khô, bún gạo và rau, và sữa chua làm từ sữa bò Tây Tạng. Những cô gái đến cạnh bàn ăn, khéo léo nhào trộn bột lúa mạch, bơ và đường để tạo thành những viên bánh có vị ngọt và bùi làm tê đầu lưỡi. Đặc biệt, mỗi chiếc bánh mì Tây Tạng giống như một tác phẩm nghệ thuật: điểm trang bằng bột gia vị đủ màu sắc, mỗi chiếc bánh trông như một bông hoa khổng lồ. Thức ăn của người du mục Tây Tạng đơn giản, ít sử dụng gia vị hay dầu mỡ nhưng thật trong lành như đất trời, hoa cỏ của xứ sở này. Vị ngọt, bùi, cay, mặn của từng món ăn thấm vào đầu lưỡi tôi, sóng sánh nâng tôi lên, để tôi hiểu rằng chính đất trời đang tiếp cho tôi nguồn năng lượng sống.

Tạm biệt những người dân du mục, xe đưa tôi băng băng trên những con đường ngoằn ngoèo xuyên qua cao nguyên Thanh Hải. Mùa hạ đang mơn mởn khoác tấm áo nhung lên vạn vật.  Những đồng cỏ xanh mướt trải dài, đan xen với những thảm hoa vàng trải tít đến chân trời. Dọc đường chúng tôi đi, cạnh những thảm hoa vàng óng ả, những du khách thích thú cưỡi những con bò Tây Tạng lông dài. Trông chúng thật dữ tợn với đôi sừng nhọn hoắt, nhưng khi lại gần, tôi thấy những đôi mắt của chúng ngước nhìn tôi hiền hòa và dễ mến. Hình như những đôi mắt ấy cũng biết cười.

Qua những thiền viện lắt lẻo lưng chừng núi, qua những dòng suối trong vắt uốn lượn, qua dòng thác bạc đổ ào ạt cạnh đường, chân trời chợt mở ra một mặt nước thênh thang, trong xanh văn vắt, bao la sóng vỗ. Với diện tích 4.500 km2 ở độ cao 3.200m trên mặt nước biển, Hồ Thanh Hải là hồ nước mặn lớn thứ nhì trên thế giới. Một bên hồ là thảo nguyên cỏ tít tắp đến chân trời, bên kia là những rặng núi cao chót vót in bóng xuống làn nước trong vắt sâu thẳm.

Ngồi bên hồ nước thênh thang, lấp lánh ánh bạc, sóng sánh tiếng cá quẫy, Yomdrom Tso nói với tôi rằng, đây có lẽ là một trong những hồ nước đặc biệt nhất trên thế giới, vì cả biển hồ Thanh Hải được xem là chốn linh thiêng, không ai được phép đặt chân vào nước, hoặc tắm rửa, bơi lội. Mỗi năm, vào ngày 15 tháng 7 theo lịch của người Tây Tạng, hàng chục nghìn người đến đây tạ ơn trời Phật. Tại lễ hội linh thiêng này, các nhà sư sẽ làm lễ tạ ơn, và các chàng trai, cô gái trong những bộ quần áo truyền thống đủ màu sắc, sẽ cùng tạo nên các vật lễ từ bơ, hoa tươi và lụa để thả xuống hồ.

Ngắm nhìn những đàn cá lội tung tăng, Yomdrom Tso cũng cho tôi biết rằng người Tây Tạng ở Thanh Hải không ăn cá, vì họ tin rằng ăn cá vì thế dẫn đến sự sát sinh không cần thiết, thêm vào đó, trong bụng cá mẹ còn có thật nhiều những sinh linh bé nhỏ chưa được sinh ra. Một lý do nữa khiến người Tây Tạng ở Thanh Hải không ăn cá là vì thi thể những người chết vì bệnh tật sẽ được thả vào nước để thuỷ táng, vì thế có thể những con cá đã ăn thịt người chết.

Cô gái Tây tạng trước lều của người du mục.

Cái chết là bắt đầu của sự sống

Rồi Yomdrom Tso kể cho tôi nghe tập tục thiên táng của dân tộc cô. Ở làng cô, những ai chết vì lý do tự nhiên sẽ được nhận ân sủng đặc biệt này. Hành trình đến nơi an táng bắt đầu lúc sáng sớm. Các thành viên trong gia đình đi cùng, vừa đọc kinh, vừa hát, vừa chơi các nhạc cụ truyền thống, nhưng phải giữ khoảng cách với người chết. Đến nơi thiên táng, gia đình sẽ từ biệt người chết rồi xuống núi. Chỉ những ông thầy cử hành lễ thiên táng ở lại. Thi thể người chết được đặt nằm sấp xuống mặt đá. Cây bách xù được đốt lên, hương thơm của chúng sẽ thu hút được đàn kền kền đói. Với những con dao sắc, những ông thầy sẽ tiến hành công việc cắt nhỏ người chết, từ da thịt, đến nội tạng, vừa cắt vừa ném cho kền kền. Xương cũng sẽ bị đập nhỏ rồi trộn với bột ngũ cốc.

