Đến nơi cái chữ cũng chênh vênh

Làng Nhì là xã khó khăn nhất thuộc huyện Trạm Tấu, Yên Bái - 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước. Sau đề án 30a, đường trung tâm xã Làng Nhì ô tô đã có thể đi vào, nhưng đường lên các bản vẫn là những con đường mòn chênh vênh bên bờ vực. 

Cả xã có 6 bản, 5 điểm trường, số hộ nghèo chiếm 50-70%. Do địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt và dân trí thấp (100% đồng bào là dân tộc Mông), đất quy hoạch rừng phòng hộ chiếm diện tích lớn, đất ruộng bình quân 42m2/người… nên người dân Làng Nhì không có cách nào để thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Đất rừng tự nhiên ở Trạm Tấu cũng không thích hợp cho Sơn Tra và Thảo quả, thứ quá có giá trị kinh tế khá cao đang được trồng rộng rãi ở Mù Cang Chải, Nghĩa Lộ…

Điều khiến cho nhiều người đau đáu thắt lòng về Làng Nhì, không chỉ vì sự nghèo đói, khó khăn hiện hình ở mọi nơi như thế, mà còn vì ám ảnh bởi những ánh mắt trẻ thơ trong veo ngơ ngác mà áo quần lấm lem, bụi bặm. Những đứa trẻ xa nhà cả tuần, học bán trú tại các điểm trường, chênh vênh trên con đường đi tìm cái chữ.

Ngày 23/8, Hội từ thiện Noi.vn vượt hơn 220km đến với Trạm Tấu khi ánh trăng non đầu tháng đã chênh chếch treo trên đỉnh rừng già. Xe ô tô dừng ở trung tâm xã Phình Hồ. Từ đây, đoàn tiếp tục đi bộ 10 km trong đêm qua cung đường núi gập ghềnh đá sỏi và heo hút để tới điểm trường chính Làng Nhì. 

Nhờ có sự trợ giúp của các thầy cô và các bạn trẻ tình nguyện Yên Bái, việc di chuyển đã nhanh chóng hơn nhưng cũng không kém phần vất vả và sợ hãi. 22h30, dù đã muộn, hơn 200 học sinh bán trú tại Làng Nhì đã tập trung đầy đủ tại ‘’sân trường’’, háo hức và chờ đón đoàn.

6h sáng hôm sau, hơn chục người tách đoàn từ điểm trường chính xã Làng Nhì đi bản Chống Tàu. 

Đi ban ngày, mới nhìn rõ những cung đường nẻ toác, đỏ quạch và lởm chởm đá tai mèo sắc nhọn. Những vỉa bùn trồi lên khô quắt, xấu xí. 
Chưa hết, từ Phình Hồ, đi thêm hơn chục km nữa, lại đến 1 đoạn đường còn khó khăn hơn gấp bội, ngoằn ngoèo và nhỏ xíu, chỉ đủ cho 1 xe máy đi qua. Những vách đá dựng đứng chém ngang trên đầu, đường dốc và xóc, gió thổi ù tai. Những dòng suối nhỏ, những cây cầu tạm vắt qua đường chơ vơ, lạc lõng. Một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu thẳm. Đi 7km bằng xe máy, mà hơn 1 tiếng mới tới nơi. Nếu đi bộ, phải mất một buổi sáng.

Điểm trường Chống Tàu chênh vênh và lọt thỏm giữa núi đồi. Thứ nhìn thấy đầu tiên là những gương mặt trẻ măng, lấm lem ngơ ngác.
Lũ trẻ, e ngại và lạnh te không cảm xúc, kể cả khi bạn bắt nhịp cho chúng hát, dạy chúng chơi trò chơi và tặng chúng nhiều quà, bởi chúng hầu như chưa gặp người lạ, nét cười cũng khiên cưỡng mất tự nhiên. 

Một số thành viên nhanh chóng cho trẻ chơi trò chơi, hát các bài hát vui nhộn. Một số khác chuẩn bị những túi quà to, bao gồm nhiều đồ dùng học tập, áo mới, tất, dép, khăn mặt...và đặc biệt rất nhiều bánh kẹo để ‘’phá cỗ’’.

Thầy giáo trẻ Trần Xuân Nghiệp, phân hiệu trưởng 3 điểm trường Chống Tàu, Tà Chơ, Chống Chơ (thuộc xã Làng Nhì) mới 27 tuổi mà đã có 7 năm công tác tại đây, nét mặt lộ rõ vui mừng và phấn khởi, cho biết đây là lần đầu tiên điểm trường nhận được quà – những món quà rất thiết thực trong hoàn cảnh cán bộ, giáo viên và các em học sinh còn vô cùng khó khăn thiếu thốn. Điểm trường Chống Tàu có 28/73 học sinh bán trú. Với 460 nghìn đồng/tháng hỗ trợ hộ nghèo, các em học sinh ở lại trường được ‘’ăn ngon’’ hơn ở nhà rất nhiều. Bữa ‘’ăn ngon’’ mà thầy giáo Nghiệp nói trị giá 9 nghìn đồng/bữa chính.

Đoàn sang thăm gian nhà bán trú của học sinh. Hôm đó là ngày chủ nhật. Các em đến trường sớm nên mang theo cơm từ nhà đi. Cậu bé Sùng A Sở, học lớp 5, hồn nhiên và ‘’thành thục’’ đổ những miếng măng tươi ngâm ớt từ trong cái lọ nhỏ ra túi nilon cơm trắng, dùng thìa xúc ăn ngon lành. Một lúc sau, các em đã tự nhiên hơn. Những câu chuyện trở nên dễ chịu, vui vẻ. Những nụ cười trong vắt, nhẹ tênh, nghe vui tai như những dòng suối nhỏ róc rách chảy ngày đêm trên những con đường chúng tôi vừa đi qua. Bình thường nhìn thấy những hình ảnh túi cơm ‘’không có thịt’’ này, ai cũng sẽ xa xót. Vậy mà không hiểu sao, nhìn nụ cười và cái vẻ mặt ăn ngon lành của Sở, chúng tôi chợt nhận ra chưa bao giờ có cảm giác ăn ngon lành và ăn như một niềm vui như thế, dù trước mặt có là ‘’sơn hào hải vị’’.

Tặng quà cho hơn 100 học sinh ở Chống Tàu xong, chúng tôi trở lại Trạm Tấu. Ở Làng Nhì, hơn 600 học sinh bao gồm cả trung học, tiểu học và mầm non cũng đang háo hức và vui mừng nhận những phần quà từ chương trình.