“Thế cô có sợ không?” tôi hỏi. “Sợ ấy à, tất nhiên là không. Ai được thiên táng là một vinh dự lớn”. Yomdrom Tso tự hào nói rồi cho tôi biết thiên táng là cách con người có thể hiến dâng thi thể của họ lần cuối cùng cho trời đất, cho thiên nhiên. Việc hiến dâng thi thể sẽ giúp cứu vớt những động vật khác khỏi việc bị kền kền ăn thịt.

Rồi cô bật cười khúc khích. “Tôi hy vọng thịt của mình vẫn thơm. Chị thấy tôi bé thế nhưng dũng cảm lắm. Ốm lăn lóc vẫn cắn răng chịu chứ không dùng thuốc tây đâu”. Rồi Yomdrom chia sẻ rằng, cô không hề lo sợ về cái chết, mà tin rằng cuộc sống luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác, và cái chết chính là sự bắt đầu của một cuộc sống mới.

Cách sống thong thả, tích đức cho kiếp sau được thể hiện rõ nét khi tôi bước chân vào Thiền viện Ta’er, một trong những nơi linh thiêng nhất của Thanh Hải.  Được xây dựng vào năm1577, bao trùm diện tích 144.000 m2, với 9.300 phòng và 52 đại sảnh, Thiền viện Ta’er còn có tên gọi là “gongben”, có nghĩa là “10.000 tượng Phật”. Ngoài sân, giữa thoang thoảng khói hương, những phật tử đi ngược chiều kim đồng hồ, xoay hàng trăm vòng xoay cầu nguyện để gửi những lời khấn nguyện lên trời. Đứng cạnh tôi, Yomdrom lẩm bẩm khấn nguyện. Xong việc, cô giải thích với tôi rằng, người theo đạo Phật Tây Tạng thường bắt đầu cầu xin cho sự bình an, may mắn đến cho cộng đồng, cho những người khác, trước khi cầu xin may mắn cho riêng mình. Với cách khấn nguyện này, con người sẽ học được cách sống rộng lượng hơn, và thấy các vấn đề của mình trở thành nhỏ bé.

Ẩm thực Tây tạng không những ngon mà còn đẹp mắt.
Bước vào Thiền viện Ta’er, tôi lặng người chiêm ngưỡng hàng ngàn tượng Phật, mỗi tượng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Yomdrom cho tôi biết rằng, số lượng hàng ngàn tượng Phật nhắc nhở con người rằng ai cũng có thể trở thành Phật, cũng có thể siêu thoát, vì con người ai cũng bình đẳng.

Đối với người Tây Tạng, Thiền viện không chỉ là chốn linh thiêng, mà còn là nơi gìn giữ và bảo tồn các truyền thống văn hóa. Trẻ em được gửi đến Thiền viện đều đặn để tham dự các lớp học bằng tiếng Tây Tạng, theo các đề tài như: y học dân tộc, tôn giáo, triết lý và nghệ thuật. Quan sát các nhà sư gập mình dạy trẻ nhỏ sáng tạo nên một bức tranh vẽ trên lụa (Thangka), tôi mới thấy vẻ đẹp tinh tế đằng sau các tác phẩm độc đáo này, và quý trọng hơn những nỗ lực của người Tây Tạng trong việc bảo tồn truyền thống văn hóa của mình.

Nếu các tác phẩm Thangka trong thiền viện Ta’er khiến tôi trầm trồ, thì bức Thangka dài nhất thế giới tại Viện bảo tàng Y học Truyền thống Tây Tạng làm tôi sửng sốt. Bốn trăm nghệ nhân xuất sắc nhất từ các vùng miền đã hội tụ về Thanh Hải để thiết kế nên bức vẽ dài 618m, rộng 2.5 m này – một tác phẩm hội hoạ mô tả đặc sắc và chi tiết nguồn gốc của vũ trụ, nguồn gốc của thế giới, quá trình phát triển của con người, và thế giới tương lai. Các nghệ nhân đã mất 27 năm ròng rã để hoàn thành tác phẩm tuyệt mỹ này, một tác phẩm đã được công nhận kỷ lục UNESCO như là tác phẩm Thangka dài và đẹp nhất thế giới. 

Những ngày ở Thanh Hải khiến tôi quên hết mọi lo toan ưu phiền trong cuộc sống, để hòa vào vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp văn hóa và sự thân thiện của con người. Khi con rồng bạc cất cánh đưa tôi rời Thanh Hải, những rặng núi với tay chạm đến tầm mắt của tôi, và nhận lấy lời thì thầm từ môi tôi: tujay-chay, Qinghai (cảm ơn nhé, Thanh Hải). Cảm ơn vùng đất huyền diệu và những người bạn đã mở cánh cửa đón tôi vào thế giới của họ, để rồi tôi nhận ra rằng thật kỳ diệu khi con người đặt các giống loài lên một vị trí bình đẳng. Ở vị trí đó, con người không còn ngạo mạn, mà sẽ sống chan hòa hơn, nhân ái hơn đối với thiên nhiên và vạn vật.